NGÀY NHẬN THỨC TỰ KỶ: TÔI ĐÃ HỌC CÁCH ĐỂ BƯỚC VÀO THẾ GIỚI CỦA HỌ

Nguồn: https://ymi.today/2019/04/autism-awareness-day-how-i-learned-to-enter-into-their-world/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đứa trẻ đó đã có một ngày rất tồi tệ. Có điều gì đó trong thói quen hằng ngày của cậu ấy thay đổi. Cậu ấy la hét, khóc lóc, chạy vòng vòng, đập bàn, đập tường và thậm chí là đập đầu mình. Khi mức độ buồn bực gia tăng, cậu ấy bắt đầu nắm áo và kéo tóc của tôi. Khi cậu ấy cào cấu tôi trong lúc giằng co, tôi nắm cổ tay của cậu bé và nói với giọng bình tĩnh: “Ui da, đau quá”.

Điều đó khiến cậu bé dừng lại. Rồi cậu ấy nhìn xuống vết cào xước đỏ xấu xí trên tay tôi, và nhận thức quay trở lại với cậu ấy. Cậu ấy nhìn tôi và bắt đầu khóc lần nữa – nhưng lần này vì lý do khác. Trong tiếng nức nở, cậu ấy nói: “Ôi không, cô Lydia buồn rồi, ôi không!”

Ý cậu ấy muốn nói là tôi bị đau. Và bởi vì cậu ấy biết cậu ấy đã làm tôi đau nên cậu ấy khóc.

Trong giây phút đó, tôi không thấy đau vì bị cào xước, mà tôi thấy đau trong lòng cho đứa trẻ này.

Là giáo viên dạy học sinh tự kỷ, tôi biết rằng chứng bệnh của đứa trẻ này đã khiến cậu bé không thể kiểm soát tâm trí của mình khi có một sự thay đổi dường như nhỏ bé nào đó trong sinh hoạt hằng ngày, khiến cậu bé không thể phản ứng cách có chừng mực. Khi nhận biết nỗi đau đã gây ra cho tôi, cậu bé thấy hối hận và tôi cảm thấy đau đớn cho đứa trẻ phải thường xuyên chiến đấu để kiểm soát hành động của mình bằng sự thấu cảm và quan tâm dành cho những người xung quanh.

Tháng 10 năm 2017, sau 13 năm cố gắng để hiểu và kết nối với các thanh niên ở Singapore để đem tình yêu của Chúa Jêsus đến với người tự kỷ, Chúa đã cho tôi có cơ hội làm giáo viên trọn thời gian trong ngành giáo dục đặc biệt ở một trường dành cho trẻ tự kỷ.

Khi tôi cân nhắc cơ hội đó, tôi đã nghĩ về Đại Mạng Lệnh mà Chúa Jêsus phán: “Hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta” (Ma-thi-ơ 28:9a). Tôi quen với việc nghĩ rằng “muôn dân” chỉ về những người từ các quốc gia, nhóm dân, dân tộc hay nền văn hóa khác nhau. Nhưng tôi không cần phải đi đâu xa. Tôi nhận ra rằng trẻ em tự kỷ sống xung quanh chúng ta, dường như rất khác biệt và xa lạ, cũng bao gồm trong từ “muôn dân” này.

Không giống như nhiều đặc điểm phân biệt ở trên, chứng tự kỷ không có dấu hiệu nào về thể chất. Dựa vào đặc điểm cơ thể, bạn không thể biết được ai đó bị chứng tự kỷ – nhưng thế giới bên trong của người tự kỷ rất khác với chúng ta. Thế giới của họ có văn hóa rất đặc biệt, trong thế giới ấy, thói quen hằng ngày và sự lặp lại chi phối, hình ảnh trực quan có giá trị hơn rất nhiều so với lời nói, ngôn ngữ rõ ràng thống trị thay vì những ẩn dụ và biểu hiện cơ thể, và môi trường hoàn hảo là khi những yếu tố như ánh sáng, âm thanh, nhiệt độ được giữ nguyên, không thay đổi.

Khi tôi cầu nguyện trong lúc quyết định, tôi cảm thấy rất nhiều khó khăn để áp dụng những nỗ lực mà tôi từng có với giới trẻ trong công việc trước đây, cho một nhóm đối tượng mà có lẽ ít được hiểu hơn và ít được xem trọng hơn trong xã hội của chúng ta. Nếu tôi có thể hiểu vùng an toàn của những đứa trẻ này và sẵn sàng bước vào đó dù vô cùng xa lạ đối với tôi, nếu tôi có thể nói được tiếng nói của chúng bằng hình ảnh mà chúng hiểu… có lẽ tôi sẽ có cơ hội để giới thiệu với chúng về Đấng tạo dựng chúng, tôi sẽ có thể gieo ra hạt giống về Đấng Cứu Chuộc của chúng, và tiếp tục làm tất cả điều đó cho đến một ngày chúng biết Ngài.

Chấp nhận vị trí giáo viên trọn thời gian trong mảng giáo dục đặc biệt là bước đầu tiên của tôi để bước vào một thế giới đầy xa lạ – đây là khởi đầu của cuộc phiêu lưu tuyệt vời.

Nhận thức về chứng tự kỷ

Tự kỷ là một chứng bệnh kỳ lạ. Có nhiều định nghĩa chuyên môn khác nhau cho chứng bệnh này. Một số gọi đó là khuyết tật, số khác xem đó là chứng rối loạn phát triển.

Chứng tự kỷ có những đặc điểm như quá nhạy cảm hay kém nhạy với những cảm giác như âm thanh, ánh sáng, sờ chạm. Những người mắc chứng tự kỷ thường khó hiểu được các tín hiệu giao tiếp và đoán được những biểu hiện. Do đó, đôi khi phản ứng của họ dường như không thích hợp hoặc gây tổn thương. Họ dựa vào những thói quen lặp đi lặp lại và những gì thường lệ, do đó, sẽ vô cùng khó khăn cho họ khi đối diện với một môi trường không ngừng thay đổi và những mối quan hệ thay đổi liên tục.

Tôi nghĩ những người mắc chứng tự kỷ chỉ là họ đang sống dưới một quy chuẩn khác – thuộc về trí tuệ, cảm xúc hay xã hội. Thế giới của chúng ta không tốt hơn thế giới của họ, mà chỉ đơn giản là khác biệt thôi. Cũng giống khi chúng ta đến với một đất nước xa lạ, với một nền văn hóa hoàn toàn khác. Nhưng bởi vì chúng ta không hiểu thế giới của họ, nên có thể chúng ta thấy những cách phản ứng hay cư xử của họ là “phiền toái” hay “đáng sợ”. Điều thú vị là dù chúng ta thấy những hành vi của họ là “đáng sợ”, nhưng điều mà chúng ta có lẽ không nhận ra là họ thấy chúng ta cũng thật khó đoán và khó hiểu, nên cũng “đáng sợ” và “phiền toái” như vậy.

Tuy vậy, nếu chúng ta đặt ra mục tiêu kết nối với họ, thì sự khám phá có thể sẽ thật hấp dẫn và tuyệt vời. Suy cho cùng thì Chúa ngự trong thế giới của họ cũng như Ngài ở trong thế giới của chúng ta… chúng ta chỉ mới bước vào và khám phá điều Đức Chúa Trời đang làm trong chỗ của họ.

Học từ các học sinh mắc chứng tự kỷ của tôi

“Wow, để làm công việc này, chắc bạn phải rất kiên nhẫn…

Đây là lời tôi thường nghe nhất mỗi khi chia sẻ về công việc hiện tại của mình. Với cái gật đầu mỉm cười, Chúa cũng nhắc tôi phải hiểu rõ: “Dạy bất kỳ đứa trẻ nào, hay phục vụ bất kỳ ai cũng đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn, dù là người bình thường hay đặc biệt”. Và mới đây, Chúa đã dạy tôi rằng: “Kiên nhẫn là một đức tính tốt”. Điều đó giúp tôi nhớ rằng bằng nhiều cách, học sinh của tôi đang dạy tôi rất nhiều điều tuyệt vời hơn những gì tôi dạy chúng.

Chẳng hạn, tôi biết rằng người mắc chứng tự kỷ thường được mô tả là thiếu nhận thức xã hội hay bàng quan với việc xây dựng mối quan hệ. Tuy nhiên, một em học sinh của tôi đã chứng minh mô tả này là sai. Một lần họ, khi cậu ấy thấy một bạn khác la hét, khóc lóc và đập chân lên sàn nhà nên một số giáo viên phải ngăn giữ bạn ấy lại, cậu bé này rất buồn và khóc. Cậu nắm chặt tay tôi, trong lúc khóc nức nở chỉ về phía người bạn ấy, cậu bé dùng hết sức kéo tôi và giục tôi giúp bạn mình. Trong trường hợp này, cậu bé ấy đã cảm thấy rất cảm thông với đứa trẻ buồn bực này và rất muốn xoa dịu bạn mình. Cậu bé ấy chỉ không biết phải làm thế nào.

Cậu học trò của tôi đã thể hiện mức độ thấu cảm và trắc ẩn ở một mức độ mà nhiều người bình thường có lẽ không có. Theo một cách nào đó, những phản ứng của cậu ấy với mọi người xung quanh đã khiến tôi phải chậm lại để suy nghĩ về cảnh ngộ của người khác. Việc cậu học trò này cố nài tôi giải quyết tình cảnh của bạn khác và muốn tôi đi đến xoa đầu dỗ dành bạn ấy khiến tôi nghĩ rằng dù chúng ta có thể bỏ qua một vấn đề nào đó bởi vì đã có người chịu trách nhiệm, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta dừng lại và giúp đỡ… ngay cả khi chỉ là một lời nói hay hành động an ủi. Trong khi tôi có thể dạy đứa trẻ này về những kỹ năng cứng như đọc và viết, cậu ấy đã giúp tôi nhận ra rằng mình thật thiếu lòng trắc ẩn đối với những người xung quanh.

Mặc dù công việc dạy học sinh tự kỷ rất tuyệt vời, nhưng cũng có những ngày tôi thất vọng và bối rối trước những hành vi và phản ứng của học trò mình. Có những ngày thì những bình luận thẳng thắn và ngây thơ của chúng khiến tôi bật cười. Có những ngày bất kể tôi cố gắng thế nào để kiên nhẫn, cảm thông và làm bạn với chúng, tôi vẫn không thể làm yên lòng chúng được – bên cạnh việc không nhận được sự đáp lại nào, tôi phải hứng chịu cơn giận của chúng. Và với nhiều nghề, một “ngày làm việc vất vả” có lẽ không bao gồm sự cảnh giác cao độ mà bạn cần có để phản ứng nhanh chóng và thích hợp với bất kỳ tình huống căng thẳng nào.

Công việc này không dễ dàng chút nào, dù là trong tưởng tượng. Nhưng khi bạn có thể chứng kiến những bước đầu tiên khi các học sinh này học từ ngữ, tự làm một nhiệm vụ về kỹ năng sống, hay thậm chí khi chúng nhìn bạn mỉm cười, bạn sẽ thấy rất vui trong lòng và sẽ không kể về những khó nhọc của mình nữa mà chỉ kể về niềm vui.

Tôi không đặt hy vọng nơi chiến thuật hay sức lực của mình, nhưng đặt hy vọng nơi Đức Chúa Trời, Đấng tạo dựng những đứa trẻ này theo hình ảnh Ngài, và nơi Đức Thánh Linh là Đấng có thể bước vào tâm trí và tấm lòng của chúng theo cách mà tôi không thể. Niềm hy vọng của tôi ở trong Đấng Christ, Đấng đã giao phó cho tôi Mạng Lệnh phải đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ngài, và dạy điều răn của Ngài cho họ. Vì vậy, khi tôi cảm thấy nặng nề với công việc khó khăn trước mắt, tôi luôn cầu nguyện. Tôi cầu xin Đấng Christ đổ đầy tấm lòng của tôi bằng tình yêu Ngài để tôi có thể yêu thương những trẻ tự kỷ này nhiều hơn. Tôi cầu xin Đức Thánh Linh giúp tôi hiểu tâm trí và tấm lòng của chúng. Tôi cầu xin Đức Chúa Trời ban cho tôi sự khôn ngoan để tôi biết được đâu là điều tốt nhất cho chúng.

Không phải tất cả chúng ta điều được kêu gọi đầu tư thời gian vào những công việc trọn thời gian để phục vụ những người đặc biệt đang cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng. Nhưng tất cả chúng ta điều được kêu gọi “yêu người lân cận như chính mình” – điều răn thứ hai (Mác 12:31). Vì vậy, có lẽ chúng ta có thể bắt đầu ngay tại đó, để cầu nguyện rằng tình yêu của chúng ta dành cho Chúa sẽ tuôn tràn đến với những người xung quanh – để chúng ta sẽ không đoán xét họ qua cách họ hành xử bên ngoài, qua trường mà họ học, qua khả năng nói của họ hay sự đóng góp của họ cho xã hội. Chúng ta hãy yêu thương những người mắc chứng tự kỷ như Đấng Christ yêu thương chúng ta.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/