LÀM SAO ĐỂ NGHỈ NGƠI MÀ KHÔNG CẢM THẤY TỘI LỖI?

Tôi được bạn bè biết đến là một người làm việc hiệu quả. Tôi lớn lên trong một gia đình mà chúng tôi được nhắc nhở rằng không được “ngồi không” mà phải luôn làm việc và giúp đỡ người khác. Điều này khiến tôi cảm thấy không thoải mái lắm mỗi khi nghỉ ngơi, vì nó có vẻ giống như “chẳng làm gì cả”, một điều thật không hợp lý vì thực tế là luôn có việc gì đó cần làm.

Ngoài văn hóa gia đình coi trọng sự làm việc không ngừng nghỉ, một lý do khác khiến chúng ta khó nghỉ ngơi là mạng xã hội. Chúng ta thấy bạn bè mình đăng tải về những sở thích thú vị và những cột mốc đáng nhớ của họ (thăng chức, kết hôn, có con) và chúng ta bắt đầu tự hỏi bản thân đang làm gì với cuộc sống của chính mình. Trước khi kịp nhận ra điều đó, chúng ta đã mắc vào cái bẫy so sánh.

Rồi vấn đề cũng nằm ở việc kiểm soát. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy không thể nghỉ ngơi vì chính chúng ta cũng gặp khó khăn để từ bỏ sự kiểm soát. Có lẽ chúng ta cảm thấy mình có nhiều kinh nghiệm hơn và có thể làm tốt hơn. Thay vì giao trách nhiệm cho người khác, chúng ta đảm nhận nhiều hơn những gì chúng ta có thể thực hiện.

Và rồi cảm giác tội lỗi dâng trào mỗi khi bạn cảm thấy mình chưa làm việc hiệu quả đủ (“Đáng lẽ mình đã có thể làm được nhiều hơn thế”, “Mình lại bị phân tâm”) và lo lắng về ngày mai (“Mình nên hoàn thành mọi việc ngay bây giờ nếu không mọi thứ sẽ dần chồng chất”)—làm sao bạn có thể nghỉ ngơi mà không lo lắng?

Khi suy ngẫm về ý tưởng nghỉ ngơi của Đức Chúa Trời, tôi nghĩ về Chúa Jêsus và cách Ngài sống trên đất. Cứu Chúa của chúng ta biết những giới hạn của cơ thể con người. Ngài tập trung vào sứ mệnh của Ngài, và Ngài biết Ai là Đấng thực sự nắm quyền kiểm soát. Đó là lý do tại sao Ngài biết cách nghỉ ngơi.

Và đây là 3 cách mà tôi khám phá được để học cách nghỉ ngơi:

1. Tập trung vào sứ mệnh cuộc đời và những ân tứ của bạn để không ôm đồm mọi thứ

Khi Chúa Jêsus ở trên đất, Ngài không thấy bắt buộc phải chữa lành mọi người bệnh và rao giảng Phúc m cho tất cả mọi người. Thay vào đó, Ngài tập trung vào việc trang bị cho các môn đồ của Ngài và thực hiện vừa đủ các dấu kỳ và phép lạ để chứng thực cho lẽ thật của Phúc m. Ngài biết đâu là ranh giới và tin cậy Đức Chúa Trời sẽ thực hiện sứ mệnh của Ngài qua các môn đồ, khi họ được Đức Thánh Linh ban quyền năng (Công Vụ 1:8).

Học hỏi từ tấm gương của Chúa Jêsus để tìm ra sứ mệnh Chúa giao cho chính mình đã giải phóng tôi khỏi cám dỗ cố gắng làm mọi thứ.

Gần đây, tôi đã khám phá ra những ân tứ thuộc linh của mình và sứ mệnh của cuộc đời mình thông qua một khóa học mà tôi đã tham gia (“Người Phụ Nữ Quan Trọng” của mục vụ Cru). Những ân tứ khích lệ, dìu dắt, dạy dỗ và viết lách giúp tôi nhận ra sứ mệnh cuộc đời mình—để dìu dắt những người trẻ tuổi và giúp họ tìm thấy mục đích sống của mình trong Đấng Christ.

Khi hiểu rõ điều này, tôi bắt đầu tập trung vào tất cả các công việc liên quan đến viết lách và dìu dắt, đồng thời học cách từ chối những thứ khác. Hiểu cách Chúa đã tạo dựng tôi để phục vụ Ngài đã cho tôi sự tự tin để nói không mà không cảm thấy tội lỗi. Nhờ đó, tôi có thời gian để làm công việc Nước Trời một cách ý nghĩa và cũng có thời gian để nghỉ ngơi.

Nếu bạn vẫn chưa khám phá ra ân tứ thuộc linh và sứ mệnh cuộc đời mình, tôi thực sự khuyến khích bạn thực hiện điều đó với một người cố vấn hoặc gắn kết với một nhóm nhỏ để có trách nhiệm giải trình và nhận được sự khích lệ.

2. Tìm các hoạt động giúp bạn được phục hồi cả về thể xác lẫn tâm linh

Chúa Jêsus biết cách tốt nhất để thực sự nghỉ ngơi và không bị kiệt sức là thường xuyên kết nối và đầu phục Đức Chúa Trời (Lu-ca 5:16). Ngài chủ động tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện và dành thời gian với Cha Thiên Thượng, và Ngài khích lệ các môn đồ cũng làm như vậy (Mác 6:31)

Tôi được phục hồi sức lực bất cứ khi nào tôi suy ngẫm về sự tốt lành của Chúa trong đời sống mình và nhìn xem công trình sáng tạo của Ngài. Tôi thích gặp gỡ những người bạn thân để cùng ăn uống và trò chuyện, cầu nguyện với nhau, tôi thích đi dạo giữa thiên nhiên, học một bài hát thờ phượng mới hoặc sáng tác thơ về sự sáng tạo của Chúa. Là một người lập kế hoạch, tôi hào hứng lên lịch trước cho những hoạt động này; vì nếu không, chúng sẽ không xảy ra!

Nghỉ ngơi không chỉ đơn thuần là không làm gì cả. Nó là sự chủ động ưu tiên cho những gì sẽ giúp tâm linh và thân thể của chúng ta được phục hồi và tươi mới.

3. Thay vì tự trách mình, hãy tin cậy nơi công tác mà Ngài đã hoàn thành trên thập tự giá

Trong những năm tháng trưởng thành, tôi mang trong mình tinh thần phê phán. Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào bản thân, một phần là do quan điểm đã ăn sâu vào tôi rằng luôn “có thứ cần cải thiện” và tôi có thể làm tốt hơn nữa. Và (điều này huấn luyện viên bóng rổ của tôi luôn nói), nếu hôm nay tôi không làm việc chăm chỉ, thì người khác sẽ làm.

Tôi cũng vô tình áp dụng những suy nghĩ này vào đức tin của mình, luôn thấy mình (và những người khác) không xứng đáng trước mắt Chúa, khiến Chúa trở nên Đấng mà chúng ta không thể làm hài lòng.

Sau khi tham dự một hội nghị mang tên “Tấm Lòng Người Cha”, tôi mới thay đổi quan điểm của mình và hiểu thế nào làm con yêu dấu của Ngài (Giăng 1:12; I Giăng 3:1)—rằng Ngài vui lòng về tôi (Sô-phô-ni 3:17) và có điều tốt nhất dành sẵn cho tôi (I Cô-rinh-tô 2:9), tất cả đều được thiết lập bởi công việc của Đấng Christ trên thập tự giá.

Chúng ta thường có xu hướng so sánh bản thân với người khác (hoặc thậm chí so với các tiêu chuẩn “cao hơn” của chính mình), và cảm thấy tội lỗi vào những ngày bản thân không đủ tốt khi làm việc hoặc thậm chí là khi phục vụ trong nhà thờ.

Để đề phòng cái bẫy so sánh không hồi kết đó, chúng ta phải nhớ rằng công việc quan trọng nhất trong lịch sử đã hoàn thành (Giăng 19:30, Hê-bơ-rơ 9:12). Chúng ta không cần phải chứng minh giá trị của mình qua công việc khi Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta xứng đáng (Rô-ma 8:28-39). Chúng ta có thể yên tâm nghỉ ngơi trong công việc đã hoàn thành của Ngài và phục vụ trong sự dư dật ấy.

Điều này cũng có nghĩa là cầu xin sự khôn ngoan để biết khi nào nên tiếp tục và hoàn thành công việc trong ngày, và khi nào nên vạch ra giới hạn và giao phó cho Ngài danh sách những việc còn dang dở của chúng ta. Trong cả hai tình huống, khi chúng ta nhận ra rằng Chúa Jêsus là Chủ của mình (Cô-lô-se 3:23), đó là lúc danh sách việc cần làm và ý kiến của người khác không còn ảnh hưởng đến chúng ta nữa.

Anh chị em thân mến, nếu bạn đang gặp khó khăn để được nghỉ ngơi mà không cảm thấy tội lỗi, thì tôi để lại cho bạn lời hứa này trong Ê-sai 26:3—“Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình an trọn vẹn, vì người tin cậy Ngài.” Hôm nay hãy hướng tâm trí lên Chúa và hoàn toàn tin cậy Ngài, để bạn có thể thực sự kinh nghiệm sự nghỉ ngơi và bình an, khi biết rằng Ngài quan tâm chăm sóc bạn.

Tác giả: Sarah Tso

Chuyển ngữ: Ngọc Duyên

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2022/04/how-to-rest-without-feeling-guilty/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/