LÝ DO TÔI QUYẾT ĐỊNH CẦM GIỮ MÔI MIỆNG MÌNH

Nguồn: https://ymi.today/2017/02/why-i-decided-to-rein-in-my-tongue/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Biên dịch: Thảo Nhi

Biên tập: Lời Sống Hằng Ngày

Xưa nay tôi vốn là người thẳng tính, có gì nói đó. Khi vui, tôi sẽ tìm ai đó để chia sẻ. Khi mọi thứ không được như ý, chắc chắn tôi sẽ than thở với những người xung quanh.

Suốt một thời gian dài, mỗi khi buồn chán, tôi sẽ nói những lời bóng gió, tự ti. Có lúc, tôi đã nói đùa rằng lời đó thật ngầu nhưng thật ra chẳng khác gì tự lấy dao đâm mình.

Tôi chưa bao giờ thấy những điều mình nói là sai trật, cho đến khi tôi hiểu sức mạnh của lời nói. Kinh Thánh cho chúng ta biết sống chết ở nơi quyền của lưỡi (Châm Ngôn 18:21). Nhìn lại buổi đầu sáng thế, chúng ta thấy Chúa tạo dựng nên vũ trụ chỉ bằng lời phán của Ngài. Chúa phán “Phải có ánh sáng” thì có ánh sáng. Thật vậy, lời Chúa đầy quyền năng. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa ( Sáng Thế Ký 1:27) và đó là lý do Kinh Thánh nói quyền sống chết nằm ở cái lưỡi của chúng ta.

Dần dần, tôi bắt đầu nhận ra những điều mình thốt ra, tưởng chừng vô hại nhưng lại ảnh hưởng đến cuộc đời của chính tôi và cả những người xung quanh. Có lần tôi nói rằng tôi không muốn sống quá 40 tuổi và tôi bị trầm cảm. Tôi không nhận ra rằng những gì tôi nói giống như một lời nguyền với chính mình.

Sự thờ ơ, thiếu cẩn trọng trong lời nói sẽ mở đường cho ma quỷ bước vào đời sống của chúng ta. Điều này thể hiện rõ khi chúng ta phạm vô số tội lỗi của lưỡi, chẳng hạn như ngồi lê đôi mách, phàn nàn, nói dối, v.v. Hầu hết chúng ta đều biết rất khó để kiểm soát lời nói của mình nhưng dường như chúng ta không kiềm chế những gì mình nói mà cứ thốt ra – chỉ để hối hận về sau. Có lẽ đó là lý do một số người trong chúng ta không kinh nghiệm được sự tăng trưởng thuộc linh trong một thời gian dài.

Lời Kinh Thánh chép: “ Ai muốn yêu sự sống và thấy những ngày tốt đẹp thì hãy giữ lưỡi mình khỏi điều ác, và môi mình khỏi nói lời xảo quyệt. Hãy lánh điều dữ, làm điều lành; tìm sự hòa bình và đuổi theo” ( I Phi-e-rơ 3:10-11).

Nhờ lời nhắc nhở đó, tôi bắt đầu chú ý những điều mình muốn nói hơn. Và rồi tôi rùng mình: hơn một nửa những điều tôi định nói là những lời gây tổn hại. Chả trách, tôi thường không kiểm soát được cảm xúc và rơi vào lo lắng, chán nản. Những lời nói của tôi đã làm tổn thương chính tôi và những người xung quanh rất nhiều. Cứ mỗi lần nói quá lố, tôi lại bắt đầu trách móc bản thân. Tôi thấy mình không xứng đáng là Cơ đốc nhân. Thậm chí, tôi thấy thật hổ thẹn khi đến trước mặt Chúa.

Khi tôi quyết định chế ngự lưỡi của mình, có lúc tôi thấy mình bị cám dỗ trở lại con đường cũ. Ngay lập tức, tôi nhắc nhở bản thân đừng rơi vào những cái bẫy đó và cố gắng tìm ra những cách tốt hơn để truyền đạt những gì tôi muốn nói. Điều này đã giúp tôi ngăn chặn nhiều xung đột không cần thiết và kiểm soát được sự nóng nảy của mình. Trước đây, tôi luôn tranh cãi với bố. Mỗi lần chúng tôi nói chuyện, bầu không khí rất căng thẳng và bất kỳ điều nhỏ nhặt nào cũng có thể gây ra xung đột. Tôi khó chịu với sự la rầy của bố và tôi sẽ trả đũa bằng cách nói: “Bố thật sự rất phiền phức! hoặc “ Con đi ra ngoài đây” Sau đó, cuộc cãi vã sẽ leo thang và lời nói của chúng tôi làm tổn thương nhau.

Từ khi tôi cố gắng chú ý trong lời ăn tiếng nói, tôi có thể nói chuyện với bố một cách bình tĩnh và thậm chí khích lệ bố. Nhờ ơn Chúa, giờ đây bố con tôi có một mối quan hệ hòa thuận.

Tôi cũng nhẹ nhàng góp ý cho bố mẹ về những lời dễ gây tổn thương và khích lệ bố mẹ tránh những lời đó để ma quỷ không nhân dịp. Gần đây, tôi đã thấy nhiều cải thiện trong lời nói của bố mẹ. Gia đình chúng tôi cũng dành thời gian để cầu nguyện, học Kinh Thánh cùng nhau, và tương giao với Cha Thượng Thiên.

Kiểm soát lời nói dường như là một nhiệm vụ khó khăn nhưng hãy nhớ rằng chúng ta có thể nhờ cậy nơi sự giúp sức của Thánh Linh. Chúa Thánh Linh không những giúp chúng ta có động lực làm điều tốt lành mà còn ban cho chúng ta khả năng để làm điều đó. Điều chúng ta phải làm là mong muốn được thay đổi và cầu xin Chúa Thánh Linh giúp sức. Trong Đấng Christ, chúng ta là người chiến thắng.

Hãy cùng nhau cầm giữ môi miệng trong năm mới này!

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/