PETER VÀ DAY DAY: KHI CHÚA ĐEM CON GÁI 5 TUỔI CỦA CHÚNG TÔI ĐI

Tác giả: Ng Jing Yng
Dịch và biên tập: Lời Sống Hằng Ngày
Nguồn: https://ymi.today/2020/05/peter-and-day-day-when-god-took-our-5-year-old-daughter-away/

Đâu là sự yên ủi lớn nhất đối với cha mẹ khi đối diện với sự mất mát đột ngột và đau đớn?

Đối với Naw Day Day và chồng cô, Peter Wong, đó là câu hỏi mà họ đã phải vật lộn tìm lời giải đáp vào tháng Một năm nay, khi bi kịch thình lình ập đến, cướp đi Louise, cô con gái 5 tuổi yêu dấu của họ.

Hôm nay, Day Day có thể trả lời câu hỏi đó với sự quả quyết và tin chắc, rằng: “Louise biết Chúa, cháu biết Chúa Jêsus”. Day Day nhớ lại việc Louise chia sẻ về câu chuyện Chúa Jêsus bị “người xấu” (quân lính La Mã) giết chết vì tội lỗi của chúng ta và chữa lành cho người bệnh.

Cô cũng tin rằng Chúa đã chuẩn bị trước cho con gái của cô. Thực vậy, chỉ vài tháng trước khi qua đời, cô bé Louise vui vẻ đã tô màu một bức tranh về thiên đàng ở lớp Trường Chúa Nhật.

Đây là điều giúp họ chấp nhận việc sống tiếp cuộc đời còn lại trên đất mà không có sự hiện diện của con gái nhỏ.

pic 1


Khi bi kịch ập đến

Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 15 tháng 1, khi Louise nói rằng cháu bị tức ngực và đau bụng. Sau đó cháu sốt cao. Mặc dù lo lắng nhưng gia đình quyết định sẽ theo dõi tình trạng của cháu thêm một ngày nữa, trước khi thực hiện những bước tiếp theo.

Tuy nhiên, buổi trưa sau đó, Louise bắt đầu bị co giật. Đó chính là lúc Day Day biết có điều gì đó thực sự không ổn đã xảy ra và cô quyết định gọi cho Peter để nhanh chóng đưa con gái vào bệnh viện.

Khi đó, Louise cứ bất tỉnh, sau đó tỉnh lại, rồi lại bất tỉnh. Là người không thường xuyên sử dụng mạng xã hội, Day Day lúc đó đã phải bắt đầu kêu gọi bạn bè cầu nguyện cho Louise.

Sau khi được các bác sĩ cấp cứu kiểm tra, ngay lập tức, Louise được đưa vào đơn vị phụ thuộc cao (HDU). Peter và Day Day bắt đầu cầu khẩn với Chúa, mặc dù lời cầu xin của họ trái ngược nhau.

Cha của Peter đã từng ở trong trạng thái sống thực vật trước khi qua đời nên anh cầu xin Chúa hoặc là chữa lành cho Louise hoàn toàn hoặc đem cháu về với Ngài. Anh không muốn con gái bé nhỏ của mình phải chịu đựng tình trạng đau đớn giữa sự sống và cái chết.

Trái lại, Day Day nài xin Chúa “ban cho cô có cơ hội thứ hai để làm mẹ [của Louise] trên đất này”. Cô cũng nói rằng: “Tôi vẫn sẽ chăm sóc cho Louise nếu cuối cùng cháu phải rơi vào tình trạng sống thực vật. Tuy nhiên, nếu cháu phải chiến đấu quá nhiều giữa sống và chết, tôi sẵn sàng để cháu về với Chúa.”

36 giờ tiếp theo là quá trình hy vọng rồi lại thất vọng của đôi vợ chồng. Cuối cùng họ cũng được an ủi khi thoáng nhìn thấy con gái bé nhỏ của mình sau nhiều giờ chờ đợi.

Peter nói: “Chúng tôi thấy Louise qua cửa sổ phòng bệnh. Cháu được đặt nằm nghiêng, đôi mắt mở to nhưng không chớp. Tôi biết rằng cháu đã tới giai đoạn tổn thương não, và có thể cháu sẽ không qua khỏi.”

Sau đó, khi họ được cho phép vào thăm Louise, những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt Peter khi anh quan sát thấy “cơ thể của cháu đã lạnh khi tôi chạm vào và cháu được nối vào máy thở và máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn.”

Nhưng anh tiếp tục hát cho Louise nghe một trong những bài hát cô bé thường hát ở nhà thờ khi anh ngồi bên giường bệnh của con. Anh hát: “Cùng Christ đi trong chiếc thuyền, cùng cười trong mưa giông”, anh khen ngợi cô con gái bé nhỏ đã can đảm vượt qua cơn bão hỗn loạn này. Anh cũng tìm cách để đảm bảo với Louise rằng những đau đớn này sẽ chấm dứt khi cháu gặp Chúa Jêsus trên thiên đàng.

pic 2

Peter kể lại: “Tôi nói với Louise rằng cháu sẽ được gặp và vui chơi cùng những vị sứ đồ mà cháu đã từng được học biết trong lớp Trường Chúa Nhật. Đó cũng là cách để tôi an ủi chính mình, để được nhắc nhở rằng có một thiên đàng tốt đẹp vượt trổi hơn cuộc sống trên đất này.”

Đối với Day Day, mặc dù cô vẫn còn tranh chiến với việc để Louise về với Chúa, lời cầu xin của cô giờ đây đã thay đổi. Day Day xin Chúa cho Louise được sống cho đến khi bà ngoại của cháu (mẹ của Day Day) đang ở Myanmar và ông đỡ đầu của cháu đang ở Bangkok có thể kịp đến để nhìn thấy cháu lần cuối. Chúa đã nhậm lời cầu nguyện này – huyết áp của Louise tăng lên vào thời điểm đó, nhưng sau khi Peter bắt đầu cầu nguyện bên cạnh giường của cháu, huyết áp đã hạ xuống và duy trì ổn định cho đến khi mẹ của Day Day và ông đỡ đầu của cháu đến.

Ngay sau đó, chân tay của cháu bắt đầu sẫm màu lại, đó là dấu hiệu của việc suy yếu huyết áp. Và sau đó, nhịp tim của cháu ngừng lại.

Mất đi Louise

Louise qua đời khoảng 36 tiếng đồng hồ sau khi được đưa đến bệnh viện, lúc nửa đêm ngày 17 tháng Một. Tình trạng của cháu sau đó được chẩn đoán là một loại bệnh hiếm gặp về thần kinh, được gọi là bệnh viêm não hoại tử cấp tính ở trẻ em (ANEC), một căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các nước Đông Á, dù trước đó vẫn khỏe mạnh. ANEC có các triệu chứng đặc trưng như nhiễm trùng đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa và sốt cao kèm theo co giật cùng với sự thay đổi trạng thái ý thức nhanh chóng.

Nỗi đau của gia đình càng gia tăng khi phải hoãn lễ tang để đưa đứa con thứ hai, cậu con trai nhỏ Luke nhập viện theo dõi phòng ngừa, trong khi Day Day phải nằm ở một bệnh viện khác vì nhiễm cúm H1N1 cùng thời điểm đó.

Sau khi cháu Luke và Day Day lần lượt xuất viện trong hai ngày tiếp theo, gia đình bắt đầu chuẩn bị cho lễ tang của Louise. Peter nhớ lại cảm xúc lẫn lộn mà anh trải qua khi thi thể của con gái được đưa về nhà trong chiếc quan tài. “Đầu tiên khi nhìn thấy cháu, tôi có chút gì đó được yên ủi vì cuối cùng cháu cũng được về nhà, nhưng tôi rất đau lòng vì cháu về nhà khi không còn sống nữa.”

Trong buổi nhóm cầu nguyện lễ tang, gia đình đã chuẩn bị những hình ảnh của Louise với nhạc nền là bài “What A Wonderful World” (Thế Giới Diệu Kỳ), phiên bản của Celine Dion. Peter nói rằng: “Louise thích bài hát này, và đây cũng là cách cháu cảm nhận về thế giới: tuyệt vời, hồn nhiên và vui vẻ”.

Day Day cảm thấy rằng Chúa đã cho cô có ba ngày nghỉ ngơi ở bệnh viện và lấy lại sức để đối diện với khoảnh khắc đau đớn nhất sắp đến – lễ tang của con gái.

Cô nắm chắc lấy lời Chúa trong Giô-suê 1:9: “Chẳng phải Ta đã truyền phán với con sao? Hãy mạnh dạn, can đảm! Chớ run sợ, chớ kinh hãi! Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con vẫn ở cùng con trong mọi nơi con đi”, và cô được khích lệ khi biết rằng Chúa ở cùng với Louise cũng như cả gia đình trong hành trình đức tin này. Câu Kinh Thánh này cũng được khắc ở nơi yên nghỉ cuối cùng của Louise.

Cuộc đời của Louise là món quà

Giờ đây, bốn tháng sau, Day Day chia sẻ rằng điều khó khăn nhất không phải là lời cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho Louise không được nhậm. Thay vào đó là sự dằn vặt bởi cảm giác tội lỗi; sự hối tiếc lớn nhất của Day Day là không đưa Louise đến bệnh viện ngay lập tức, và cô tự hỏi liệu cô có thể làm nhiều điều hơn để cứu con mình.

“Tôi tức giận với bản thân mình vì đã không tin cháu (Louise). Đó là điều khiến tôi đau đớn nhất”, Day Day chia sẻ thêm. Dần dần cô mới thoát khỏi sự tự trách mình sau khi chồng cô và mẹ đỡ đầu ở bên cạnh cô và nhắc cô về sự tốt lành của Chúa.

Day Day cảm thấy biết ơn Chúa khi con gái của cô không còn phải chịu đau đớn nữa. Vị bác sĩ khoa nhi chịu trách nhiệm cho ca bệnh của Louise nói với Day Day rằng trong số ba ca bệnh hiếm này mà cô ấy phụ trách, không có đứa trẻ nào qua khỏi. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng không có phương pháp điều trị rõ ràng, cũng không có cách phòng ngừa nào cho căn bệnh này, và có ít hơn 10% bệnh nhân có thể hoàn toàn hồi phục. Trong những trường hợp hiếm hoi mà những bệnh nhân nhỏ tuổi sống sót thì cũng phải sử dụng thiết bị hỗ trợ suốt đời.

Nhìn lại, Day Day cũng nhận thức được rằng Chúa đã ban Louise cho vợ chồng cô như một “món quà”, tiếng cười vang của cháu đã đem đến phước hạnh cho vợ chồng cô trong năm năm qua và ban cho Luke có một người chị để cùng chơi đùa. Cô cũng nhớ lại khi Louise ra đời, cháu có nhịp tim không ổn định và dây rốn quấn quanh cổ cháu. Một ca mổ khẩn cấp đã được thực hiện để có thể cứu cả hai mẹ con.

Peter cũng nói rằng Louise là món quà đem đến sự vui mừng cho cuộc sống của cặp vợ chồng mới cưới. Ký ức đẹp đẽ nhất của Peter là “đưa Louise đến sân chơi, đẩy xích đu mạnh hết sức có thể cho cháu và chọc lét cháu khi cháu đề nghị điều đó”.

pic 3

Đối diện với cuộc sống sau mất mát

Tuy nhiên, nỗi đau đớn và sự buồn bã khi mất đi Louise vẫn rất sâu sắc. Peter chia sẻ: “Chúng tôi đã kinh nhiệm rất nhiều điều đầu tiên, nhưng ở khía cạnh ngược lại. Khi đứa con của bạn được sinh ra, sẽ có những lần đầu tiên như giờ đầu tiên, đêm đầu tiên khi trở về nhà.”

“Nhưng khi Louise qua đời, tôi phải từ từ đón nhận điều đó, giờ đầu tiên sau khi con qua đời, ngày đầu tiên… buổi sáng đầu tiên thức dậy và nhận ra rằng con đã không còn nữa.”

Anh nói thêm: “Cũng rất khó khăn khi tiếp tục cuộc sống mà không có Louise, và hồi tưởng những khoảnh khắc ngắn ngủi trong ký ức khi cháu còn hiện diện.”

Hai vợ chồng Peter giờ đây đang từng bước nhỏ cùng nhau để tạo ra nhiều ký ức mới trong khi vẫn ghi nhớ trong tim mình những khoảnh khắc hạnh phúc cùng với Louise.

Day Day nói rằng giờ đây vợ chồng cô kiên nhẫn hơn với Luke. Cậu bé hai tuổi thắc mắc không biết chị mình ở đâu, nhưng vẫn còn quá nhỏ để nhận biết mọi việc.

pic 4


Giữ vững niềm tin nơi Đức Chúa Trời tốt lành

Hai vợ chồng Peter hy vọng rằng câu chuyện của họ – dù đau đớn – sẽ đem lại vinh hiển cho Chúa và nhắc nhở mọi thành viên trong gia đình trân trọng nhau vì cuộc sống có thể có những bước ngoặt không ngờ. Họ nhận biết rằng có thể sẽ không có lời giải đáp đầy đủ cho những điều họ trải qua, nhưng họ nhận biết rõ sự an ủi không lay chuyển của Chúa trong suốt khoảng thời gian vô cùng đau buồn (Ca Thương 3:32-33).

Peter chia sẻ: “Chúng tôi vẫn rất nhớ cháu. Với cá nhân tôi, tôi đã khóc mỗi ngày khi nghĩ về cháu. Nhưng sự thử thách này giúp tôi hiểu rõ hơn điều Đức Chúa Trời cảm nhận khi Chúa Jêsus phải bước đi trên con đường thập tự giá. Nó cũng giúp cá nhân tôi hiểu được nỗi đau tột cùng khi nhìn thấy con mình phải chết.”

“Quá trình này thực sự tàn nhẫn nhưng tôi xem đây là đặc ân vô giá để được kinh nghiệm về Chúa cách cá nhân. Tôi vẫn không hoàn toàn hiểu hết về tình yêu của Chúa, nhưng sau khi Louise qua đời, tôi cảm nhận được chiều sâu trong tình yêu chân thật của Đức Chúa Trời khi Ngài ban Chúa Jêsus chịu chết trên thập tự giá vì chúng ta, tôi liên hệ điều đó với tình yêu thương vô bờ tôi dành cho con gái mình.”

Quan trọng hơn, tôi được nhắc nhở về tính cấp thiết của việc giúp con trẻ biết Chúa cách cá nhân.

Peter nói rằng: “Không bao giờ là quá trễ để giới thiệu Chúa Jêsus cho một đứa trẻ. Hạt giống này vô cùng quan trọng và chúng sẽ mang theo suốt cuộc đời.”

“Dù Ngài có làm cho đau buồn, Ngài vẫn thương xót theo lòng nhân từ cao cả của Ngài; Vì trong thâm tâm, Ngài không muốn gây khổ đau hoặc buồn bã cho con cái loài người.”- Ca Thương 3:32-33

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/