KHI TÔI KHÔNG ĐỒNG Ý VỚI KINH THÁNH

Chien Chong bắt đầu phục vụ trọn thời gian tại mục vụ Youth For Christ Singapore (SYFC) vào năm 1998 sau sáu năm giảng dạy tại một trường cao đẳng. Năm 2005, ông trở thành Giám đốc quốc gia của SYFC. Từ tháng 01 năm 2021, ông đảm nhận vai trò Giám đốc Giảng dạy và Nguồn lực. Hiện ông đang phục vụ trong vai trò diễn giả, phụ trách các lớp học Kinh Thánh và mục vụ thiếu nhi tại hội thánh, đồng thời tham gia giảng dạy và huấn luyện tại nhiều hội thánh và các nhóm thanh niên tại Singapore. Ông kết hôn được 19 năm và có hai cậu con trai đang ở độ tuổi thiếu niên.

Gần đây, một người bạn Cơ Đốc đã chia sẻ với tôi rằng cô ấy đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn trong cuộc đời. Tại sao Đức Chúa Trời, Đấng được Kinh Thánh mô tả là Chúa của tình yêu, lại cho phép mọi chuyện này xảy đến với cô ấy? cô ấy hỏi. Điều đáng thất vọng hơn là Chúa không hề đáp lời cầu nguyện nào của cô ấy. Đức Chúa Trời của Kinh Thánh có vẻ như không hề giống với những gì cô ấy mong đợi.

Một người bạn Cơ Đốc khác nói với tôi rằng anh ấy đang tìm hiểu một người; đó là mối quan hệ sai trật với những gì Kinh Thánh dạy. Hai người họ thực sự rất yêu nhau và mối quan hệ này rất có ý nghĩa với anh ấy. Đối với anh, Đức Chúa Trời thật là vô lý trong cách Ngài bày tỏ những mong đợi của Ngài trong Kinh Thánh, đặc biệt là về những người mà Cơ Đốc nhân có thể có mối quan hệ mật thiết.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều người khác mà tôi biết đang đấu tranh với những gì Kinh Thánh chỉ dạy. Đối với hai người bạn của tôi, nó đặc biệt khó khăn bởi vì những mâu thuẫn này không chỉ là về quan niệm mà còn liên quan tới những mong đợi, sở thích và lối sống của họ.

Chúng ta sẽ làm gì khi không đồng ý với Kinh Thánh? Để trả lời câu hỏi này cho chính bản thân mình, tôi đã học được là đầu tiên nên xem lại những giả định và niềm tin căn bản mà tôi có về chính mình và về Chúa.

Giả định #1: Ý tưởng và cảm xúc của tôi không thể sai được

Sự bất đồng (dưới bất kỳ hình thức nào) giữa các cá nhân xảy ra khi cả hai bên đều chắc chắn rằng họ đúng. Tôi cảm thấy khó chấp nhận những điều khác với những gì tôi đã học từ nhỏ là đúng. Điều này đặc biệt đúng khi tôi rất chắc chắn về quan điểm của mình và tin chắc cảm xúc của mình.

Theo cách tự nhiên, khi có mâu thuẫn giữa những gì Kinh Thánh nói và những gì tôi cảm thấy, những gì tôi nghĩ và những gì tôi muốn, phản ứng bản năng nhất của tôi là nói rằng Kinh Thánh không thể đúng được.

Nhưng nếu thành thật với bản thân, tôi sẽ phải thừa nhận rằng đã có rất nhiều lần trong đời mà tôi đã bị chứng minh là sai trong cách nhìn nhận sự việc, cách tôi cảm nhận và cách tôi phản ứng. Thực tế là tôi có thể sai – mặc dù tôi có thể không muốn thừa nhận điều đó.

Tôi nhớ khoảng thời gian khi đơn nộp vào trường y bị từ chối. Không giống như một số người bạn của tôi, họ mong muốn trở thành bác sĩ vì một số lý do cá nhân, tôi thực sự rất muốn “cứu” người. Thế nên tôi nghĩ Chúa đã sai. Kể từ đó là một hành trình khiêm tốn, nhưng khi tôi nhìn lại vào thời điểm hiện tại trong cuộc đời, tôi nhận ra rằng Chúa biết rõ hơn. Rất nhiều người công nhận vai trò giáo viên của tôi. Và khi tôi giảng dạy lời Chúa và rao giảng Phúc m, thực tế tôi đã “cứu” người cho cõi đời đời. Tôi cảm ơn Chúa vì tôi nhìn nhận sai về mình nhưng Chúa không sai về tôi.

Giả định #2: Tôi biết Kinh Thánh đủ

Đối với những Cơ Đốc nhân lâu năm, chắc hẳn chúng ta đã nghe rất nhiều bài giảng, đọc rất nhiều bài đọc và học rất nhiều về Kinh Thánh. Với tất cả những kiến thức này, chúng ta có thể hiểu về Chúa và cuộc sống ở một mức độ nào đó.

Và không thể tránh khỏi, khi Chúa và cuộc đời không như cách mà chúng ta hiểu, chúng ta lại tranh chiến. Nhưng nếu đọc Kinh Thánh một cách cẩn thận hơn theo đúng bối cảnh, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta đã đọc sai Kinh Thánh và hoàn toàn hiểu sai về Chúa.

Tôi từng nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ đáp mọi lời cầu nguyện của mình khi tôi nhân danh Chúa Jêsus mà cầu xin. Nhưng đó không phải là những gì Giăng 16:24 muốn nói. Bạn có thể tưởng tượng rằng trong nhiều hoàn cảnh, tôi đã cảm thấy thất vọng với Chúa vì Ngài không đáp lời cầu xin của tôi. Nhưng đó là bởi vì tôi đã hiểu Chúa sai hoàn toàn. Nhìn lại, tôi nhận ra rằng chính Chúa mới là Đấng thật sự thất vọng về tôi.

Giả định #3: Chúa phải hành động theo cách nào đó

Chúng ta kỳ vọng rằng những người bạn thân của chúng ta sẽ hiểu và chấp nhận chúng ta, và chúng ta có những mong đợi rất chắc chắn về cách mà họ nên làm và phản ứng. Và vì vậy, chúng ta trở nên thất vọng nếu họ không làm vậy. Do đó, nếu Chúa không hành động như cách mà chúng ta kỳ vọng, chúng ta cho rằng chắc hẳn Chúa đã sai điều gì rồi.

Nhưng chúng ta không thể nhìn Chúa như cách mà chúng ta nhìn nhận bạn mình, vì Chúa không phải là con người để phải chạy theo những ước muốn và mong đợi của chúng ta. Ngài là Đức Chúa Trời vĩ đại, cai trị với thẩm quyền tối thượng và sự khôn ngoan tuyệt đối. Trong Ê-sai 40:12-26, chúng ta đọc thấy dân Y-sơ-ra-ên đã phải tranh chiến với một số ẩn dụ khó tin về sự vĩ đại không gì sánh được của Đức Chúa Trời. Thực tế là, nếu chúng ta có thể sắp xếp và nói với Ngài những gì Ngài phải làm, vậy thì Ngài không thực sự là Đức Chúa Trời vì Ngài ở dưới sự điều khiển của chúng ta.
Do đó, với tôi, đây là ba cột trụ cơ bản mà tôi chọn để nương tựa:

Cột trụ #1: Đức Chúa Trời quyết định mọi thứ, không phải tôi

Vấn đề cơ bản nhất mà tôi muốn nói đến là liệu tôi có chấp nhận sự thật rằng bất chấp những gì tôi nghĩ và cảm giác của tôi, thì Đức Chúa Trời — Đấng hoàn hảo về quyền năng, tình yêu và sự hiểu biết mới là Đấng quyết định điều gì là đúng và sai, tốt và xấu, thật hay giả.

Tôi có thể kiêu ngạo hoặc bướng bỉnh vì nghĩ mình biết nhiều hơn dựa vào những gì tôi đã đọc, nhìn nhận và trải nghiệm. Hoặc thay vào đó, tôi có thể khiêm nhường và chấp nhận sự thật rằng Đức Chúa Trời vĩ đại hành động vượt trên những kế hoạch của tôi.

Khi Đức Chúa Trời thử thách Gióp, vợ và bạn bè của ông đã đưa ra những giải thích “hợp lý” về lý do Gióp phải chịu nhiều đau khổ. Nhưng Đức Chúa Trời không hành động hay không phải hành động theo kế hoạch của chúng ta. Ở phần kết đầy cao trào trong Gióp 38:1-40:2, Đức Chúa Trời nhắc nhở Gióp rằng Ngài là Đức Chúa Trời vĩ đại; Ngài biết cách điều hành vũ trụ mà Ngài đã tạo ra và sự khôn ngoan của Ngài lớn hơn trí tuệ loài người.

Tôi nhận thấy rằng trong nhiều trường hợp, nhận thức và phán đoán của tôi còn hạn chế và còn thiên kiến. Vẫn còn nhiều điều tôi không biết. Trên thực tế, tôi cần phải học và thậm chí phải học lại một số thứ. Bạn thử nghĩ xem? Các con tôi là giáo viên của tôi khi nói đến khía cạnh này. Những câu hỏi có vẻ ngây thơ của chúng như: “Làm thế nào mà điều này xảy ra?”, “Tại sao nó phải như vậy?” và “Tại sao bố nói thế này nhưng lại làm thế khác?” thường cho tôi thấy rằng tôi không biết nhiều và tôi không yêu thương, khôn ngoan, kiên nhẫn và công bằng như tôi nghĩ. Sẽ thật ngu ngốc khi nghĩ rằng tôi biết rõ hơn.

Cột trụ #2: Đức Chúa Trời là Chúa của Kinh Thánh

Có những lẽ thật và vấn đề mà tôi cần phải chấp nhận vì chúng đã được viết rất rõ trong Kinh Thánh. Thoạt nhìn, tôi có thể không hiểu hoặc không đồng ý với một số lẽ thật và lời dạy, nhưng điều đó không làm thay đổi sự thật rằng Đức Chúa Trời đã viết chúng trong Kinh Thánh.

Đáp ứng của tôi là không thêm, bớt hoặc che đậy những điều này; mà tôi cần dành thời gian và công sức để học và hiểu chúng. Đôi khi, tôi cần phải chấp nhận những lẽ thật này ngay cả khi không hoàn toàn đồng ý. Có thể chúng ta chưa hiểu đầy đủ về Ba Ngôi hoặc quan niệm tiền định. Có lẽ chúng ta không thể trả lời câu hỏi tại sao một Đức Chúa Trời tốt lành lại cho phép những đau khổ xảy ra. Có lẽ chúng ta không thể hiểu tại sao Đức Chúa Trời không đáp lời cầu nguyện của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể giữ những câu hỏi này và chờ xem Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta giải quyết chúng như thế nào trong suốt chặng đường của mình. Khi Ha-ba-cúc thấy đường lối của Đức Chúa Trời khó hiểu và đôi khi bí ẩn, thì câu trả lời của Ngài dành cho ông là: “Người công chính sẽ sống bởi đức tin” (Ha-ba-cúc 2: 4). Vì vậy, hãy chờ đợi sự giải cứu của Ngài.

Cột trụ #3: Đức Chúa Trời là Chúa của thế giới

Thay vì tập trung vào sự khác biệt giữa những gì Kinh Thánh nói và những gì chúng ta thấy, tại sao không lấy làm an ủi và được khích lệ bởi nhiều trường hợp về sự tương đồng giữa Kinh Thánh và thế giới? Chúng ta không nên ngạc nhiên, vì cùng một Đức Chúa Trời đã ban Lời Ngài cho chúng ta cũng chính là Đức Chúa Trời đã tạo ra thế giới.

Một cách rất tốt là không ngừng tìm kiếm và kinh ngạc trước những ví dụ về cách những phẩm tính và lẽ thật của Chúa được bày tỏ trong thế giới chúng ta đang sống và trong những kinh nghiệm chúng ta trải qua. Ví dụ, tình yêu, lòng thương xót và công lý (hoặc đối với vấn đề đó, thậm chí cả sự lựa chọn và kết quả) không chỉ là những khái niệm trừu tượng. Đây là những nguyên tắc quan trọng đang được thể hiện và tồn tại trong cuộc sống và xã hội của chúng ta. Trong nhiều cách, chúng chứng minh (mặc dù không hoàn hảo) cách Chúa tương tác với thế giới. Nhưng Đức Chúa Trời tất nhiên luôn khác biệt và vượt trên những cách áp dụng các nguyên tắc này của con người bởi vì không giống như con người, Ngài hoàn hảo theo mọi cách của Ngài.

Vậy tôi phải làm gì khi không đồng ý với Kinh thánh? Tôi nghĩ rằng tôi đã sẵn sàng để trả lời câu hỏi đó ngay bây giờ.

Khi tôi không đồng ý với Kinh Thánh…

1. Tôi sẽ xem lại những tiền giả định, ý tưởng, mong muốn và sở thích của mình và đối mặt với khả năng rằng những ý tưởng của tôi về thế giới, cuộc sống hoặc thậm chí về Chúa và cảm xúc của tôi có thể không chính xác.

2. Tôi sẽ xem lại những gì Kinh Thánh nói theo đúng bối cảnh, bởi vì có thể tôi đã hiểu sai ý nghĩa của lời Kinh Thánh dạy.

3. Trong những lĩnh vực mà tôi có thể giải quyết các xung đột và nhìn nhận những sai lầm của mình, tôi sẽ điều chỉnh lại bản thân và học cách dẹp bỏ sự kiêu ngạo và bướng bỉnh của mình.

4. Trong những lĩnh vực mà tôi vẫn chưa thể tìm ra lời giải đáp, tôi sẽ thiết lập lại niềm tin cơ bản của mình vào Đức Chúa Trời vĩ đại và diệu kỳ với mong đợi rằng Ngài sẽ làm cho mọi việc trở nên rõ ràng hơn trong thời gian tới.

Những ý tưởng này dường như khá rõ ràng, phải không? Nhưng khi chúng ta đối mặt với những vấn đề thật sự, chúng thật khó để áp dụng. Và điều đó có thể giải thích tại sao hai bạn của tôi phải vật lộn và đấu tranh. Tôi rất vui mừng khi biết được một trong hai người bạn của mình đang học cách để hiểu và chấp nhận rằng Đức Chúa Trời có kế hoạch tốt hơn và lớn hơn rất nhiều cho cô ấy; còn người bạn khác của tôi thì hiện tại đang phải cố gắng vượt qua những vấn đề rất khó khăn trong mối quan hệ không đẹp lòng Chúa. Lời cầu nguyện của tôi là anh sẽ thay đổi để quay về với Chúa kịp thời.

Tác giả: Lim Chien Chong

Chuyển ngữ: Nguyệt Ánh

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2017/03/when-i-dont-agree-with-the-bible/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/