LÀM SAO TÔI BIẾT MÌNH ĐANG ĐỌC KINH THÁNH ĐÚNG CÁCH?

Nhiều năm trước, khi tôi nộp hồ sơ vào các trường đại học, tôi nhớ mình đã mong ngóng đến ngày được nhận thư mời nhập học. Một ngày nọ, tôi sắp xếp lại mớ thư lặt vặt và tìm thấy một phong bì có logo của trường đại học ở góc trên. Tôi xé phong bì và đọc nó cẩn thận. Không giống các bức thư khác, nó không quảng cáo bán hàng cho tôi những thứ tôi không muốn mua. Không, bức thư này rất quan trọng – nó sẽ quyết định tương lai tôi.

Đó chẳng phải là cách mọi thứ diễn ra sao? Chúng ta bị ngăn trở bởi đủ thứ thông điệp từ các phương tiện truyền thông, nhưng chỉ có một số ít thông điệp là thật sự quan trọng.

Kinh Thánh là thông điệp quan trọng nhất mà chúng ta từng có. Điều gì làm cho Kinh Thánh quan trọng đến vậy? Kinh Thánh giống như bức thư tình từ phương xa, Chúa gửi gắm tình yêu thương, tấm lòng và ước muốn Ngài dành cho chúng ta vào đó. Đọc Kinh Thánh đưa chúng ta đến gần Ngài hơn và biết cách yêu Ngài cho đến ngày chúng ta được về ở với Ngài. Vậy, với lòng trông đợi lớn lao đó, Cơ Đốc nhân đừng chỉ đọc lướt qua, mà hãy nhiệt thành nghiên cứu để hiểu được những gì Đức Chúa Trời muốn phán với chúng ta qua Kinh Thánh.

Dù vậy, bạn vẫn có thể thấy đọc Kinh Thánh thật khó. Làm sao tôi biết mình đang đọc đúng cách? Sẽ ra sao nếu tôi bóp méo Lời Chúa để giải thích cho một điều gì đó mà Chúa không phán? Cũng không có gì ngạc nhiên khi ngày nay nhiều Cơ Đốc nhân không thường xuyên đọc Kinh Thánh, vì họ không có công cụ phù hợp để hiểu Kinh Thánh. Nhưng đọc Kinh Thánh không đáng sợ đến thế.

Sau đây là một vài công cụ đơn giản giúp chúng ta hiểu được Lời Chúa cách đúng đắn.

Hai nguyên tắc cần nhớ khi đọc Kinh Thánh

Nguyên tắc thứ nhất: Ý nghĩa ban đầu mà trước giả muốn nói là gì?

Đã bao giờ bạn nói một điều gì đó và bị hiểu sai chưa? Như khi bạn nói với một cô gái: “Hôm nay cậu xinh quá”. Nhưng cô ấy trả lời: “Chỉ hôm nay ư? Vậy mọi hôm tớ không xinh à?”

Mọi lời nói thường cần sự giải thích ý nghĩa. Người nghe cần phải hiểu người nói có ý muốn nói gì. Điều này được áp dụng cho mọi loại hình giao tiếp. Đừng chỉ đọc—nhưng hãy nghĩ về những gì trước giả đang cố gắng truyền tải và lý do tại sao!

Nguyên tắc thứ hai: Bối cảnh rất quan trọng

Nếu không xem xét bối cảnh của một câu Kinh Thánh, chúng ta dễ bị hiểu sai. Khi chúng ta đọc một phân đoạn Kinh Thánh, bước đầu tiên là phải xem phân đoạn trước nó và phân đoạn sau nó. Làm như vậy chúng ta hiểu Lời Chúa cách đúng đắn hơn.

Hãy cẩn trọng để không lấy các câu Kinh Thánh ra khỏi bối cảnh lịch sử của chúng. Suy cho cùng, Kinh Thánh không được viết trực tiếp cho chúng ta—nó được bảo tồn cho chúng ta. Mỗi sách trong Kinh Thánh đều có một độc giả nhất định, là những người có thật đã sống rất lâu trước khi ông bà cố của chúng ta ra đời. Để hiểu được Kinh Thánh đang muốn nói gì và áp dụng chân lý của Đức Chúa Trời cách đúng đắn vào xã hội hiện đại của chúng ta ngày nay, trước tiên chúng ta phải hiểu được tác giả đã muốn truyền tải điều gì với độc giả đầu tiên.

Hôm nọ, tôi đang ngồi cạnh vợ thì cô ấy có điện thoại. Tôi không biết ai gọi đến, tôi cũng tò mò. Thế nên tôi đã nghe ngóng thử. Từ cách nói chuyện của vợ tôi thì chắc chắn đó là mẹ cô ấy, và cô ấy bắt đầu nói về những thứ liên quan đến em bé. Tôi chỉ nghe được phân nửa cuộc trò chuyện, nhưng đã có thể kết nối được câu chuyện. Điều duy nhất tôi không biết đó là mẹ cô ấy nói gì. Dầu vậy, tôi vẫn có thể đoán ra được một phần dựa trên câu trả lời của vợ tôi.

Đó là những gì chúng ta cần làm với Kinh Thánh. Chúng ta cần chủ động tìm cách lấp đầy những chỗ mình chưa biết. Có một số công cụ tuyệt vời có thể giúp chúng ta như: Kinh Thánh dành cho nghiên cứu, sách giải nghĩa Kinh Thánh, từ điển Kinh Thánh. Những công cụ này sẽ giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh tốt hơn.

Áp dụng hai nguyên tắc này cho Phi-líp 4:13

Hãy cùng xem ví dụ sau:

“Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13).

Câu Kinh Thánh này tạo nên động lực lớn lao! Tôi đã từng trích dẫn câu Kinh Thánh này để cố gắng vượt qua những môn thi mà tôi không muốn học. Nhưng câu Kinh Thánh này không thực sự có ý nghĩa như tôi nghĩ. Thử nghĩ xem, nếu tôi đến phòng tập gym và nâng tạ 500 lbs lên, sau đó tôi công bố câu Kinh Thánh này, liệu tôi có thể tự dưng nâng được 500 lbs không? KHÔNG! Với trọng lượng đó, tạ sẽ rơi thẳng xuống chân tôi. Nhưng tại sao? Nâng được tạ 500 lbs không nằm trong “mọi sự” sao?

Hay tôi chưa có đủ đức tin? Chúa Jêsus không giúp được tôi sao?… Hay có lẽ, tôi đã hiểu sai câu Kinh Thánh này?

Nếu chúng ta áp dụng hai nguyên tắc trên và đọc lại các câu trước Phi-líp 4:13, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn một chút.

“Tôi hiện rất vui mừng trong Chúa, vì cuối cùng, anh em lại quan tâm đến tôi. Thật ra anh em vẫn quan tâm nhưng không có dịp bày tỏ. Tôi nói vậy không phải do thiếu thốn đâu, vì tôi đã học sống thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ. Tôi biết thế nào là thiếu thốn, thế nào là dư dật. Trong mọi nơi, mọi tình huống tôi đã học bí quyết để sống, dù no hay đói, dù dư hay thiếu. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban năng lực cho tôi” (Phi-líp 4:10-13).

Theo bối cảnh, Phao-lô đang nói về sung túc, đói khát, dư dật và thiếu thốn—thời nay nó đồng nghĩa với tài chính (Phi-líp 4:12). Các câu trước câu 13 cho chúng ta biết rằng Phao-lô đã học cách thỏa lòng trong mọi sự. Dù giàu có, tiện nghi hay nghèo đói, ông có thể chịu đựng mọi khó khăn và thử thách trong đời này vì cớ Phúc m, nhờ Chúa Jêsus ban năng lực cho ông để ông có thể sống thỏa lòng bất chấp mọi hoàn cảnh. Phao-lô đang chỉ cho chúng ta cách để làm được điều phi thường. Phi-líp 4:13 không phải để biến chúng ta thành siêu nhân. Nhưng để chúng ta sống thỏa lòng.

Biết Chúa càng hơn

Khi chúng ta không đọc Lời Chúa theo bối cảnh, chúng ta dễ (và đôi khi vô tình) nghĩ ra những lời hứa mà Chúa đã không hứa. Khi những lời hứa đó không thành, chúng ta sẽ dễ bị cám dỗ nghi ngờ Chúa thay vì thật sự nhìn biết Ngài là ai. Chúa Jêsus phán rằng sự sống đời đời là nhận biết Đức Chúa Trời (Giăng 17:3). Mọi mục đích, hy vọng, ao ước của chúng ta trong đời sống Cơ Đốc đều phải được xây trên nền tảng là mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời.

Tôi đã học được rằng khi tôi cứ trung tín tìm biết bối cảnh và mục đích viết sách của trước giả, thì việc đọc Kinh Thánh đã thật sự giúp tôi biết Chúa càng hơn, vì tôi không chỉ nghe Lời Ngài mà còn liên tục tìm cách để hiểu hơn về Lời Ngài. Điều kỳ diệu là càng biết Chúa, chúng ta càng nhận ra tình yêu thương Ngài dành cho chúng ta và càng cảm kích ân điển Ngài ban cho chúng ta.

Vậy nên, dù đọc Kinh Thánh có khó khăn đến đâu, điều tốt nhất chúng ta có thể đó làm là hãy mở bức thư tình yêu của Ngài ra, và bắt đầu đọc những Lời Ngài phán với chúng ta!

Chuyển ngữ: Tiểu Nguyên

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2019/11/how-do-i-know-if-im-reading-the-bible-correctly/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/