SIÊU VIỆT HƠN TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Có lẽ gần đây chúng ta nghe nhiều về trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ đang dần đi vào các lĩnh vực của đời sống con người. Trí tuệ nhân tạo được hiểu là máy móc có khả năng bắt chước các chức năng “nhận thức” giống như con người thông qua quá trình học tập các thông tin mà nó thu nhận. Công nghệ này đang được phát triển và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có y học. Dựa trên lượng thông tin khổng lồ thông qua máy học, trí tuệ nhân tạo có thể giúp bác sĩ đưa ra các chuẩn đoán và quyết định điều trị hiệu quả hơn.

Cảm tạ Chúa đã cho công nghệ phát triển trong thời đại chúng ta, qua đó mang đến hy vọng cho nhiều người được chữa bệnh nhanh chóng và hiệu quả. Tuy trí tuệ nhân tạo hỗ trợ y học nhưng công nghệ này vẫn có những hạn chế, đó là thông tin đầu vào phải tốt thì chẩn đoán mới chính xác. Ngoài ra, công nghệ chỉ hỗ trợ bác sĩ trong một số quy trình trong khám chữa bệnh. Nếu là bệnh nhân, điều chúng ta cần nhiều hơn như thế. Nhu cầu chữa lành nhắc chúng ta về Vị Bác sĩ vĩ đại nhất là Chúa Jêsus, Đấng tạo dựng và hiểu rõ chúng ta. Hãy xem cách mà Chúa Jêsus đã chữa lành người bại trong Phúc m Mác 2:1-12, qua đó chúng ta sẽ biết được quyền năng của Ngài giúp chúng ta qua ba điều sau đây.

Không chỉ cần sự chữa lành thân thể, chúng ta cần Đấng giải quyết gốc rễ vấn đề trong tâm linh

Thấy đức tin của họ, Đức Chúa Jêsus phán với người bại: “Hỡi con, tội lỗi con đã được tha.” (Mác 1:5)

Câu chuyện trong Phúc m Mác kể về một người bại đã được 4 người bạn khiêng đến với Chúa Jêsus bằng cách dỡ mái nhà để đưa xuống trước mặt Ngài. Với người bại, vấn đề của ông không chỉ là căn bệnh bại liệt trên thân thể. Chúa biết ông còn có một gánh nặng khác cần được cởi bỏ, đó là tội lỗi trong tâm linh. Ngài không chỉ chữa lành cho ông khỏi bệnh bại bằng Lời phán đầy quyền năng siêu nhiên, Ngài còn giải phóng tâm linh ông được tự do khỏi tội lỗi.

Khi biết các thầy thông giáo thắc mắc trong lòng, Chúa đã cho họ biết: ““Theo các ngươi, giữa việc bảo người bại liệt rằng: ‘Tội con đã được tha,’ và việc bảo: ‘Hãy đứng dậy vác giường mình mà đi’ thì việc nào dễ hơn? Nhưng, để các ngươi biết rằng Con Người ở thế gian có thẩm quyền tha tội” (Mác 2:9-10a).

Tình trạng của người bại nhắc nhở chúng ta về tình trạng bất lực của con người trước căn bệnh tội lỗi. Khi phạm tội, con người xa cách Chúa và vô vọng về tình trạng của mình. Chúng ta cần Vị Bác sĩ có quyền chữa lành căn bệnh tội lỗi của tâm linh. Giống như người bại, khi chúng ta đến với Chúa, Ngài đã giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự hư mất đời đời. Như tác giả Thi Thiên đã viết: “Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, chữa lành mọi bịnh tật ngươi” (Thi Thiên 103:3).

Chúng ta cần một Vị Bác sĩ cảm thông có thể chia sẻ với chúng ta

Thật, Người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh nỗi đau khổ của chúng ta. (Ê-sai 53:4)

Chúng ta có thể sử dụng công nghệ giúp chẩn đoán bệnh nhưng chúng ta không cần những bác sĩ rô-bốt. Vì khi cơn đau đến, chúng ta cần sự an ủi, cảm thông, thấu hiểu mà chỉ Vị Bác sĩ Jêsus đầy yêu thương mới có thể đáp ứng. Khi phải vật lộn với cơn đau trong thân thể, hay chứng nghiện ngập, hay những tội lỗi kín giấu, chúng ta cần một Vị Bác sĩ thấu hiểu nỗi đau của chúng ta. Chúa đã chịu chết vì cớ tội lỗi của chúng ta nên Ngài cảm thông và thấu hiểu những sự yếu đuối của chúng ta.

Đến gần Chúa, chúng ta có thể trình dâng những tổn thương, tan vỡ trong tấm lòng của chúng ta. Khi đó, bàn tay của Bác sĩ Jêsus sẽ nắm chặt bàn tay nhỏ bé của chúng ta để thêm sức cho chúng ta. Chúa không bao giờ bỏ mặc tình trạng của chúng ta. Chúa thấu hiểu những nỗi đau đớn trên thân thể cũng như tâm hồn của chúng ta và “bởi lằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh” (Ê-sai 53:5b).

Chúng ta cần Vị Bác sĩ phục hồi chúng ta mãi mãi

Ngài phán với người bại liệt: “Ta bảo con, hãy đứng dậy, vác giường và đi về nhà!” (Mác 2:10b)

Khi người bại gặp được Chúa, cuộc đời ông đã hoàn toàn thay đổi. Trước đây, ông chỉ có thể nằm im và cần sự hỗ trợ của người khác trong đời sống mình. Giờ đây, ông đã đứng dậy khỏi giường bệnh và tự do đi lại, thậm chí là vác được giường của mình. Khi kinh nghiệm phép lạ Ngài làm trên đời sống mình, ông đã tôn vinh Chúa (Lu-ca 5:25).

Khi chúng ta gặp Chúa và được Ngài tha thứ mọi tội lỗi, đời sống chúng ta sẽ được biến đổi. Chúng ta không còn ở trong tình trạng cũ với sự đau đớn và sự mặc cảm trong tâm linh. Chúa không chỉ giải thoát chúng ta khỏi bệnh tật mà Ngài còn chữa lành những tấm lòng tan vỡ của chúng ta. Chúng ta hãy tin cậy vào vị Bác sĩ vĩ đại, vì danh Ngài là Giê-hô-va Ra-pha (Xuất. 15:26), Đấng chữa lành và phục hồi cuộc đời chúng ta mãi mãi. Chúng ta tin rằng không có bệnh tật hay nan đề nào có thể cản trở sự chữa lành và phục hồi của Ngài trên đời sống của chúng ta.

Nhận biết và kinh nghiệm quyền năng chữa lành của Chúa, chúng ta có thể tôn vinh Ngài, đồng thời chia sẻ về tình yêu của Ngài cho những người xung quanh và đem họ đến gần Chúa giống như cách những người bạn của người bại đã làm.

Tác giả: Hồng Vinh

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/