COVID-19 VÀ THI THIÊN 91

Tác giả: Ajith Fernando

Biên dịch: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Nguồn: https://ourdailybread.org/spotlight-covid-19-and-psalm-91-ajith-fernando/

Nhiều người thắc mắc liệu chúng ta có thể trích dẫn Thi Thiên 91 để vững tâm rằng chúng ta sẽ được miễn trừ khỏi vi-rút Corona hay không. Hãy xem xét vấn đề này theo quan điểm của Kinh Thánh.

Trong Kinh Thánh, có những lời hứa, nguyên tắc và mạng lệnh nhìn chung là đúng, nhưng cũng có những ngoại lệ. Các mạng lệnh chung là vâng phục cha mẹ “trong mọi sự” (Côl. 3:20) và phục tùng các nhà cầm quyền (Rô. 13:1-2) vẫn có những ngoại lệ trong Kinh Thánh (Lu. 14:26; Cv. 4:19-20). Đôi khi chúng ta cần “bất tuân” nếu cha mẹ hoặc những nhà cầm quyền đưa ra những mạng lệnh chống nghịch với ý muốn của Chúa.

Tương tự, Kinh Thánh nói rõ rằng Đức Chúa Trời chăm sóc chúng ta, như trong Thi Thiên 91. Ngài có thể can thiệp cách kỳ diệu và Ngài thật sự can thiệp để giải cứu chúng ta. Đúng vậy, Chúa có quyền sai thiên sứ bảo vệ chúng ta (Thi. 91:11). Điều này luôn luôn đúng. Chúa có thể ngăn chúng ta khỏi vấp nhằm đá (91:12). Điều này không phải lúc nào cũng đúng, như vô số những người tuận đạo đã chứng thực. Một phần ba số chương trong sách Thi Thiên là những lời ca thán vì người công chính phải chịu những điều thế giới cho là họa và Đức Chúa Trời dường như không giúp đỡ họ. Thi Thiên 91 dạy rằng Chúa chăm sóc chúng ta. Đó là nguyên tắc tuyệt đối. Nhiều phân đoạn Kinh Thánh khác cho thấy rằng cách Chúa chăm sóc chúng ta không phải lúc nào cũng như điều được trình bày cụ thể trong Thi Thiên 91. Có thể có những ngoại lệ đối với nguyên tắc chung này. Nhưng qua tất cả những điều đó, Chúa vẫn liên tục ban phước cho chúng ta.

Khi giáo sĩ Jim Elliott, Nate Saint và các cộng sự bị giết bởi những người thổ dân da đỏ Huaorani (người Auca) tại đất nước Ecuador, họ thấy thiên sứ ca hát trên trời. Điều đó không ngăn họ khỏi việc bị giết hại. Nhưng khi vợ của Elliott và chị gái của Saint đến làm giáo sĩ cho bộ tộc đó, những người thổ dân này nghe họ hát những bài thánh ca giống như các thiên sứ đã hát. Cả bộ tộc đã đến với Đấng Christ.

Hiện tại, tôi đang đọc sách Gióp vào giờ tĩnh nguyện. Kế hoạch của Đức Chúa Trời là làm vinh hiển danh Ngài thông qua việc Gióp trải qua những kinh nghiệm khác xa với những gì Thi Thiên 91 nói. Các bạn của Gióp trích dẫn những nguyên tắc Kinh Thánh về việc Chúa chăm sóc người công chính cuối cùng được chứng tỏ là sai lầm và thậm chí là tàn nhẫn. Những gì họ nói thật đúng trong giáo lý của Thi Thiên 91. Nhưng họ đã sai khi áp dụng những nguyên tắc đó vào sự đau khổ mà Gióp đang chịu.

Rô-ma chương 8 nhìn nhận vấn đề này theo khía cạnh thần học. Muôn vật bị lệ thuộc sự hư không (8:20). Đó là bệnh tật, thất vọng, đau đớn và sự chết. Sự hư không đó cũng bao gồm chúng ta “là những người có Thánh Linh là trái đầu mùa” (8:23). Tức là, chúng ta được nếm biết thiên đàng ngay tại đây trong hiện tại. Nhưng chúng ta than thở (8:23) cùng với các tạo vật khác (8:22). Qua việc than thở cùng với muôn vật, giống như Chúa Jêsus, chúng ta bày tỏ mối liên hệ chặt chẽ với thế giới và chúng ta cũng ảnh hưởng sâu sắc lên nó. Cách sống của chúng ta là một hình thức nhập thể. Khi nói về sự nhập thể, chúng ta nói về việc Chúa Jêsus mang lấy xác thịt loài người mà đi kèm với mọi sự hư không. Chúng ta có thể tác động sâu sắc đến thế giới bằng cách cùng chịu nỗi đau như nó, như Chúa Jêsus đã làm. Theo cách huyền nhiệm, sự chịu khổ giúp hội thánh lớn mạnh như cái chết của Ê-tiên đã cho thấy.

Khi cơn sóng thần ập vào Sri Lanka, một số Cơ Đốc nhân được cứu cách thần kỳ và họ đã làm chứng về kinh nghiệm đó để tôn vinh Chúa. Một số người khác phải chịu khổ, giống như hội thánh ở Mullaitivu, nơi những tín hữu trung tín đến nhà thờ vào buổi sáng sau lễ Giáng Sinh đã bị thiệt mạng, còn những người ở nhà thì được cứu sống. Vị mục sư của hội thánh đó đã mất đi vợ mình và tôi nghĩ là cả con trai của ông nữa. Nhưng ông đã ở lại và phục vụ các tín hữu, và hiện tại hai người con gái của ông đã vào đại học – một thành tựu to lớn ở Sri Lanka. Ông đã đem lại vinh quang cho Chúa qua sự chịu khổ của mình.

Có một số thực tế quan trọng hơn, sâu sắc hơn chi phối chúng ta giữa sự thất vọng và đau đớn.

  • Đức Thánh Linh than thở với chúng ta (8:26). Cơ Đốc nhân không chỉ được phép than thở, mà khi họ than thở, Chúa sẽ cùng than thở với họ. Và câu Kinh Thánh đó nói rằng Đức Thánh Linh giúp đỡ trong sự yếu đuối của chúng ta. Chúng ta kinh nghiệm sự gần gũi của Chúa theo một cách sâu sắc.
  • Chúa biến tất cả những gì chúng ta kinh nghiệm trở nên điều tốt lành (8:28), giúp chúng ta thắng hơn mọi sự (8:37). Khi chúng ta than khóc và đồng cảm với những Cơ Đốc nhân đang chịu khổ, chúng ta không cần phải quá buồn rầu vì biết rằng Chúa sẽ hành động để đem đến điều đẹp đẽ từ những đau khổ đó.
  • Vâng, chúng ta không được miễn trừ khỏi nan đề, nhưng tình yêu của Chúa sâu rộng hơn tất cả và không điều gì có thể chia cắt chúng ta khỏi tình yêu của Ngài (8:35, 38, 39).
  • Những người trân trọng kinh nghiệm yêu và được yêu là những người hạnh phúc. Giống như Phao-lô đã viết khi bị giam trong ngục rằng chúng tôi vui mừng trong Chúa luôn luôn (Phi. 4:4), và chúng tôi đã học để thỏa lòng với bất cứ điều gì xảy ra (Phi. 4:11).

Người hạnh phúc nhất trên thế giới không phải là người không có nan đề, mà là người không sợ nan đề. Như Phao-lô đã nói cũng khi ông ở tù rằng nguồn lợi lớn mà chúng ta có được chính là sự thỏa lòng (I Tim. 6:6). Ngục tù ảm đạm không phải là nơi biểu tượng cho phước hạnh của Chúa. Nhưng Phao-lô đã được ban phước, và ông được thịnh vượng!

Giữa những bối rối trong khoảng thời gian này, hãy tận hưởng sự thịnh vượng của tấm lòng thỏa nguyện.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/