LỜI TÂM TÌNH CỦA MỘT VỊ MỤC SƯ GỬI HỘI THÁNH
Hội thánh quý mến,
Tôi viết thư này để chia sẻ với quý vị về một trong những thách thức lớn nhất trong chức vụ đối với tôi, đó là tôi muốn làm vui lòng quý vị.
Từ bé đến lớn, tôi luôn muốn làm hài lòng mọi người. Tôi muốn mọi người thích tôi, và tôi cố gắng hết sức để đảm bảo điều đó. Dù không phải tất cả mục sư đều có khả năng làm vừa lòng người khác, nhưng điều kiện tiên quyết của công tác này là phải yêu thương mọi người. Qua Phúc Âm, Chúa Jêsus truyền dạy chúng ta phải yêu thương người lân cận, kẻ thù và quý mến lẫn nhau. Quý vị không thể là người rao truyền Phúc Âm chân chính nếu quý vị không yêu thương người khác. Và khi quý vị yêu thương, trong tâm quý vị sẽ tự nhiên ao ước làm người khác vui lòng.
Đối với hầu hết các mục sư, chúng tôi thường bị cám dỗ để đánh giá kết quả chức vụ của mình qua phản ứng của quý vị. Tại sao? Bởi vì yêu thương luôn muốn nhận lại yêu thương. Đó dường như chẳng phải là điều xấu. Vậy tại sao đó lại là thách thức lớn nhất trong chức vụ của tôi?
Vấn đề là đây: chúng ta sống trong một xã hội luôn tập trung vào chính mình. Nền văn hóa của chúng ta dạy rằng hãy cứ sống cuộc đời mình theo cách mà mình muốn. Khách hàng luôn luôn đúng. Chúng ta sống trong một thế giới phục vụ cho những mong muốn và ao ước của mình, kết quả là chúng ta nghĩ rằng ý kiến và sở thích của mình là quan trọng nhất.
Tôi muốn giải thích rõ hơn: có hai vương quốc trong cuộc đời chúng ta. Trước hết là của riêng chúng ta. Âm nhạc chúng ta nghe, phim ảnh chúng ta xem, lý tưởng chúng ta ủng hộ – tất cả xây nên vương quốc của quý vị. Trong vương quốc đó, ý kiến của quý vị luôn quan trọng.
Nhưng hội thánh không phải là vương quốc của quý vị. Chúng ta thường đến nhà thờ và hành động như thể hội thánh hiện hữu để làm vui lòng chúng ta. Chúng ta hành động như thể mình là chuyên gia biết rõ hội thánh nên làm gì và vận hành như thế nào. Chúng ta có sở thích riêng. Chúng ta có ý kiến cá nhân. Chúng ta có vương quốc của mình. Chỉ bởi vì những sở thích và ý kiến đó quan trọng trong thế giới xung quanh chúng ta, không có nghĩa là chúng cũng quan trọng trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Ý kiến của quý vị quan trọng, nhưng điều đó không phải là nền tảng định đoạt cách mà Nước Trời vận hành, bởi vì Lời Chúa mới là thẩm quyền duy nhất.
Khi quý vị nói với chúng tôi về những điều tuyệt vời mà hội thánh trước đây của quý vị đã làm, điều đó không giúp ích gì cả. Hội thánh này không thể giống hệt như hội thánh kia. Khi quý vị chia sẻ những suy nghĩ đó với các mục sư, chúng tôi cảm giác như đang bị so sánh với bạn trai, bạn gái cũ của người yêu mình vậy. Cảm giác đó thật không thoải mái đối với tôi.
Quý vị có tưởng tượng ra cảm giác khi ai đó cứ so sánh quý vị với người khác không? Thật khó chịu làm sao. Chúng ta đều là chi thể trong thân thể Đấng Christ, và mỗi hội thánh có một “văn hóa” riêng, sự kêu gọi riêng, một thiết kế riêng. Việc cố gắng khiến hội thánh hiện tại của quý vị trở nên giống với hội thánh quý vị từng sinh hoạt trước đây sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự kêu gọi mà Chúa dành riêng cho hội thánh đó.
Khi quý vị bảo chúng tôi rằng tiếng nhạc quá lớn, âm nhạc thờ phương này không phải phong cách của quý vị, hay có điều gì đó không hợp với sở thích của quý vị, chúng tôi rất căng thẳng. Đây là lý do khiến việc yêu thương mọi người trở thành một trong những thách thức lớn nhất của chức vụ.
Là mục sư, chúng tôi phải quân bình. Chúng tôi yêu thương mọi người – và một cách tự nhiên, chúng tôi cũng thích được mọi người yêu thương mình, thích mọi người hài lòng về mình, thích mọi người trân trọng điều mình làm. Thật khó khăn khi cứ phải nghe những lời than phiền nhỏ nhặt.
Hãy tưởng tượng ai đó đến nhà quý vị và nói: “Anh sơn tường màu xám à. Tôi không thích màu xám lắm”. Hãy tưởng tượng quý vị mời họ đến ăn tối, và sau khi ăn xong, họ bình phẩm về món ăn hay cách quý vị nấu, hay dạy quý vị phương pháp để sau này nấu ngon hơn. Có lẽ quý vị sẽ cảm thấy hơi tổn thương. Ai đó đến nhà quý vị và chê bai những điều quý vị làm. Hội thánh không phải là nhà của chúng ta, nhưng chúng ta thiết lập buổi nhóm thờ phượng để kết nối Lời Chúa và lẽ thật của Ngài với thế giới xung quanh.
Khi quý vị bước vào hội thánh và than phiền, điều chúng tôi nghe thấy là: ông không làm điều tôi nghĩ ông nên làm. Đây là sự thật, dù khó nghe: chúng tôi không làm việc cho quý vị. Quý vị không phải là đối tượng mà chúng tôi hướng đến. Chúng tôi làm cho Chúa. Mục tiêu quan trọng nhất và ưu tiên hơn hết là trung tín với điều Chúa kêu gọi chúng tôi làm.
Trong khi chúng tôi tin rằng mình trung tín thì quý vị lại phàn nàn về những sở thích cá nhân, lúc ấy quý vị đang khiến cho tình yêu chúng tôi dành cho quý vị xung đột với tình yêu chúng tôi dành cho Chúa. Nói thẳng ra thì quý vị đang cám dỗ chúng tôi không trung tín, chiều theo quý vị thay vì theo đuổi khải tượng và định hướng mà Chúa giao phó cho chúng tôi.
Đôi khi vấn đề không nghiêm trọng lắm. Chẳng hạn như phong cách thờ phượng. Điều chính yếu mà Chúa quan tâm không phải là phong cách thờ phượng của chúng ta. Ngài quan tâm đến tấm lòng của chúng ta khi thờ phượng. Nếu chúng ta có ý kiến riêng về việc thờ phượng, thì mọi người khác có mặt trong nhà thờ cũng thế. Một hội thánh 500 người sẽ có 489 ý kiến khác nhau về sự thờ phượng. Quý vị có tưởng tượng sẽ khó thế nào để nghe hết mọi ý kiến khác nhau và cố gắng quân bình tất cả?
Vấn đề là đây: nếu chúng tôi càng cố gắng làm hài lòng những sở thích cá nhân, kể cả trong những lĩnh vực không quá quan trọng, thì chúng tôi càng ít nghĩ về Chúa. Chúng tôi không còn nghĩ cách để tôn kính Chúa, mà chuyển sang nghĩ cách để làm hài lòng quý vị. Như vậy, trọng tâm của chúng tôi chuyển từ vương quốc của Chúa sang vương quốc của quý vị.
Phải chăng như vậy có nghĩa là quý vị không được phép trình bày ý kiến hay góp ý xây dựng? Không phải vậy. Bày tỏ ý kiến hoàn toàn khác với việc nêu ra ý kiến mà không cân nhắc. Có ba yếu tố chính sẽ quyết định việc góp ý của quý vị mang tính gây dựng hay gây bất đồng:
1. Liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để chia sẻ ý kiến? Bày tỏ ý kiến khi được hỏi sẽ khác với phàn nàn bâng quơ vào mỗi sáng Chúa Nhật khi mà vô vàn công việc đang diễn ra.
2. Quý vị có thực sự quan tâm đến ý kiến của mình không? Hầu hết những người đưa ra ý kiến với chúng tôi đều không liên quan đến vấn đề. Họ chỉ là “khán giả ngồi xem”. Nếu vợ tôi không ưng màu sơn trong nhà tôi thì đó mới là vấn đề, chứ không phải là một người giao hàng vô tình ghé qua phàn nàn về màu sơn đó. Trước khi chia sẻ một ý kiến, hãy cân nhắc điều này: quý vị có đủ đầu tư để ý kiến của mình mang sức nặng tích cực, đủ tầm ảnh hưởng đến công việc quản lý của hội thánh hay chưa? Tôi chỉ muốn nghe ý kiến từ những người có tâm huyết và mong muốn cùng xây dựng hội thánh.
3. Quý vị có sẵn lòng thực hiện ý tưởng của mình không? Khi ai đó đưa ra một ý tưởng, tôi sẽ trả lời: hay quá, tôi rất thích ý tưởng đó, quý vị hãy cho tôi biết quý vị sẽ làm gì để thực hiện nó. Nhưng phần lớn họ lại lùi bước. “Tôi không muốn làm; tôi chỉ đưa ra ý tưởng thôi, còn mục sư phải thực hiện chứ.” Nếu bạn không muốn đứng ra thực hiện ý tưởng của mình thì có lẽ đó không phải là một ý tưởng đáng để bày tỏ.
Chúng tôi yêu thương quý vị. Nhưng chúng tôi yêu Chúa hơn cả. Để lựa chọn giữa hai tình yêu này không phải là điều dễ dàng. Nếu chúng tôi không tuân theo ý Chúa và làm theo sự kêu gọi của Ngài, chúng tôi đang từ chối sống trung tín với Chúa để làm vừa lòng con người, đó là một tội lỗi. Nhưng nếu cứ đi theo con đường Chúa gọi, thì chúng tôi dường như thờ ơ với những người mà lẽ ra mình phải yêu mến và phục vụ. Xin hãy suy ngẫm điều này, hội thánh ơi:
Vương quốc Chúa không phải là nơi quý vị làm chủ. Quý vị không phải là trọng tâm. Quý vị không phải là tâm điểm của mọi ánh nhìn. Thật ra, mọi lời kêu gọi của Chúa Jêsus đều hướng tới lòng trung tín, gây dựng mối liên hệ với nhau và với Ngài, tất cả đều là lời kêu gọi chết đi chính mình. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ những ý kiến, sở thích, giá trị, ý tưởng riêng của mình. Xin hãy giúp chúng tôi lãnh đạo hội thánh một cách trung thành, bằng cách đừng gây thêm trở ngại cho công việc Chúa. Điều chúng tôi cần là mọi người nam nữ, già trẻ, ai cũng yêu mến Chúa Jêsus đến nỗi mối bận tâm duy nhất của họ là làm sao để ngày càng trung tín với Ngài hơn trong công việc hội thánh và trong chính đời sống mình.
Chức vụ vốn đã khó khăn rồi. Chúng tôi bị thử thách nhiều. Chúng tôi bị chỉ trích nhiều. Chúng tôi không cần thêm những câu như: “Tôi chỉ nói vậy thôi…” Nhưng chúng tôi cần thêm sự khích lệ.
Barry là một người tôi rất kính trọng và yêu mến. Cách đây vài năm, tôi đang làm trưởng nhóm mục vụ có vợ chồng Barry tham gia. Ông lúc đó đã gần bảy mươi tuổi. Nhà thờ chúng tôi rất hiện đại, ban nhạc chơi lớn tiếng, chuyên nghiệp và sôi động. Khi ban nhạc đang hòa thanh, Barry nhìn tôi và nói: “Tôi rất thích bầu không khí này.” Tôi cảm thấy ngạc nhiên. Tôi nói với ông: “Xin lỗi nếu có làm ông khó chịu, nhưng tôi không nghĩ có ai ở độ tuổi của ông sẽ thích dòng nhạc này đâu.” Ông nói: “Không, tôi không hề thích âm nhạc.” Ông chỉ vào hội chúng. “Tôi chỉ thích được nhìn thấy các bạn trẻ tôn thờ Chúa Jêsus, yêu mến Ngài hết lòng. Đối với tôi điều đó quan trọng hơn nhiều so với việc được nghe thể loại nhạc mà tôi ưa thích.”
Đó là những gì chúng tôi cần. Những người hiểu rằng sứ mệnh Chúa giao quan trọng hơn mọi điều. Những người khuyến khích, hỗ trợ, góp phần để giúp sứ mệnh ấy ngày càng tấn tới, ngay cả khi đó không phải là sở thích của họ. Chúng tôi cần những người quan tâm đến vương quốc Chúa hơn là vương quốc của bản thân.
Trân trọng,
Mục sư của quí vị.
Chuyển ngữ và biên tập: ODB Việt Nam
Nguồn: https://ymi.today/2018/10/a-pastors-letter-to-the-church-its-not-all-about-you/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/