KHI SỰ THA THỨ DƯỜNG NHƯ KHÔNG CÔNG BẰNG

Lớn lên trong môi trường nhà thờ, tôi được nghe nhiều người làm chứng về “ân điển của Chúa”. Với góc nhìn của tôi lúc đó, tôi chỉ thấy họ chia sẻ về những tội lỗi nghiêm trọng và những lựa chọn sai lầm, và cách Chúa đã đoái xem họ trong những thách thức sau đó. Rồi tôi tự hỏi tại sao Chúa trọn lành như vậy lại chọn giúp đỡ những người có vẻ như không tốt lắm – theo quan điểm của tôi.

Dù lời chứng về ân điển của Chúa từ những người này gây ra sự nghi ngờ và hoang mang cho tôi, nhưng thay vì tìm kiếm Chúa và trình dâng những nghi vấn của mình cho Ngài, tôi chọn cách không quan tâm. Phải mất nhiều năm sự hiểu lầm của tôi về ân điển mới được sửa lại, và điều này đã xảy ra theo cách đau đớn nhất.

Bốn năm trước, tôi bắt đầu phục vụ trong hội thánh và đặt sự tin tưởng của mình vào một vài lãnh đạo mà tôi tin rằng họ là những Cơ Đốc nhân đầy lòng yêu thương.

Tuy nhiên, qua thời gian, tôi bắt đầu nhận thấy sự thiếu trách nhiệm, không sẵn sàng nhận lỗi và sửa chữa sai lầm ở khía cạnh lãnh đạo của họ. Thêm vào đó, một số sự dạy dỗ trong hội thánh khiến tôi lo lắng.

Vài tháng trước, khi tôi (và một số người khác) lên tiếng về những vấn đề chúng tôi lo ngại, chúng tôi đã bị xa lánh và bị loại khỏi những vị trí chúng tôi đang phục vụ.

Tôi bị tổn thương, cảm thấy như lòng sốt sắng phục vụ Chúa của tôi và con cái Ngài là sai lầm. Tôi cũng cảm thấy mình bị thao túng và bị cám dỗ để tin rằng mình thật điên rồ khi đề cập đến những mối lo ngại trước đây. Tôi không muốn tha thứ cho những người này và cứ giữ sự tổn thương trong lòng vì tôi cho rằng không có đủ ân điển để tha thứ cho họ.

Lòng tự tôn cứ nhắc tôi rằng tôi có quyền buồn bực. Mỗi ngày, tôi đều hồi tưởng lại sự việc đó trong tâm trí và tự hỏi liệu mình có đáng bị phản bội chăng? Câu trả lời xuất hiện trong tôi luôn là “Không”. Điều đó càng làm tôi trở nên cay đắng và dần ngăn trở mối quan hệ của tôi với Chúa.

Tôi nói với bản thân: “Khi Chúa muốn mình tha thứ, Chúa sẽ cất cảm giác này đi”. Nhiều tuần trôi qua, thật khó khăn để thờ phượng Chúa. Tôi cảm thấy vô cùng nặng nề. Tôi đang mang điều gì đó mà tôi không biết làm thế nào để buông bỏ – điều gì đó mà tôi không chắc là mình có thể buông bỏ.

Tôi trở nên cay đắng và khủng hoảng. Tại sao những người làm tổn thương tôi được phép vui vẻ trong khi tôi đang tranh chiến?

Cuối cùng, tôi không thể chịu đựng nổi nữa và một ngày kia, tôi vỡ òa trong nước mắt. Trong lúc đang khóc nức nở, tôi nghe một giọng nói dịu nhẹ trong lòng nhắc nhở mình rằng: “Hãy đến với Chúa và Ngài sẽ cho con được nghỉ an”.

Tôi đã khóc đến thiếp đi và khi tỉnh dậy, tôi quyết định để Chúa xoa dịu nỗi đau của mình. Tôi biết cách của Ngài sẽ không hề dễ dàng hay thoải mái, nhưng sau khi dành thời gian trong sự hiện diện của Chúa, tôi nhận ra rằng mặc dù những người này làm tổn thương tôi nặng nề nhưng điều tốt nhất cho tôi là đi theo sự hướng dẫn của Chúa Jêsus, bày tỏ ân điển và rộng lượng tha thứ (Ma-thi-ơ 18:22).

Ân điển của Chúa luôn dư dật bởi Ngài là Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót và hay tha thứ. Chúa vô cùng cao cả và vĩ đại, Ngài ban sức mạnh cho tôi khi tôi nương tựa vào Ngài để buông bỏ những tổn thương.

Bước đầu tiên là đến với Chúa – một cách quyết tâm, khiêm nhu và trung tín. Dầu chỉ trong khoảnh khắc hay cần nhiều thời gian, Chúa sẽ hàn gắn tấm lòng tan vỡ của tôi, khiến nó được lành trở lại. Với tôi, mất khoảng ba tháng để tôi hoàn toàn tha thứ và trong quá trình đó, Đức Chúa Trời đã tái lập sự hiểu biết của tôi về ân điển của Ngài.

Đức Thánh Linh giúp tôi nhận ra rằng lòng kiêu hãnh đã ngăn trở tôi mở lòng tha thứ. Tôi đã xấu hổ vì không nhận ra điều này sớm hơn. Ngài giúp tôi kinh nghiệm những cách mà Chúa bày tỏ ân điển cách rời rộng cho tôi mỗi ngày. Như khi tôi hứa nguyện làm điều gì đó và không làm, Đức Chúa Trời bày tỏ ân điển của Ngài bằng cách vẫn luôn yêu thương tôi.

Tôi có thể tha thứ cho những người lãnh đạo trong hội thánh dễ dàng hơn khi tôi hiểu rằng bày tỏ ân điển không có nghĩa họ sẽ không phải nhận lãnh bất cứ hậu quả nào cho những việc họ làm. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là tôi sẽ không lên án họ trong tâm trí mình nữa. Giống như, trong Đấng Christ, tôi không còn bị kết tội nữa (Rô-ma 8:1).

Điều này giúp tôi nhận biết Chúa rõ ràng hơn, vì hiểu rằng khi tôi bày tỏ ân điển, tôi càng giống Đấng Christ nhiều hơn.

Ân điển của Chúa, thể hiện lòng khoan dung tha thứ hoàn toàn không phải dựa trên giá trị hay việc làm của một người nhưng đơn giản là vì Đức Chúa Trời muốn bày tỏ lòng nhân từ đối với chúng ta. Lòng thương xót của Chúa – một hình thức khác của ân điển – bao phủ chúng ta khi chúng ta đáng bị đoán xét vì tội lỗi. Thay vì phán xét, Đức Chúa Trời tha thứ, an ủi và nhắc nhở chúng ta về tình yêu thương của Ngài.

Mặc dù hoàn cảnh xảy ra để khiến tôi nhận thức về ân điển và sự tha thứ của Chúa không hề dễ dàng, nhưng lúc này tôi có thể nói với các bạn rằng điều đó thật sự cần thiết.

Trong quá khứ, khi nghe lời chứng về ân điển của Chúa từ những người tôi cảm thấy không xứng đáng, tôi đã không nhận ra tất cả chúng ta đều có những thiếu sót.

Giờ đây, tôi cố gắng trở nên khoan dung hơn với người khác – dành cho họ thật nhiều cơ hội như Chúa hướng dẫn tôi. Bởi vì đó là cách để họ cũng có thể trưởng thành và trở nên giống Đấng Christ hơn.

Bây giờ, tôi có thể ngừng lại, suy ngẫm và tự hỏi: “Tôi muốn được đối xử như thế nào?” trước khi phản ứng hay chỉ trích những thiếu sót của người khác. Thậm chí ngay khi tôi cảm nhận và kinh nghiệm sự giận dữ, đau đớn hoặc tổn thương đang hiện hữu, tôi biết Cha của chúng ta có sức mạnh và ân điển dư dật để tôi nương tựa. Ngài cũng tôi luyện tôi để trở nên khôn ngoan hơn, hoàn thiện hơn, vị tha hơn và khoan dung hơn.

Lời cầu nguyện của tôi dành cho bạn hôm nay là Đức Thánh Linh sẽ dạy bạn về ân điển của Chúa để bạn không bị lầm lạc trong cạm bẫy của sự cay đắng nhưng luôn ghi nhớ chân lý về ân điển của Chúa để bạn có thể suy ngẫm về điều đó ngày và đêm. Tôi cầu nguyện xin Chúa giúp bạn học được cách tha thứ cho người khác, tha thứ cho bản thân khi vấp ngã và trở về trong vòng tay tha thứ nhân từ của Cha chúng ta. Ngài đang chờ đợi bạn!

Tác giả: C.H. Tan

Nguồn: https://ymi.today/2020/11/when-forgiveness-doesnt-seem-fair/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Biên dịch: Ái Nhi

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/