KHI TÔI MỆT MỎI VÌ CHE GIẤU TỘI LỖI CỦA MÌNH

“Tội ấy chắc chắn sẽ đổ lại trên con.”

Khi còn nhỏ, những lời này đã khiến tôi sợ hãi. Bởi khi mẹ tôi nói điều này có nghĩa là mặc dù thiếu chứng cớ để phạt tôi do tôi không vâng lời, mẹ vẫn biết rằng tôi đã phạm lỗi và để Chúa cáo trách tôi.

Câu nói trên trích từ Dân Số Ký 32:23 được Môi-se viết ra như lời cảnh báo dân Y-sơ-ra-ên không được vi phạm mối quan hệ giao ước giữa họ với Đức Chúa Trời. Nhưng câu Kinh Thánh này cũng thể hiện ý tưởng chung rằng mặc dù chúng ta có thể giấu giếm các chứng cớ tội lỗi và không nhận tội, chúng ta vẫn không thể thoát khỏi những hậu quả chắc chắn xảy đến bởi tội lỗi của mình.

Khi đọc những câu chuyện trinh thám, tôi luôn mong chờ thời điểm các thám tử sẽ vạch trần tội phạm. Tuy nhiên, trong cuộc sống, tôi nghĩ nhiều hơn về tình cảnh người phạm tội cố che giấu tội lỗi, sống với nỗi sợ hãi, bất an về khoảnh khắc họ đối diện với sự thật và hậu quả của tội lỗi đó. Không có gì khiến tôi kinh hãi hơn ý nghĩ về việc mọi người thấy được tôi thực sự tồi tệ như thế nào.

Khi trưởng thành, tôi không còn lãng phí thời gian của mẹ bằng việc nói dối về những điều mà tôi rõ ràng đã làm, nhưng tôi đã phạm tội theo nhiều cách khác. Nhiều người trong hội thánh nghĩ rằng tôi là một cô gái dịu dàng, nhưng ở nhà, tôi thường nổi giận và xem thường người khác. Khi anh chị trong ban điều hành thanh niên khen ngợi tôi về kiến thức Kinh Thánh và tính cách tốt, tôi đã cố gắng thuyết phục họ rằng tôi không tốt như họ nghĩ, nhưng họ lại chỉ càng tán thưởng vì cho rằng đó là sự khiêm tốn của tôi; họ không bao giờ biết được tôi thực sự tệ đến mức nào. Không có cách nào để tôi bày tỏ với mọi người rằng tôi cũng có những khiếm khuyết lớn mà vẫn không gây sốc và không khiến mình bị xa lánh, nên trước mặt mọi người, tôi thường hành xử theo cách họ mong đợi mà không khỏi cảm thấy mình là người giả tạo.

Đối mặt với sự thật về chính mình

Tôi trải qua hàng giờ mặc cảm về tội lỗi và dằn vặt bởi sự tốt đẹp giả tạo của mình và điều này khiến tôi cảm thấy những tác phẩm trinh thám càng trở nên cuốn hút. Theo Hannah Anderson – người viết về cách các tiểu thuyết trinh thám đã giúp cô khám phá ra tầm quan trọng của sự thật, trong một chương của quyển All That’s Good: Recovering the Lost Art of Discernment (tạm dịch: Tất cả đều tốt: Phục Hồi Nghệ Thuật Phân Định Đúng Sai Đã Mất), đã viết rằng: độc giả hướng về thể loại này để tìm kiếm “điều gì đó khó đạt được hơn trong cuộc sống thực tế: sự chính xác, tính trung thực và sự quả quyết”. Đây thật sự là những thứ mà tôi đang tìm kiếm – nhưng đồng thời cũng là nỗi sợ hãi lớn nhất.

Ở những năm cuối của tuổi thiếu niên, tôi ngấu nghiến từng câu chuyện trinh thám của Agatha Christie, chìm đắm trong cuộc phiêu lưu của các thám tử lừng danh như Hercule Poirot và Miss Marple, cũng như của những thám tử ít được biết đến khác. Những câu chuyện trinh thám của Agatha Christie được xuất bản từ năm 1920 đến năm 1973, nổi tiếng với sự xoay chuyển tình huống tài tình và nền tảng đạo đức; trong đó, các thám tử của tác giả yêu công lý và tìm kiếm sự thật bằng bất cứ giá nào.

Như Hannah Anderson viết: “Theo đuổi sự thật đòi hỏi nhiều hơn việc biết sự thật dẫn đến đâu. Điều này đòi hỏi sự trung thực để theo đuổi đến cùng, dù điều đó có liên quan đến ai đi chăng nữa”. Khi tôi đọc và khám phá ra kẻ sát nhân là một người đáng mến hoặc cực kỳ thu hút ở cuối sách, tôi gần như than thở trong lòng, vì tôi không muốn đó lại là họ!

Đối mặt với thực tế hư cấu này, tôi nhận ra rằng những câu chuyện trinh thám, theo cách nào đó có thể minh họa đầy sống động cho sự thật về tình trạng suy đồi của con người. Chúng ta có xu hướng gán ghép những điều tệ hại cho những người có vẻ không dễ mến, trong khi xem nhẹ tội lỗi của những người có vẻ ngoài đầy cảm thông và thấu hiểu. Nhưng tất cả chúng ta đều là tội nhân và tội lỗi bên trong thường không thể nhìn thấy thấu đáo qua diện mạo hay việc làm bên ngoài được. Tôi cảm thấy đau đớn khi nghĩ về những nhân vật mà tôi quan tâm sẽ phải đối mặt với án tù hoặc tử hình vì những gì họ đã làm, nhưng đó chính xác là hình phạt mà họ phải chịu, và nếu các thám tử không phát hiện ra tội lỗi đó, những người vô tội sẽ vẫn còn bị nghi ngờ.

Sự thật phải được bày tỏ, ngay cả khi điều đó thật khó chịu, và việc nhìn thấy thực tế này trong tác phẩm hư cấu đã khuyến khích tôi can đảm hơn khi đối mặt với sự thật về bản thân mình. Vào cùng thời điểm tôi đang đọc một vụ giết người bí ẩn, tôi nhận thức được những dấu hiệu nguy hiểm trong cuộc sống của mình, nhận ra rằng những vấn đề tội lỗi mà tôi đã làm ngơ vì bối rối và bất lực đã ăn sâu vào thói quen và suy nghĩ hằng ngày của tôi.

Tôi có thể kể những câu chuyện về bản thân để giảm bớt căng thẳng giữa các nan đề và lý tưởng của mình. Nhưng thay vì tìm bằng chứng để xác thực câu chuyện cá nhân, tôi giữ bản thân mình ở một tiêu chuẩn cao hơn về “sự thật” rằng: những tiểu thuyết trinh thám tuyệt vời nhất luôn khuyến khích và sẵn sàng đối mặt với “sự thật” theo cách chính xác và công bằng nhất.

Lẽ thật giải phóng chúng ta

Tôi phát hiện ra rằng tôi thậm chí tồi tệ hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ ban đầu, và mặc cảm tội lỗi của tôi ngày càng gia tăng. Trong suốt thời gian đó, tôi trở nên mất hứng thú trong việc cố gắng giải thích tội lỗi của mình theo cách dễ cảm thông, bởi vì điều tôi cần là sự tha thứ, không phải là một lời giải thích hay hơn. Cảm giác tuyệt vọng này đã kéo tôi trở lại một câu Kinh Thánh mà tôi thuộc lòng khi còn nhỏ: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính” (I Giăng 1: 9).

Tôi bám chặt vào lời hứa này, biết rằng mặc dù tôi phải xem lại đời sống mình và đối diện với tội lỗi của mình, nhưng Chúa sẽ không bỏ rơi tôi trong hố sâu của tội lỗi. Ngài hứa sẽ gột rửa và thanh tẩy tôi, và tất cả những gì tôi phải làm là thú nhận và tìm đến Ngài trong đức tin.

Tôi phải nhấn mạnh rằng “sự thật” quan trọng hơn “hình ảnh cá nhân”. Khi tôi đối diện với sự thật, đối mặt với thực tế và tiến về phía trước trong sự ăn năn, tôi đã kinh nghiệm trọn vẹn hơn ý nghĩa của việc được yêu thương bởi Đức Chúa Trời, Đấng biết tường tận về tôi – cả điều tốt lẫn xấu – mà vẫn cứ yêu tôi (Thi Thiên 139:1-5). Những hậu quả mà tôi lo sợ trở nên mờ nhạt so với ân điển dư dật của Đức Chúa Trời và tôi biết rằng lòng thương xót của Ngài luôn dành cho tôi, ngay cả trong những thời khắc tồi tệ nhất cuộc đời.

Như tác giả Thi thiên viết: “Phước cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khỏa lấp tội lỗi mình! Phước cho người nào Đức Giê-hô-va không kể là gian ác và trong lòng không có điều dối trá!”(Thi Thiên 32:1-2). Cuối cùng, tôi cũng được giải phóng để đối mặt với lẽ thật và tôi biết cảm giác khi được tẩy sạch tội lỗi.

Khi tôi kể cho mọi người nghe về sự tranh chiến mà tôi đã trải qua, họ đã đáp lại tôi một cách đầy cảm thông và thấu hiểu, nhưng sự giải phóng lớn nhất của tôi đến từ ân điển thiên thượng mà tôi đã kêu cầu trong đức tin. Vì sự hy sinh của Đấng Christ trên thập tự giá, tôi được tẩy sạch tội lỗi và mặc lấy sự công bình của Ngài (Ê-sai 61:10). Lẽ thật đó giải thoát tôi khỏi sự trói buộc của tội lỗi và khỏi nỗi sợ hãi trước đây vốn đã kìm hãm tôi bấy lâu.

Tại thập tự giá, toàn bộ con người tôi, và tất cả những gì tôi đã làm, được phơi bày hoàn toàn. Mặc dù suy nghĩ này thật đáng sợ, nhưng đã mãi mãi giải phóng tôi khỏi những nỗ lực vô vọng nhằm bảo vệ hình tượng tốt đẹp của chính mình. Tội lỗi của tôi sẽ đổ lại trên tôi, nhưng lòng thương xót của Đấng Christ sẽ phục hồi tôi, bởi vì Đấng luôn nhìn thấy toàn bộ sự thật đã chọn yêu thương tôi, bất kể tôi là người như thế nào.

Tác giả: Abigail Ellington, USA

Nguồn: https://ymi.today/2019/08/when-i-got-tired-of-hiding-my-sins/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Biên dịch: Nhựt Hồng

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/