LIỆU CÁI TÊN CÓ NÓI LÊN CON NGƯỜI CỦA CHÚNG TA?

“Xin chào, rất vui được gặp bạn. Bạn tên gì?”

Tôi chắc chắn chúng ta đều đồng ý rằng tên gọi là quan trọng bởi vì đó là điều đầu tiên chúng ta muốn biết khi gặp một người mới. Và thông thường, chúng ta sẽ tiếp tục phần giới thiệu bản thân ngay sau cái tên của mình.

Nhưng liệu chúng ta có biết ý nghĩa cái tên của mình không? Điều đó có quan trọng không?

Nhà thơ và là nhà soạn kịch danh tiếng William Shakespeare đã viết trong vở kịch Romeo và Juliet rằng: “Cái tên chứa đựng điều gì? Nếu chúng ta gọi hoa hồng bằng bất kỳ tên gọi nào khác thì nó vẫn sẽ có mùi hương ngọt ngào”. Đối với ông, cái tên chỉ đơn thuần là một cái tên, nó không nói lên điều gì về một cá nhân cả. Nếu chúng ta gọi hoa hồng bằng một cái tên khác, ví dụ như bông cải xanh, điều đó sẽ không làm thay đổi bản chất của nó, nó vẫn toát ra hương thơm nồng nàn như cách nó được tạo ra.

Vậy thì, cái tên có nói lên con người của chúng ta không?

Gần đây tôi được nhắc nhở về ý nghĩa cái tên tiếng Anh của mình trong cuộc hội thoại với mẹ. Tên của tôi có ý nghĩa là “người thờ phượng Chúa” và nhân vật Kinh Thánh có cùng tên gọi mang ý nghĩa này là một nữ doanh nhân, người bán vải sắc tía và cuộc đời của bà được biến đổi khi nghe sứ điệp mà Phao-lô chia sẻ và trở thành một tín đồ (Công Vụ 16:13-15).

Cùng lúc đó, tôi cũng biết được ý nghĩa tên tiếng Trung của mình, 思惠 (đọc là “si hui”), có nghĩa là “suy ngẫm về ơn Chúa”. Bố mẹ đã chọn tên này để bày tỏ mong ước của họ là tôi sẽ sống một cuộc đời thờ phượng và tận hiến cho Chúa. Đây cũng là mong ước của tấm lòng tôi.

Cái tên rất quan trọng trong các thời kỳ trước đây, như trong thời Cựu Ước. Trong vài âm tiết đó chứa đựng những hy vọng, mong đợi, những giấc mơ lớn và những kỳ vọng của người đặt tên. Hãy nghĩ về Chúa Jesus của chúng ta, tên của Ngài có nghĩa là “Đức Chúa Trời giải cứu” (Ma-thi-ơ 1:21).

Những cái tên cũng được sử dụng để thể hiện những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của một người. Hãy xem các nhân vật Kinh Thánh như Gia-cốp được đổi thành Y-sơ-ra-ên (như một phần trong giao ước của Chúa với ông) và Sau-lơ được đổi tên thành Phao-lô (sau khi gặp Chúa Jêsus trên đường đến Đa-mách). Tên gọi mới biểu tượng cho đời sống mới mà họ được kêu gọi.

Thậm chí ngày nay, vài người trong chúng ta sẽ làm điều này trong thời điểm quan trọng, ví dụ khi chúng ta chịu báp-têm. Báp-têm biểu tượng cho đời sống mới trong Đấng Christ. Tên gọi được thay đổi nói lên khát khao và hy vọng của người đó trong mối quan hệ với Chúa. Tôi biết một người bạn đã thay đổi tên của mình sau khi chịu báp-têm, đánh dấu một “đời sống mới” của anh. Các bạn của anh và chính tôi cũng phải mất một thời gian mới quen với việc gọi anh bằng cái tên mới, nhưng tôi rất ngưỡng mộ sự kiên quyết của anh để bày tỏ lời cam kết sống cuộc đời mà Chúa kêu gọi anh.

Khi tôi suy nghĩ về tên của mình, tôi hoàn toàn nhận ra rằng mình đang trong hành trình cuộc đời này với Chúa – và chỉ bởi ân điển mà Ngài ban cho tôi mỗi ngày để tôi có thể bước đi một cách mật thiết với Ngài và tin cậy Ngài như người Cha từ ái trong mọi quyết định tôi đưa ra.

Dù tôi cảm thấy mình vẫn còn xa mới thể hiện đầy đủ ý nghĩa cái tên của mình, nhưng tôi được vững lòng khi biết rằng: trong khi tên gọi gợi cho chúng ta những ý niệm mơ hồ của hy vọng và ước mơ mà bố mẹ ấp ủ, thì tên gọi không hề và không nên là cái định nghĩa chúng ta là ai.

Bản sắc cá nhân là một vấn đề phức tạp hơn nhiều và nó không chỉ đến từ một thứ hữu hình như là cái tên. Chúa không làm ơn cho chúng ta chỉ vì chúng ta có một cái tên đẹp hoặc có ý nghĩa sâu sắc. Và điều này là bởi vì bản sắc của chúng ta không dựa vào tên gọi của chúng ta– nhưng mà là chính Chúa.

Ngài gọi chúng ta là “những kẻ rất yêu dấu” và kể chúng ta như là “con cái Ngài” (Giăng 1:12; Cô-lô-se 3:12; I Giăng 3:1). Khám phá vĩ đại nhất mà chúng ta từng có trong đời là biết và thấu hiểu bề sâu của tình yêu mà Chúa dành cho chúng ta; sự hiểu biết này phải định hình cách chúng ta nhìn chính mình và cách chúng ta sống.

Chúng ta không nên xác định bản sắc, địa vị của bản thân dựa vào ý kiến của người khác hoặc giá trị mà họ đặt vào chúng ta bởi vì điều đó luôn luôn thay đổi – theo tiêu chuẩn của thế gian và đôi khi phụ thuộc vào tâm trạng nhất thời của một người.

Bản sắc, địa vị của chúng ta phải được đâm rễ trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời bởi vì đó là nền tảng duy nhất luôn an toàn, vững chắc và không thay đổi.

Chuyển ngữ: K’ Sen

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2018/05/do-names-define-us/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/