SỰ NGUY HIỂM CỦA VI-RÚT BIẾN THỂ… VÀ VIỆC GIẢNG DẠY
Sự nguy hiểm của vi-rút biến thể… và việc giảng dạy
Đông Nam Á đang vật lộn với làn sóng Covid mới với sự thống trị của biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh hơn rất nhiều. Các biến thể mới đang thách thức nỗ lực chống Covid-19 của toàn cầu và khiến cho kế hoạch mở cửa trở lại của nhiều quốc gia tiếp tục bị trì hoãn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và rất nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á đang chạy đua với chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Nhưng liệu vắc-xin có hiệu quả để chống lại các chủng biến thể này của Covid-19 không? Liệu sẽ có nhiều đột biến hơn nữa, khiến chúng ta thậm chí còn dễ bị nhiễm bệnh hơn và khiến vắc-xin kém hiệu quả hơn không?
Khi suy nghĩ về những câu hỏi đáng lo ngại này, tôi chợt nghĩ đến mối nguy hiểm tương tự trong cách chúng ta hiểu Lời Chúa và đường lối Ngài: những lời dạy “biến thể” có vẻ như là sự dạy dỗ của Kinh Thánh, nhưng thực chất không phải vậy.
Kể từ thời của Hội thánh đầu tiên, những người theo Chúa đã phải đương đầu với những sự dạy dỗ “biến thể”, bóp méo sự dạy dỗ của Lời Chúa nhằm mục đích khiến cho các tín hữu bị lầm lạc. Chính Chúa Jêsus đã cảnh báo chúng ta rằng những giáo sư giả sẽ xuất hiện, ngụy trang như sói đội lốt chiên (Ma-thi-ơ 7:15). Họ tìm cách xuyên tạc Phúc Âm của Đấng Christ bằng cách giảng dạy “những lời êm tai”, như Phao-lô đã nói (II Ti-mô-thê 4:3).
Bảo vệ bản thân trước những sự dạy dỗ biến thể
Tôi đã học được rằng cách duy nhất để phân biệt đúng sai là noi theo điều mà các tín hữu tại Bê-rê đã làm khi họ nghe giảng Lời Chúa. “Ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh để xem những điều được nghe giảng có đúng không” (Công Vụ 17:11). Mặc dù lời giảng của Phao-lô khiến những người này cảm động, nhưng điều đó không khiến họ bỏ qua việc tra xét lại những gì ông đã dạy so với những gì Kinh Thánh nói.
Vì vậy, tôi đã tập nghe giảng theo cách tương tự. Sau khi nghe giảng, tôi sẽ tra xem Kinh Thánh để xác minh những gì tôi được dạy. Tôi xem lại các ghi chú mà tôi đã viết xuống và suy ngẫm về chúng. Với các bài giảng trực tuyến, tôi sẽ nghe lại thêm lần nữa để đảm bảo rằng tôi hiểu ngữ cảnh của các câu Kinh Thánh được trích dẫn và cách áp dụng.
Mặc dù mất nhiều thời gian, nhưng điều đó giúp tôi hiểu sâu hơn ý nghĩa cốt yếu của sứ điệp và xem thử cách giải nghĩa và áp dụng của người giảng có chính xác không.
Một điều nữa khiến tôi chú ý là: các tín hữu tại Bê-rê đã đầu tư thời gian và công sức vào những gì họ nghe, chứ không tập trung vào người giảng.
Sứ đồ Phao-lô chắc hẳn là một diễn giả vô cùng nóng cháy và thậm chí là đầy thuyết phục. Bởi vì ông nổi tiếng là một giáo sư uyên bác. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến tinh thần của các tín hữu ở Bê-rê: họ không bị Phao-lô làm cho say mê đến mức tin rằng bất cứ điều gì ông rao giảng đều đúng.
Tôi phải thú nhận rằng đôi khi, tôi dễ rơi vào suy nghĩ cho rằng sứ điệp từ một mục sư hoặc giáo sư nổi tiếng sẽ luôn chính xác và đáng tin cậy. Nhưng có lẽ điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Như với Covid-19, có lẽ chúng ta không biết sẽ có những giáo lý “biến thể” mới nào sẽ xuất hiện trong những ngày tới. Nhưng Lời Chúa sẽ bảo vệ chúng ta và cung cấp sức đề kháng thuộc linh để chúng ta đương đầu với những giáo sư giả và sự dạy dỗ sai trật. Nguyện chúng ta để Lời hằng sống của Đức Chúa Trời hành động trong chúng ta và giúp chúng ta phân biệt và nắm chắc điều gì là đúng (Hê-bơ-rơ 4:12).
Lạy Chúa, xin giúp con dành nhiều thời gian hơn để học Lời Ngài. Xin giúp con hiểu biết về Lời Ngài và đường lối của Ngài cách sâu sắc hơn, để con có thể phân biệt được đâu là sự dạy dỗ đúng đắn và đâu là sự dạy dỗ sai trật.
Tác giả: C.H. Tan
Nguồn: https://ourdailybread.org/spotlight-the-dangers-of-variant-viruses-and-teaching/. Sử dụng với sự cho phép của Our Daily Bread Ministries Singapore. Phần giới thiệu được cập nhật bởi người biên tập
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/