NHỮNG TRANH CÃI TRONG HỘI THÁNH:
VẤN ĐỀ KHÔNG NẰM Ở NHỮNG GÌ CHÚNG TA NÓI

Có nên cầu xin một sự chữa lành bằng phép lạ không? Chúng ta có được nói tiếng lạ không? Phụ nữ có được phép đứng lên tòa giảng để rao giảng không? Hội thánh có nên ủng hộ các luật chống đồng tính luyến ái không? Quan điểm của hội thánh đối với vấn đề phá thai là gì? Chúng ta nên làm gì với một mục sư phạm tội? Có bản dịch Kinh Thánh nào “chính xác” không? Chúng ta có thể sử dụng trống trong giờ thờ phượng chứ? Cơ Đốc nhân có được uống rượu bia không?

Những vấn đề này có thể thú vị khi bạn đang tranh luận với giới học giả, hoặc bạn đang đọc tin tức. Nhưng sẽ không dễ chịu chút nào khi sự tranh cãi làm mất sự hiệp nhất của hội thánh và gây chia rẽ thân thể của Đấng Christ, khi mà một nhóm thì nghĩ rằng mình đúng… và một nhóm thì cho rằng nhóm kia sai.

Xuất thân từ một hội thánh có truyền thống giữ quan điểm trung lập trong những sự thực hành và niềm tin mà không quá quan trọng với đức tin Cơ Đốc (hoặc có thể hiểu là những điều mà hội thánh tôi xem là không quá quan trọng), tôi đã khá sốc khi gần đây tôi tham gia một nhóm có lập trường mạnh mẽ về những vấn đề này.

Điều đang vô tình làm tôi buồn lòng chính là cách mà một số thành viên trong nhóm này cương quyết thể hiện lập trường của họ. Tôi đã quen với việc nghe mọi người đổ lỗi cho những khác biệt trong quan điểm và cách thực hành là do khoảng cách thế hệ, sở thích cá nhân, hoặc là sự trưởng thành đức tin (“Ôi, chúng tôi già rồi không hợp hát những bài hát thờ phượng kiểu hiện đại.”). Nhưng mà có vẻ như những người này có quan điểm hơi cứng nhắc. Đối với họ, không có gì quan trọng hơn giáo lý. Tôi thường nghe những câu như: “Ồ, Kinh Thánh nói như thế này cơ mà”. Điều đó khiến tôi muốn đáp lại với họ rằng – “Vậy thì mọi người khác đã giải thích Kinh Thánh sai rồi phải không?”

Một số hoạt động “Cơ Đốc” mà tôi từng làm bị lên án, và sự khắt khe mà tôi nhận được đã khiến tôi cảm thấy vừa bối rối vừa muốn chống trả. Một mặt, tôi bắt đầu nghi ngờ có lẽ nào những gì mình hiểu trong suốt thời gian qua là sai lầm chăng. Mặt khác, tôi cho rằng những người này chỉ đang là quá giáo điều hoặc thiếu sáng suốt trong việc họ giải thích Kinh Thánh.

(Tôi thực sự chưa tìm ra câu trả lời, nhưng những sự trăn trở ấy khiến tôi quay lại kiểm tra toàn bộ hiểu biết của mình về những vấn đề liên quan đến giáo lý và một lần nữa tôi lại tự hỏi: Liệu mình cũng đang phạm tội giáo điều chăng?)

Tuy nhiên, điều làm tôi đau lòng không phải là việc họ biện minh cho niềm tin của họ, mà chính là những gì họ nghĩ về những người có quan điểm đối lập. Và cách họ thể hiện những suy nghĩ này.

Có những lời nói đùa vô cảm. (Chẳng hạn, “Tôi không biết bạn đi về đâu, nhưng tôi sẽ lên thiên đàng đó”). Có những lời rập khuôn một kiểu. (Ví dụ, “Tất cả những người bên nhóm ân tứ/ bảo thủ đều như vậy đó”). Và cuối cùng dẫn đến sự hiểu lầm nhau bởi cớ quan điểm của bên khác biệt. (“Tất cả những người bên Ngũ Tuần khăng khăng là chúng ta phải thờ phượng theo cách này.” / “Tất cả những người bên truyền thống thì cứ quyết tâm chống lại điều này”).

Điều đó khiến tôi băn khoăn: Có nên hạn chế đem một số chủ đề ra để đùa cợt trừ khi chúng ta chắc chắn rằng chúng không gây vấp phạm cho người khác? Và chúng ta có biết rõ những điều mà bên kia làm và suy nghĩ không?

Một số hoạt động “Cơ Đốc” mà tôi từng làm bị lên án, và sự khắt khe mà tôi nhận được đã khiến tôi cảm thấy vừa bối rối vừa muốn chống trả. Một mặt, tôi bắt đầu nghi ngờ có lẽ nào những gì mình hiểu trong suốt thời gian qua là sai lầm chăng. Mặt khác, tôi cho rằng những người này chỉ đang là quá giáo điều hoặc thiếu sáng suốt trong việc họ giải thích Kinh Thánh.

Chắc chắn là sẽ có những sự cực đoan ở cả hai bên. Cảm ơn Chúa, tôi cũng đã gặp những tín hữu n Tứ và tín hữu Truyền Thống là những anh em không hề giáo điều như thường được mô tả, và họ có một tâm tình rất cởi mở. Một giáo sư Kinh Thánh mà tôi biết đã có lần giải thích như thế này: “Tôi thấy cả hai bên đều có những con người tin kính Chúa, vì thế mà tôi ngưng phán xét.”

Amen với lời này! Tình cờ câu nói đó đã giúp tôi thay đổi quan điểm của mình về Hội Thánh “truyền thống”. Tôi đã xưng nhận sai lầm của mình: Vâng lạy Chúa, con đã phạm lỗi vì mặc định tiêu cực cho những anh em mà con không đồng quan điểm với họ, và vị giáo sư Kinh Thánh này đã nhắc nhở con rằng con đã phán xét bất công và đầy thiên kiến ra sao.

Tôi tin rằng nan đề thật sự không phải ở chỗ anh em ở hai nhóm đối lập nghĩ gì về lập luận của nhau. Mà vấn đề là ở chỗ chúng ta nghĩ gì về nhau. Và là những gì mà chúng ta cho rằng anh em ở nhóm kia nghĩ.

Chúng ta nói lên sự thật… nhưng liệu chúng ta có nói bằng tình yêu thương không?

Tôi cho rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ giải quyết được những vấn đề này. Khi vấn đề không phải nằm ở chỗ giải nghĩa Lời Chúa, là điều mà tôi nghĩ là quan trọng cần bảo vệ. Chúng ta chỉ biết chính xác câu trả lời khi chúng ta gặp Chúa.

(Đôi lúc tôi tưởng tượng mình hỏi Chúa rằng ai đúng và ai sai đối với những tranh cãi không liên quan đến sự cứu rỗi như thế này, Ngài sẽ chỉ cười hiền từ và nói: “Các con yêu dấu của Ta, cả hai đều đúng! Miễn là các con cứ tin Ta, theo Ta, tôn kính Ta trong niềm tin của các con và sống trung tín thì các con đã làm đúng”).

Nhưng có lẽ chúng ta vẫn có thể làm một điều gì đó đối với những sự khác biệt này. Có lẽ chúng ta có thể nỗ lực hết mình để nói ra và cố gắng để đạt được sự đồng thuận theo cách tin kính. Có thể chúng ta tìm cách để tiếp tục cùng thờ phượng Chúa và làm việc chung với nhau mà không để cho niềm tin của mình gây chia rẽ thân thể của Đấng Christ. Suy cho cùng thì cách chúng ta thực hiện cũng quan trọng như những gì chúng ta làm.

Ê-phê-sô 4:2-3 nói đến cách tôn vinh Chúa khi giải quyết vấn đề với anh em cùng đức tin. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Phải hết sức khiêm nhu, mềm mại và nhẫn nhục, hãy chịu đựng lẫn nhau trong tình yêu thương. Cố gắng duy trì sự hiệp nhất của Thánh Linh bằng sợi dây hòa bình.”

Kinh Thánh không nói bất cứ điều gì về việc phải gắng sức để đạt được sự đồng thuận về mọi việc. Nhưng Kinh Thánh chỉ khuyên chúng ta phải có cách tiếp cận và thái độ đúng đắn.

Nó có nghĩa là hãy đem những điều đó ra thảo luận với tâm tình hết sức khiêm nhường, mềm mại, kiên nhẫn, và yêu thương. Và cũng có nghĩa là mục đích cuối cùng không phải để ép buộc các anh em khác phải chấp nhận quan điểm của chúng ta, nhưng là để duy trì sự hiệp nhất giữa các tín hữu.

Chúng ta có bước vào cuộc nói chuyện với mục đích để chiến thắng không? Chúng ta có hạ bệ người khác để cho quan điểm của mình được công nhận không? Chúng ta có tức giận mà rời khỏi cuộc tranh luận bởi cớ người ta không chịu nhường mình? Chúng ta có đem Lời Chúa ra để công kích lẫn nhau không? Chúng ta có tìm cách chia ra rạch ròi và chia rẽ hội thánh thành phe đồng tình và phe “những người vô tín” hay không?

Hoặc, chúng ta có chịu giải thích quan điểm của mình một cách mềm mại và nhẫn nhục, sẵn sàng đợi Chúa thuyết phục lòng anh em mình vào đúng thời điểm của Chúa và theo cách của Ngài – bên cạnh đó, chúng ta sẵn lòng chấp nhận rằng mình có thể không hoàn toàn đúng? Và chúng ta có quan tâm nhiều đến sự tăng trưởng đức tin của anh em mình và mối tương giao của họ với Chúa, hơn là đảm bảo rằng anh em mình phải hiểu mọi thứ theo cách đúng đắn (ví dụ như cách của mình) không?

Trong một bình luận được đăng lên gần đây đối với một điều gây tranh cãi đang diễn ra liên quan đến Luật chống đồng tính luyến ái ở Singapore thì William Wan là người lãnh đạo của Phong Trào Tử Tế Singapore đã nói một cách khôn ngoan nhất: “Mọi người ở cả hai nhóm đối lập đều tin rằng ông ấy đang nói lên sự thật. Nhưng vấn đề là liệu sự thật đó có được nói ra trong tình yêu hay không.”

Phần lớn chúng ta trở nên tức giận đối với vấn đề gây tranh cãi bởi chúng ta tin rằng những lời dạy dỗ sai lệch cần được sửa dạy. Cho dù điều đó là đúng thì vẫn có một chữ “nếu” to lớn, biết đâu các anh em kia cũng có suy nghĩ giống như mình – vậy có lẽ nào chúng ta vẫn không thể nói với nhau trong tình yêu thương? Khi có một cuộc tranh luận dữ dội xảy ra trong hội thánh được nhắc đến trong Tân Ước về vấn đề cắt bì cho người ngoại đã trở lại tin Chúa (Công Vụ 15:1-35), thì các vị sứ đồ cùng với các bậc trưởng lão đã thống nhất hướng dẫn các tân tín hữu này một cách ân cần, sử dụng những lời lẽ như: “Vì Đức Thánh Linh và chúng tôi đã đồng ý rằng chẳng nên chất thêm gánh nặng cho anh em, ngoại trừ những điều cần yếu này… Anh em giữ mọi điều ấy là tốt” (c.24-29)

Chúa Jêsus cũng phân biệt giữa những người bị kẻ khác khiến cho lầm lạc và những giáo sư giả là những kẻ tìm cách làm cho người ta hoang mang và lầm đường lạc lối. Trong khi Chúa không dùng Lời Ngài để quở trách giáo sư giả, Ngài cũng dịu dàng và thương xót những người bị dẫn dắt sai lạc. Mục đích chính của Ngài không phải là để dập tắt cuộc tranh luận, nhưng là để gây dựng người ta. Sứ đồ Phao-lô cũng dạy rằng: “Sửa dạy những người chống đối mình cách hòa nhã, mong muốn Đức Chúa Trời giúp họ ăn năn, nhận biết chân lý” (II Ti-mô-thê 2:25).

Nhưng thật trớ trêu là đôi khi chúng ta chu đáo và kiên nhẫn đối với người ngoại hơn là với anh em cùng đức tin. Chúng ta sẵn lòng hòa hảo với những người tìm kiếm và lắng nghe họ ngay cả khi chúng ta và họ hoàn toàn bất đồng quan điểm – nhưng chúng ta lại không làm thế với những anh em cùng đức tin có cách hiểu Kinh Thánh khác với mình. Tại sao vậy?

Và nếu như chúng ta vẫn chưa đạt đến một sự hòa hợp chung thì có lẽ cần nhìn vào những cái mà tất cả đều thống nhất, và gạt bỏ cái chưa đồng tình qua một bên. Sứ đồ Phao-lô nói: “Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một hi vọng; chỉ có một Chúa, một đức tin, một báp-têm; chỉ có một Đức Chúa Trời, Cha của mọi người, Ngài ở trên mọi người, giữa mọi người và trong mọi người” (Ê-phê-sô 4:4-6).

Dường như ông đang khuyên dạy rằng: “Anh em đừng tập trung vào những điểm còn bất đồng, nhưng hãy chú ý tới những cái chung giống nhau, rồi anh em sẽ nhớ lý do tại sao chúng ta là MỘT gia đình trong Đấng Christ.”

Điều đó có nghĩa là cuộc tranh luận cần dẫn đến một kết thúc làm cho người hòa thuận, chẳng hạn như: “Được rồi, chúng ta chưa nhất trí với nhau ở chỗ này. Nhưng chúng ta hòa hợp về điểm này. Hãy xem làm thế nào chúng ta có thể cùng thờ phượng Chúa và làm việc với nhau dựa trên đức tin chung đều đặt nơi Chúa Jêsus”.

Mục đích của chúng ta là nói lên sự thật, nhưng chúng ta cũng phải biết nói trong tình yêu thương.

Chuyển ngữ: Huyền Trang

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2018/10/controversies-in-church-its-not-about-what-we-say/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/