NHỮNG MÓN ĂN TRONG KINH THÁNH

Nguồn: https://ymi.today/2020/11/food-facts-from-the-bible/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Minh họa: YMI X Rachel Tan (@rae.tee)

Thức ăn làm chúng ta no nê và cung cấp nguồn dinh dưỡng. Thức ăn tạo ra sự kết nối và thể hiện con người của chúng ta. Khi chúng ta ăn tối cùng gia đình và bạn bè thì việc ấy không chỉ có nghĩa là lấp đầy bụng trống mà còn có nghĩa là mời người khác bước vào trái tim và cuộc đời của chúng ta, qua những câu chuyện được chia sẻ và trao đổi với nhau trên bàn ăn.

Thức ăn cũng có những ý nghĩa thuộc linh. Dưới đây là những món ăn từ Kinh Thánh gắn với những sự kiện và bối cảnh quan trọng, nhắc nhở chúng ta về những điều kỳ diệu và những chân lý của Đức Chúa Trời.


1. Nhắc nhở rằng thân thể của Chúa Jêsus đã tan nát để chúng ta được tự do

Chúa Jêsus đã có bữa ăn cuối cùng với các môn đồ vào đêm trước khi Ngài bị bắt. Tại bàn tiệc, Ngài đã bẻ bánh rồi lấy chén nước nho và trao cho họ. Chắc hẳn các môn đồ rất ngạc nhiên khi Chúa Jêsus cầm lấy bánh và phán: “Hãy lấy, ăn đi. Đây là thân thể ta”, rồi Ngài cầm chén nước nho, phán rằng “Tất cả các con, hãy uống đi!” (Ma-thi-ơ 26:26-29).

Ngày nay, Tiệc Thánh được xem như lời nhắc nhở về sự hy sinh của Chúa Jêsus để chúng ta được sống đời đời với Ngài trên thiên đàng.

Bánh và nước nho nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Jêsus là bánh của sự sống (Giăng 6:48) và Ngài là Đấng duy nhất có thể thỏa đáp sự đói khát của chúng ta (Ma-thi-ơ 5:6).


2. Nhắc nhở về sự chu cấp dư dật của Chúa dành cho chúng ta

Người đàn bà góa không có tiền để trả nợ, và chủ nợ dọa bắt con trai của bà làm nô lệ. Trong lúc tuyệt vọng, bà đã chạy đến cầu xin tiên tri Ê-li-sê giúp đỡ, và ông đã bảo bà làm một điều khá kỳ lạ: mượn thật nhiều bình không của những người láng giềng, rồi về nhà đóng cửa lại, đổ số dầu ít ỏi còn lại vào tất cả các bình đó, rồi đem bán tất cả số dầu đó.

Rồi điều kỳ diệu nhất đã xảy ra: dầu trong bình không ngừng chảy và bà đã cố gắng để đổ đầy tất cả các bình. Bà đem dầu đi bán trả nợ, và sinh sống với số dầu còn lại.

Số dầu ô-liu ít ỏi nhắc nhở chúng ta rằng Chúa là Đấng chu cấp của chúng ta, Ngài có thể đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta.

Đọc II Các vua 4:1-7


3. Nhắc nhở về tình yêu vô điều kiện và bất diệt của Chúa dành cho chúng ta

Chúa truyền cho dân Y-sơ-ra-ên giết chiên con đực một tuổi không tì vết vào đêm xảy ra tai vạ cuối cùng, là khi mọi con trai đầu lòng của nhà người Ê-díp-tô sẽ bị giết. Những chỉ dẫn của Chúa dành cho dân Y-sơ-ra-ên rất cụ thể: khi giết chiên con, họ không được làm gãy bất kỳ xương nào, máu nó phải được dùng để bôi lên khung cửa. Chúa sẽ “vượt qua” những nhà nào có máu bôi trên cửa trước.

Đó cũng là hình bóng về Chúa Jêsus, Chiên Con của Đức Chúa Trời (Giăng 1:29). Thân thể của Ngài đã tan nát trên thập tự giá vì chúng ta, tuy vậy không có xương nào của Ngài bị gãy. Được bao phủ bởi huyết Ngài, chúng ta “vượt qua” sự chết mà đến sự sống đời đời với Ngài.

Chiên con là lời nhắc nhở về tình yêu hy sinh bền vững của Chúa Jêsus dành cho chúng ta.

Đọc Xuất Ê-díp-tô ký 12:1-29


4. Nhắc nhở rằng Chúa khiến cuộc sống của chúng ta trở nên ngọt ngào

Lời Chúa là thức ăn cho tâm linh của chúng ta. Lời Ngài đầy thần linh và sự sống (Giăng 6:63), ngọt hơn mật ong trong miệng chúng ta (Thi Thiên 119:103). Ngài tuôn đổ tình yêu và lời hứa của Ngài trên cuộc đời chúng ta. Hãy nếm thử và nhận biết Chúa tốt đẹp dường bao (Thi Thiên 34:8).

Sự tốt lành của Cha Thiên Thượng sẽ tự nhiên được bày tỏ trong cách cư xử và lời nói của chúng ta. Nguyện mọi hành động và lời nói của chúng ta luôn đầy ân hậu (Cô-lô-se 4:6) bởi vì lời nói ân hậu giống như tàng ong, ngon ngọt cho tâm hồn và khỏe mạnh cho xương cốt (Châm ngôn 16:24).

Tàng ong là lời nhắc nhở rằng Chúa khiến cuộc sống của chúng ta trở nên ngọt ngào.


5. Nhắc nhở rằng Chúa xác nhận người Ngài bổ nhiệm

Cây gậy của A-rôn đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô. Cây gậy đó biểu tượng cho thẩm quyền, được Chúa sử dụng để thực hiện nhiều phép lạ như biến thành con rắn trong cung điện của Pha-ra-ôn, biến nước thành máu và đem đến tai va muỗi và ếch nhái.

Khi người Lê-vi bất bình vì Chúa trao thêm thẩm quyền cho A-rôn và con trai ông là các thầy tế lễ, Chúa đã làm cho cây gậy của A-rôn trổ hoa để xác nhận A-rôn là người được Ngài bổ nhiệm.

Hạnh nhân là lời nhắc nhở rằng Chúa xác nhận người Ngài bổ nhiệm.

Đọc Dân số ký 17

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/