LÀM VIỆC TẠI NHÀ CÓ ĐƯỢC KỂ LÀ LÀM CHO CHÚA?
Ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan, được chủ giao quản lý nhà mình để cấp phát thức ăn đúng giờ? Phước cho đầy tớ ấy, khi chủ đến thấy làm như vậy! Ma-thi-ơ 24:45–46
Khi đọc phần Kinh Thánh này vào buổi sáng Chúa nhật, tôi đã cảm ơn Chúa về đặc ân được tiếp tục rao giảng Lời Chúa để nuôi dưỡng đời sống tâm linh của con dân Ngài. Dù những cánh cửa của nhà thờ vẫn còn đóng, nhưng cảm ơn Chúa vì chúng ta vẫn có thể phát các buổi nhóm trực tuyến và tiếp tục rao giảng Lời Ngài.
Khi ủy thác Phi-e-rơ cho chức vụ đầy dẫy Đức Thánh Linh, Đấng Christ phục sinh đã bảo ông chăm sóc chiên Ngài (Giăng 21:17). Về phần sứ đồ Phao-lô, ông rất rõ ràng về sự kêu gọi của mình khi viết: “Ta đã được lập làm người truyền giảng, sứ đồ và giáo sư” (II Ti-mô-thê 1:11). Mỗi khi được tự do đi lại để giảng dạy hay bị cầm tù vì đức tin của mình, ông vẫn có thể tiếp tục rao truyền về vương quốc của Đức Chúa Trời và giảng dạy về Chúa Jêsus Christ (Công Vụ 28:31).
Những ai trong chúng ta được kêu gọi để rao giảng Tin Lành đều biết ơn Chúa rằng dù có đang ở trong giai đoạn phong tỏa hay không, thì chúng ta vẫn có thể tiếp tục thực hiện điều Chúa kêu gọi chúng ta làm – tất cả bởi ân điển và ý muốn cao cả của Ngài.
Sự dạy dỗ của Martin Luther về công việc Cơ Đốc
Vậy còn những người không phải là mục sư, giáo sư hay người dạy Kinh Thánh thì sao? Liệu Ma-thi-ơ 24:45-46 có áp dụng cho họ không? Họ có được kể là làm cho Chúa không?
Trong thế kỷ 16, quan điểm phổ biến cho rằng công việc Chúa chỉ là những công việc được thực hiện trong tu viện và nhà thờ. Nhà cải chánh Martin Luther – một tu sĩ thuộc dòng Augustine đã trở về với đức tin thật và được Chúa sử dụng để cải chánh và phục hưng hội thánh – tuy vậy, ông đã đưa ra một quan niệm cấp tiến.
Ông viết: “Ý tưởng phục vụ Chúa gắn với các công việc ở bục giảng, hát, đọc, dâng của lễ là điều không cần bàn cãi nhưng là cái bẫy đáng sợ nhất của ma quỷ. Ma quỷ có thể dễ dàng khiến chúng ta lầm lạc qua quan niệm cứng nhắc cho rằng việc phục vụ Chúa chỉ xảy ra trong nhà thờ và bằng những công việc được thực hiện tại đó… Cả thế giới có thể phục vu Chúa – không chỉ trong nhà thờ nhưng còn tại gia đình, trong nhà bếp, công xưởng, cánh đồng”.
Đóng góp to lớn của Luther là nhằm đem mọi người đến với khái niệm nghề nghiệp là sự kêu gọi của Chúa, dù chúng ta làm việc hay phục vụ ở đâu. Ông cũng mở rộng khái niệm nghề nghiệp này với nông dân, thợ sửa giày, thợ rèn và nhiều ngành nghề khác.
Người nội trợ cũng là người phục vụ Chúa
Vậy thì, hãy lấy người nội trợ làm ví dụ. Người nội trợ phục vụ các thành viên trong gia đình. Điều người nội trợ làm cũng quan trọng như người rao giảng Lời Chúa trên bục giảng. Người nội trợ có thể áp dụng Ma-thi-ơ 24:45-46 vào những gì mình trung tín làm tại nhà. Thật vậy, trong bối cảnh mọi người phải ở nhà vì dịch bệnh Covid-19, trách nhiệm của người nội trợ càng nặng nề hơn.
Khi cả gia đình ở nhà suốt ngày thay vì đi làm hoặc đi học, người nội trợ phải suy nghĩ về những bữa ăn cho gia đình. Cụm từ “cấp phát thức ăn đúng giờ” (c.45) trở nên vô cùng thực tế. Người nội trợ cũng đang làm công việc Chúa. Người nội trợ cũng có thể cảm ơn Chúa về đặc ân phục vụ Chúa trong cách mình đang làm.
Các dịch vụ thiết yếu và những nhân viên can đảm
Trong suốt thời gian phong tỏa này, có nhiều người vẫn đang làm việc để đảm bảo sự an toàn và phúc lợi của chúng ta. Bác sĩ, y tá và nhiều nhân viên y tế đối diện với rủi ro khi họ phục vụ ở tuyến đầu để chăm lo cho các bệnh nhân. Các tài xế, người cung cấp và vận chuyển lương thực đảm bảo rằng các dịch vụ vận chuyển và nguồn cung ứng thực phẩm không bị gián đoạn, cũng như những người thu gom rác mỗi ngày để đảm bảo môi trường sạch sẽ.
Chúng ta có thể nhận thấy công việc của những người này quan trọng thế nào đối với chúng ta. Họ đang ở ngoài kia phục vụ cộng đồng và giúp đỡ mọi người cách tốt nhất có thể.
Làm việc tại nhà
Còn những người hiện đang phải làm việc tại nhà, hay những người mà kết quả công việc của họ dường như không rõ ràng và không ai thấy thì sao? Liệu họ có được xem làm công việc Chúa không?
Kinh Thánh cho biết rằng bất kể chúng ta được kêu gọi làm gì, nếu chúng ta làm với tinh thần tận hiến cho Chúa và làm cách ngay thật, thì chúng ta đang làm công việc Chúa. Cô-lô-se 3:23-24 nói rằng: “Khi làm bất cứ việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ nhận được cơ nghiệp từ Chúa làm phần thưởng. Anh em đang phục vụ Đấng Christ là Chúa.”
Những tín hữu này sẽ không phục vụ trước mắt chủ – chỉ làm khi có chủ giám sát (xem Ê-phê-sô 6:6). Thay vào đó, họ làm việc với ý thức rằng Chúa đang nhìn thấy và biết rằng trên hết, chính Chúa đã kêu gọi họ để phục vụ Ngài và Ngài chính là người chủ mà họ phải giải trình.
Chúng ta có thể phục vụ Chúa khi làm việc tại nhà trên máy tính không?
Suy cho cùng thì khi không được gặp nhau mặt đối mặt, công việc chúng ta có thể cảm giác như không liên quan đến người khác. Có thể chúng ta làm việc hiệu quả nhưng không có sự cảm thông. Chúng ta tập trung vào năng lực hơn là lòng trắc ẩn. Nơi làm việc hiện đại, đặc biệt với các biện pháp phong tỏa, đã dần dần theo xu hướng số hóa. Chúng ta làm việc qua không gian mạng và trở thành những nhân viên công nghệ số.
Khám phá mục vụ kỹ thuật số
Ngoài việc chỉ về các chữ số như 0 và 1, là nền tảng của hệ thống máy tính, thuật ngữ “số” còn chỉ về ngón tay và ngón chân của chúng ta.
Khi chúng ta đánh máy trên bàn phím để làm việc, khi chúng ta sử dụng ngón tay để gõ thông điệp và tính toán hay chuẩn bị các trình chiếu và giấy tờ, chúng ta được nhắc nhở một cách phục vụ khác – mà Chúa Jêsus đã làm.
Ngài sử dụng ngón tay của Ngài để chạm đến và chữa lành người phung (Ma-thi-ơ 8:3), người mù (Mác 8:23-25) và người bệnh (Mác 1:31; Lu-ca 13:13), kêu người chết sống lại (Mác 5:41), và cầm lấy bánh, bẻ ra phân phát cho người đói (Giăng 6:11). Ngài sử dụng ngón tay để viết những lời mang tính tiên tri trên mặt đất để cáo trách tội nhân (Giăng 8:6). Ngài đặt tay Ngài trên con trẻ mà người ta đem đến và chúc phước cho chúng (Ma-thi-ơ 19:15). Ngài sử dụng tay Ngài để chuẩn bị bữa ăn sáng và phục vụ cho môn đồ (Giăng 21:12-13).
Chẳng phải ngay cả khi bạn làm công việc thuộc về kỹ thuật số, bạn vẫn có thể noi gương Chúa Jêsus, để những lời mà mình viết ra đem đến sự khích lệ, yên ủi và hy vọng sao? Có lẽ bạn không thể trực tiếp gặp gỡ những người đang gặp nan đề, lo lắng, hay không biết mình phải làm gì để thoát ra khỏi nan đề. Có lẽ bạn không thể ở bên cạnh họ trực tiếp để giúp đỡ họ. Nhưng bạn có thể sử dụng những lời bạn gõ ra khi trả lời các câu hỏi – để an ủi và gây dựng người khác.
Phục vụ Chúa mọi lúc
Dù bạn đang làm việc ở công ty, xí nghiệp, trường học, bệnh viên, cửa hàng hay tại nhà, bạn vẫn có thể phục vụ Chúa. Điều quan trọng là phải có tinh thần phục vụ và thái độ khiêm nhường, và biết rằng dù chúng ta làm gì hay làm ở đâu thì chúng ta cũng được kêu gọi để phục vụ Chúa vì sự vinh quang của Ngài (I Cô-rinh-tô 10:31).
Công việc của chúng ta trong Đấng Christ vẫn y nguyên dù chúng ta có đang bị phong tỏa hay không, và như Phao-lô nhắc nhở, điều chúng ta đang làm để phục vụ Đấng Christ, dù là làm tại nhà hay ở những nơi làm việc bình thường đều chẳng vô ích, khi chúng ta tận hiến chính mình để làm công việc Chúa hết lòng (I Cô-rinh-tô 15:58).
Nguồn: https://odb-covid.org/working-from-home-does-it-count-as-working-for-god/. Sử dụng với sự cho phép của Our Daily Bread Ministries Singapore.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/