KHỦNG HOẢNG BẢN SẮC CÁ NHÂN: TẤT CẢ NHỮNG GÌ TÔI MUỐN LÀ ĐƯỢC CHẤP NHẬN

Tôi đã dành phần lớn thời niên thiếu của mình để tìm câu trả lời cho câu hỏi, tôi là ai, như thể đó là điều tôi cần phải tìm cho ra.

Tôi nghĩ có thể là do phần lớn tuổi thơ và những năm đầu của lứa tuổi thiếu niên ở Malaysia tôi phải liên tục đổi chỗ ở hết bang này đến bang kia trước khi ổn định cuộc sống tại Auckland, New Zealand. Công việc trước đây của bố tôi buộc ông phải luân chuyển bất cứ khi nào ông có việc mới và chúng tôi phải đi theo ông.

Tính đến năm 15 tuổi, tôi đã học qua ba trường mẫu giáo, ba trường tiểu học, và hai trường cấp hai. Công bằng mà nói, tôi có một số người bạn thậm chí còn chuyển trường nhiều hơn tôi nữa, nên thật ra tôi cũng không nề hà gì chuyện này. Nhưng điều đó lại khiến tôi luôn tìm cách thay đổi bản thân để có thể hòa nhập với môi trường mới. Vì không muốn mình bị lạc lõng, nên tôi luôn cố gắng để thích ứng được với hoàn cảnh lúc đó.

Chẳng hạn như, khi một người bạn cho tôi hay có người dán nhãn tôi là người lạc hậu vì cái gu âm nhạc của tôi, thế là tôi quyết chí phải biết hết từng nhóm nhạc mới. Tôi sẽ cố nài nỉ bố mua cho những album và tạp chí ca nhạc mới nhất cũng như sưu tầm các áp phích quảng cáo của từng ban nhạc.

Ngoài ra, tôi cũng cố gắng theo kịp các hoạt động ngoại khóa của trường. Khi còn là học sinh tiểu học ở Malaysia, tôi đăng ký học Takewondo vì đây là câu lạc bộ có thể nói là ngầu nhất và sẽ giúp tôi với tới được chiếc đai nâu. Nhưng khi bước sang những năm đầu của cấp hai, Takewondo không còn hấp dẫn nữa và thay vào đó là Hướng đạo sinh.

Khi mới tham gia môn Hướng đạo sinh, những tháng đầu tương đối ổn, mặc dầu chúng tôi phải đương đầu với cái nóng ở Malaysia và đám muỗi bu quanh khi cắm trại vào những đêm ẩm ướt. Với tôi, đây là lúc tôi có cơ hội để làm điều gì đó hay ho với hi vọng mình sẽ “được lòng” đám đông. Ý tôi là, tất cả những buổi cắm trại, những cuộc lội bộ đường dài, những chuyến leo núi chắc chắn sẽ giúp tình đồng đội trở nên thân thiết.

Nhưng rồi trong một lần cắm trại, có một sự cố đã xảy ra khiến tôi nhận thấy mình không thuộc về đám đông đó nữa. Lúc đó tôi đang xếp những cái hộp thiếc đựng thức ăn mà chúng tôi vừa rửa và để ráo nước, lên trên một cái giá tạm – dựng từ các thanh tre được cột chặt bằng các nút thắt mà Hướng đạo sinh nào cũng phải học và làm được – thì nó bất chợt đổ nhào. Lập tức, mọi người nhao lên càu nhàu nói tôi sao có thể bất cẩn như vậy. Và rồi mọi cùi chỏ và cánh tay nháo nhào rửa lại chén dĩa và dựng lại giá úp.

Vào buổi tối, sau bữa ăn nhẹ có một bạn nữ kia lại phải dựng lại cái giá úp. Cô ấy khá xinh xắn, lớn tuổi hơn đa phần chúng tôi, và chơi cùng với một nhóm. Lúc đó thay vì mọi người giận dữ la mắng cô ấy tại sao lại bất cẩn như thế, thì lại chỉ cười. Thay vào đó, mọi người chỉ đùa cách nhẹ nhàng kiểu, ‘Ồ, bạn bất cẩn quá nha!”. Và tôi về nhà trong tâm trạng buồn bã, đau đớn, không còn nhập môn Hướng đạo sinh cũng như quay lưng với tất cả những hoạt động ngoài trời sau đó.

Những năm đầu của thời kỳ trung học ở Malaysia thật sự khó khăn – bảng điểm của tôi thấp hơn mong đợi, và điều gì đến cũng phải đến, tôi rớt hầu như tất cả các môn học. Nhưng xã hội luôn xem những học sinh học khá các môn Tự Nhiên là thành phần ưu tú, vì thế tôi đã phải cố học những môn tôi bị yếu vì tôi không muốn bị xem là kẻ thua cuộc.

Khi bố mẹ thông báo chúng tôi sẽ chuyển nhà đến New Zealand, tôi thở phào nhẹ nhõm. Đừng hiểu lầm ý tôi: Thật sự tôi khá lưỡng lự vì phải xa bạn bè. Nhưng tôi nhận thấy rằng đi học ở một môi trường khác sẽ giúp tôi có một khởi đầu mới – và không ai biết tôi là ai.

Đối với các bạn cùng lớp ở xứ sở Kiwi này, tôi chỉ là một trong số nhiều học sinh Châu Á đang theo học trung học ở đây. Cứ cho là ở đây ai cũng nghĩ rằng học sinh Châu Á thường hay giỏi về toán và khoa học, nhưng tôi cũng có cơ hội được học những môn mình thích. Tôi cũng cảm thấy rằng dường như mọi người không quan tâm tôi mặc quần áo hiệu gì, vì hầu hết các học sinh quốc tế đều mặc đồ mang từ đất nước của mình qua.

Hơn nữa, các thầy cô tại đây đều luôn cố gắng giúp tôi phát huy những thế mạnh của mình – chẳng hạn như môn Tiếng Anh và môn Viết – vì vậy tôi không bị áp lực phải học giỏi những môn nào đó. Và thế là, tôi rất thích đi học và thích thú với những môn học tôi thích tại trường.

Nhưng nếu bạn cho rằng điều đó đã giải quyết được câu hỏi tôi là ai, thì bạn đã lầm. Tôi vốn không thích thực tế là tôi rất kém môn toán và cái môn tính toán đó thật sự không phải là món tôi ưa thích. Và tôi luôn tự hỏi tại sao Chúa lại cho tôi khiếu môn Tiếng Anh mà không phải là môn Tự Nhiên. Và nhất là, bạn bè của cha mẹ tôi đều rất thắc mắc tại sao tôi lại chọn chuyên ngành Tiếng Anh khi vào đại học. “Nhưng tại sao?” là câu hỏi mọi người luôn hỏi tôi. “Cháu có thể nói được tiếng Anh mà?”

Chính vì thế, ngay cả khi sắp tốt nghiệp đại học, tôi vẫn còn đang bơi trong bể thắc mắc chính mình là ai.

Và cho đến khi tham dự một buổi hội thảo ở Hội Thánh nơi tôi đang sinh hoạt, tôi mới nhận ra rằng mình thực sự là ai – và chắc chắn một điều là không phải giống như những người khác.

Hôm đó, chúng tôi được đưa một bản liệt kê những lời khẳng định chúng tôi là ai trong Đấng Christ, và được trưng dẫn Kinh Thánh. Danh sách đó có những lời xác nhận như “Tôi là con Chúa” (Giăng 1:12), “Tôi là bạn của Chúa Jêsus” (Giăng 15:15), và một điều đã đụng chạm mạnh nơi tôi “Tôi đã được Đấng Christ chấp nhận” (Rô-ma 15:7). Bạn thấy không, bao năm qua tôi đã cố gắng được người khác chấp nhận, nhưng ở đây lại có một câu Kinh Thánh bảo rằng tôi được Chúa Jêsus chấp nhận – kể cả khi tôi là một người không tốt ưa nghe những thể loại nhạc bậy bạ, cái thời trước khi tôi học Takewondo và Hướng đạo sinh. Câu Kinh Thánh đó cho tôi biết rằng Đức Chúa Trời đã thấy tôi là một người ra sao (và những gì tôi đã phạm) nhưng Ngài vẫn nói: Ta chấp nhận chính con người con.

Tôi cũng nhận biết rằng thể nào mình là tạo vật của Đức Chúa Trời, được Đấng Christ dựng nên để làm những việc tốt lành (Ê-phê-sô 2:10), và rằng tôi được Ngài rất yêu quý (Rô-ma 1:7; Ê-phê-sô 2:4, Cô-lô-se 3:12, I Tê-sa-lô-ni-ca 1:4).

Để tìm hiểu thêm, tôi đã đọc quyển Sống Theo Đúng Mục Đích của mục sư Rick Warren, trong đó có đoạn: “Đức Chúa Trời không bao giờ làm điều gì ngẫu nhiên, và Ngài không bao giờ phạm sai lầm. Khi Ngài thực thi điều gì, Ngài luôn có lý do. Mọi cây cỏ, mọi loài vật đều nằm trong ý định của Ngài, và mỗi con người chúng ta đều được tạo dựng với một mục đích.”

Bạn thấy đó, không những tôi phải vật lộn với cơn khủng hoảng về bản sắc cá nhân của chính mình, mà có những lúc tôi còn tự hỏi phải chăng Đức Chúa Trời đã sai lầm khi dựng nên tôi. Rốt cuộc, tôi cũng không thể nào tạo ra sức ảnh hưởng được người khác và một vài bạn cùng lớp còn đối xử với tôi như thể tôi là loại côn trùng. Tuy nhiên, khi tôi không còn cảm thấy bất an nữa, tôi bắt đầu nhận ra mình thật ngu ngốc khi cứ đi tìm sự khẳng định bản thân nơi đám bạn cùng trang lứa. Tôi nhận ra rằng Chúa không quan tâm đến việc tôi theo ban nhạc nào, tôi mặc quần áo gì, hay thích ra ngoài chơi cái gì. Khám phá ra (và bằng lòng) với bản thân của mình còn giúp tôi nhận thấy mục đích cuộc sống, và tôi tin đây là yếu tố quan trọng giúp mình thoát khỏi sự bất an, so sánh và ganh tỵ.

Khi tôi nhận ra rằng một trong những mục đích cuộc đời mình là viết cho Chúa, tôi bắt đầu nhận thấy đây là một điều thiêng liêng vì là ân tứ Chúa ban cho tôi, thay vì là thứ bỏ đi. Đừng hiểu nhầm ý tôi, tôi luôn thích viết, nhưng khi tôi trưởng thành, những người lớn chung quanh tôi luôn cho rằng đó không phải là một kỹ năng đáng giá. Điều đó có ích gì khi toán và môn khoa học của tôi bị kém? Cháu có từng nghe thấy có nhân viên kế toán nào nghèo không? Tất nhiên là những lời nhận xét như vậy làm tôi cảm thấy mình không bằng người khác. Thế nhưng khi tôi học cách chấp nhận mình là ai, tôi đã ngừng ngay việc cố gắng trở thành ai đó, và thay vào đó bắt đầu phát triển những kỹ năng và ân tứ Chúa ban cho tôi.

Sự nhận biết chính bản thân mình trong Đấng Christ đã giải phóng tôi để tôi có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi những sở thích của bản thân như viết lách và bơi lội. Và tôi cũng dũng đảm để đương đầu với những thử thách mới. Chẳng hạn như, không đời nào tôi nghĩ mình dám học để trở thành nhân viên cứu hộ trên biển, nhưng năm nay tôi sẽ dành phần lớn thời gian để tập luyện trong hồ bơi và ngoài biển để đạt được mục tiêu.

Có thể bạn cũng đang phải chiến đấu với câu hỏi mình là ai, và có những lúc, dường như bạn đang bị nhấn chìm trong đại dương bao la với vô vàn ý kiến bảo bạn phải thế này thế kia. Nhưng tôi khích lệ bạn: Hãy dành thời gian đọc những gì Chúa nói về bạn, bạn sẽ tìm ra chính mình trong Ngài. Bởi chính trong Đức Chúa Trời, nhân cách chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ và vững vàng đến nỗi không một nền văn hóa hay thời đại nào có thể làm lung lạc chúng ta.

Chuyển ngữ: Vĩnh An

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2017/05/my-identity-crisis-all-i-wanted-was-to-fit-in/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/