NHỮNG NGƯỜI BỊ KHƯỚC TỪ VÀ ĐẤNG CỨU CHUỘC
Khi nhìn vào cuộc đời của Chúa Jêsus, chúng ta thấy rằng Ngài đã đến với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội vì tội lỗi, nỗi hổ thẹn, sự phán xét hoặc thậm chí là vì khiếm khuyết trên cơ thể và bệnh tật.
Nhưng khi suy ngẫm kỹ hơn về những cuộc gặp gỡ này, chúng ta sẽ thấy rằng Chúa Jêsus không chỉ đến với những người yếu thế mà Ngài còn có thông điệp cho chúng ta.
Một người đàn bà tội lỗi đã đến gần Chúa Jêsus, rửa chân cho Ngài bằng nước mắt và dầu thơm. Một người Pha-ri-si tên là Si-môn đã chỉ trích Chúa Jêsus vì kết giao với “hạng người này” (c.39).
Nhưng Chúa Jêsus đã kể một dụ ngôn để bênh vực hành động thể hiện tình yêu lớn lao của người đàn bà này đối với Đấng Cứu Chuộc của bà – Đấng đã tha thứ cho bà rất nhiều.
Những lời cuối cùng của Chúa Jêsus nói với người đàn bà này là: “Đức tin của con đã cứu con; hãy đi bình an”.
Trong câu chuyện này, chúng ta chứng kiến sự tha thứ rời rộng của Chúa Jêsus và điều đó cho phép những người tội lỗi như chúng ta được bước vào mối liên hệ với Ngài!
Những người chứng kiến đều chế giễu khi Chúa Jêsus muốn vào nhà Xa-chê vì ông là người thâu thuế – công việc được xem là phản bội người Do Thái, hô hào và gian lận vì lợi ích cá nhân.
Nhưng Xa-chê vui mừng chào đón Chúa Jêsus, và thay vì tiếp tục đi trên con đường tội lỗi, ông ngay lập tức tuyên bố sẽ chia một nửa tài sản của mình cho người nghèo và sẽ đền gấp bốn lần những gì ông đã làm thiệt hại của bất kỳ ai (c.8).
Khi Xa-chê nhận được sự tha thứ của Chúa Jêsus, ông được thúc giục để làm hòa với những người mà ông đã phạm lỗi.
Nguyện chúng ta cũng được thôi thúc để làm điều tương tự khi tiếp nhận sự tha thứ của Chúa Jêsus!
Trong khi dùng bữa tại nhà của một vị lãnh đạo và là giáo sư lỗi lạc, Chúa Jêsus đã đặt ra một thách thức cho chủ nhà.
Ngài nói rằng thay vì mời bạn bè, gia đình hoặc những người hàng xóm giàu có đến ăn tối, ông nên mời những người không thể trả ơn – người nghèo, tàn tật, què quặt và đui mù.
Tại đây, Chúa Jêsus nhắc nhở chúng ta phải yêu thương và phục vụ người khác. Ngay cả khi họ không thể trả ơn thì chúng ta cũng sẽ được phước (c.14).
Trong khi chờ đợi các môn đồ tại giếng nước bên ngoài một thành của vùng Sa-ma-ri, Chúa Jêsus đã gây ngạc nhiên khi trò chuyện với một người đàn bà Sa-ma-ri vô luân – người có ít nhất ba đời chồng, bị mọi người xa lánh.
Và Ngài đã bày tỏ với bà rằng Ngài chính là Đấng Mê-si-a mà mọi người trông đợi!
Người đàn bà vội vã trở về thành và chia sẻ với những người khác về cuộc gặp gỡ với Đấng Mê-si-a (c.29).
Qua lời chứng của bà, nhiều người trong thành đã tin nhận Chúa Jêsus. Khi đọc câu chuyện này, chúng ta được nhắc nhở rằng Đức Chúa Trời thường hành động thông qua những người không ai nghĩ tới để chia sẻ tin mừng về Chúa Jêsus!
Các môn đồ của Chúa Jêsus nhìn thấy một người mù và hỏi Chúa Jêsus điều gì đã khiến anh ta bị mù: tội lỗi của cha mẹ hay của anh ta.
Chúa Jêsus khiến họ ngạc nhiên khi nói rằng người đó bị mù không phải vì tội lỗi của chính mình hoặc của cha mẹ mình, nhưng anh ta bị mù để “công việc của Đức Chúa Trời được tỏ ra trong anh ta” (c.3).
Mặc dù chúng ta hay nhìn vào những khó khăn và cố gắng xác định nguyên nhân, nhưng thường thì nguyên nhân đơn giản là vì sự đổ vỡ của thế giới này.
Nhưng chúng ta được khích lệ để nhớ rằng Đức Chúa Trời không bị giới hạn bởi hoàn cảnh khó khăn, công việc của Ngài có thể được bày tỏ ngay cả trong nghịch cảnh!
“Người mạnh khỏe không cần đến thầy thuốc đâu, nhưng là người đau ốm. Ta đến không phải để gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội.” Mác 2:17
Minh họa: YMI x Zach Stuef (@stuefcreative)
Chuyển ngữ: Nhựt Hồng
Biên tập: ODB Việt Nam
Nguồn: https://ymi.today/2020/08/rejected-and-the-redeemer/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/