SUY NGHĨ VỀ HỘI THÁNH GIỮA ĐẠI DỊCH COVID-19
Các quốc gia trên khắp thế giới đã áp dụng những biện pháp khác nhau để hạn chế sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng. Vì lệnh cấm tụ tập đông người, Hội Thánh không thể tổ chức những buổi thờ phượng chung trực tiếp tại nhà thờ, mà phải nhóm lại bằng những hình thức khác.
Hội Thánh của tôi cũng không ngoại lệ. Hiện tại, các buổi thờ phượng Chúa Nhật được phát trực tuyến để các tín hữu tham dự nhóm tại nhà riêng và các chương trình sinh hoạt của ban ngành cũng được thực hiện qua các nền tảng họp trực tuyến. Trong thời điểm như thế này, chúng ta thật biết ơn Chúa vì nhờ có công nghệ kỹ thuật số mà chúng ta có cơ hội nhóm họp với nhau.
Tất cả những thay đổi này đã khiến tôi suy nghĩ về Hội Thánh. Có phải Chúa đang dùng khủng hoảng hiện tại để chúng ta suy nghĩ lại về đời sống Hội Thánh; qua đó, tái khám phá ý định thực sự của Chúa dành cho Hội Thánh của Ngài?
Tôi không cho rằng bản thân mình đã hiểu hết. Những gì tôi muốn chia sẻ ở đây không phải là những lời khẳng định chắc chắn, mà là những câu hỏi được đặt ra để chúng ta cùng nhau suy nghĩ và khám phá.
Điều gì làm nên một Hội Thánh?
Khi đọc về thời kỳ đầu của Hội Thánh trong thời Tân Ước, chúng ta thấy có một số điều rất quan trọng đối với các tín hữu ban đầu như: sự dạy dỗ của các sứ đồ, sự thông công với nhau, lễ bẻ bánh và sự cầu nguyện. Họ dùng bữa chung và giúp đỡ nhau trong những nhu cầu của đời sống (Công Vụ 2:42-47).
Điều thú vị là Tân Ước không đề cập sinh hoạt của hội thánh như cách Cựu Ước trình bày, với những quy định và luật thờ phượng được truyền dạy cách nghiêm ngặt, chi tiết và kỹ lưỡng. Nhưng Tân Ước cho chúng ta thấy những yếu tố quan trọng làm nên một Hội Thánh mà không trình bày cụ thể về cách thức thực hiện.
Tôi tin rằng có thể đây là cách Chúa mời gọi con dân Ngài sử dụng sự tự do Ngài ban cách khôn ngoan, sáng tạo và dùng khả năng suy xét của mỗi người để khám phá, bày tỏ và tận hưởng sự thờ phượng Chúa cùng với nhau. Khi chúng ta nhóm lại để khích lệ nhau về lòng yêu thương và việc tốt lành (Hê-bơ-rơ 10:24-25), Ngài muốn chúng ta suy nghĩ những cách thức để có thể thực hiện Điều Răn Lớn Nhất (Mác 12:29-31) và Đại Mạng Lệnh mà Chúa truyền cho chúng ta cách tốt nhất (Ma-thi-ơ 22:36-40; Công Vụ 1:4-8) – tùy vào hoàn cảnh cụ thể của cộng đồng nơi chúng ta sinh sống.
Tại sao chúng ta cần nhóm lại?
Tôi bắt đầu suy nghĩ về vấn đề này trong thời gian tôi không tham gia các buổi nhóm tại nhà thờ hoặc các nhóm nhỏ. Sau khi kinh nghiệm sự phục hưng trong mối quan hệ cá nhân với Chúa, tôi cảm thấy chưa sẵn sàng để đi nhóm tại nhà thờ. Vì vậy, tôi bắt đầu thờ phượng Chúa qua việc hát Thánh Ca, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện tại nhà riêng. Chúa đã phán với tôi qua những bài giảng trực tuyến mà tôi đã nghe. Khi gặp gỡ những người bạn Cơ Đốc, tôi cảm nhận được tình yêu của Chúa qua tình bạn của họ.
Đến khi tham dự lại những buổi thờ phượng tại nhà thờ, tôi đã tự hỏi: nếu tôi có thể tương giao với Chúa bằng sự thờ phượng cá nhân, thì tại sao tôi cần phải đi nhà thờ?
Đừng hiểu lầm ý tôi: tôi tin rằng sự thờ phượng Chúa cách cá nhân cũng như sự thờ phượng Chúa chung với tín hữu khác đều rất quan trọng. Tôi không nghĩ hai điều này loại trừ nhau, mà là hỗ trợ cho nhau. Nhưng điều khiến tôi tự hỏi đó là: Bản chất của việc nhóm lại tại nhà thờ là gì? Việc đó đem lại trải nghiệm gì mà chúng ta không thể có trong thời gian riêng tư với Chúa?
Suốt những năm loay hoay với câu hỏi này, tôi có dịp nghe mục sư Tan Soo-Inn người Malaysia chia sẻ một điều mà tôi rất ấn tượng. Ông tin rằng những người trẻ – nhưng tôi muốn nói rằng điều này áp dụng cho tất cả các Cơ Đốc nhân – trong thời đại ngày nay có thể dễ dàng tìm kiếm mọi thông tin bằng công nghệ kỹ thuật số. Nhưng những gì chúng ta thực sự cần là các mối quan hệ đích thực trong Hội Thánh, ở đó chúng ta có thể xử lý những thông tin và trả lời các câu hỏi về cuộc sống vì nó liên quan đến thế giới quan của Cơ Đốc Nhân.
Mục sư Sam Allberry đã nói về vấn đề này trong cuốn sách Is God Anti-gay? (tạm dịch: Phải Chăng Chúa Ghét Đồng Tính?): “[Hội Thánh] có thể không có những người nổi tiếng nhất, những người nói hay nhất, những nguồn tài nguyên ấn tượng nhất hoặc những nhà tư tưởng được ca ngợi nhiều nhất, nhưng Hội Thánh phải có những mối quan hệ tuyệt vời và thu hút người khác nhất”.
Vì Đức Chúa Trời, Cha của chúng ta đã nhận chúng ta làm con trai, con gái của Ngài (Ga-la-ti 4:4-7; II Cô-rinh-tô 6:18), nên chúng ta trở thành anh em, chị em, những người cha, người mẹ của nhau trong Đấng Christ (I Ti-mô-thê 5:1-2). Điều này khiến chúng ta trở nên những thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 2:19; II Ti-mô-thê 3:15) – là “gia đình của những người tin Chúa” (Ga-la-ti 6:10).
Điều này có ý nghĩa gì trong thực tế? Tôi hình dung rằng khi một gia đình yêu thương quây quần bên nhau thì sự hiện diện của từng thành viên sẽ làm tăng thêm niềm vui cho mọi người và sự vắng mặt của bất kỳ ai đó sẽ để lại một khoảng trống mà những người khác trong gia đình mong ước được lấp đầy bởi chính thành viên đó. Những mối quan hệ này được đánh dấu bởi sự mật thiết mà đòi hỏi nhiều nỗ lực, điều đó đến từ việc mọi người hiểu về nhau và biết cả sự yếu đuối của nhau. Hội Thánh là nơi mà mọi người cảm thấy được tự do và an toàn để yêu thương và được yêu thương – vì đó là điều Chúa kêu gọi họ – qua việc bày tỏ ân điển và lẽ thật.
Tôi nghĩ rằng tất cả những điều này sẽ giúp chúng ta hiểu thấu thước đo tuyệt vời hơn về tình yêu thương trọn vẹn của Chúa theo những cách mà chúng ta không thể tự mình làm được (Ê-phê-sô 3:14-19). Vì mỗi thành viên đều rất quan trọng trong cộng đồng, nên ai nấy đều đóng góp một phần đặc biệt trong hành trình kinh nghiệm Chúa của người khác.
Vậy thì, điều gì xảy ra nếu chúng ta không thể nhóm lại?
“Làm thế nào để các Cơ Đốc nhân vẫn có thể tiếp tục thực hiện sứ mạng của Hội Thánh đối với nhau và đối với thế gian, ngay cả khi chúng ta bị bắt bớ và không còn được tự do nhóm họp?” Đó là câu hỏi mà vợ tôi đã đặt ra vài năm trước, khi vợ chồng tôi trò chuyện với nhau về đời sống Hội Thánh.
Tôi cho rằng đó là câu hỏi đáng để suy nghĩ, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay, khi các Cơ Đốc nhân không thể nhóm họp trực tiếp. Câu hỏi đó khiến tôi suy nghĩ về cách tôi thờ phượng Chúa.
Hãy bắt đầu với vấn đề rõ ràng nhất: Khi nói đến việc thờ phượng Chúa qua âm nhạc, phải chăng tôi chỉ có thể hát thờ phượng Chúa khi có người hát dẫn và ban nhạc? Phải chăng tôi đang phụ thuộc vào ánh sáng mờ ảo, âm thanh của nhạc cụ hay máy phun sương để cảm nhận bầu không khí thờ phượng và “sự hiện diện của Chúa”? Mặc dù lệnh cấm tụ tập đông người chỉ tạm thời áp dụng trong thời gian này, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó Hội Thánh bị bắt bớ và không thể nhóm họp? Liệu tôi có biết cách nào khác để hướng lòng về Chúa và thờ phượng Ngài không?
Tôi nhận ra rằng nếu tôi cần những yếu tố bên ngoài để thờ phượng Chúa thì có lẽ tôi đang bỏ qua trọng tâm của sự thờ phượng. Vì vậy, việc đơn giản là học cách thoát khỏi “những thứ này”. Tôi cam kết với Chúa rằng, trong sự thờ phượng Chúa riêng tư hoặc chung với mọi người, tôi sẽ luôn để bản thân mình – cả tấm lòng và thân thể – hướng đến sự tôn kính Chúa, ngay cả khi tôi không quen thuộc hoặc không thích bài hát thờ phượng nào đó.
Đồng thời, nếu bản chất của sự thờ phượng là tôn vinh Chúa; chiêm ngưỡng vinh quang và vẻ đẹp của Ngài; bày tỏ tình yêu và lòng biết ơn đối với Chúa; nhắc nhở chính mình về bản tánh và quyền năng Ngài, cũng như cam kết đầu phục và dâng đời sống mình cho Chúa, thì chắc hẳn sự thờ phượng cũng gồm những hình thức khác ngoài âm nhạc. Chính phủ nước tôi cho rằng việc ca hát là hoạt động có nguy cơ cao phát tán dịch Covid-19, vì vậy những nơi thờ phượng được yêu cầu thay việc ca hát bằng những hình thức thờ phượng khác. Tôi thực sự hy vọng rằng điều này có thể thúc đẩy chúng ta tìm ra những phương cách thờ phượng mới không liên quan đến âm nhạc!
Tôi có một số ý tưởng như: ngắm thiên nhiên và để công trình sáng tạo của Chúa phán với chúng ta về bản tánh của Ngài, cùng nhau sáng tác một bài thi thiên, và bày tỏ lòng biết ơn Chúa qua các hình thức nghệ thuật khác, như điêu khắc, làm vườn, vẽ, nấu ăn, ngôn ngữ ký hiệu, kịch nghệ, v.v.
Liệu chúng ta có thể áp dụng ý tưởng trên cho những lĩnh vực quen thuộc khác trong Hội Thánh không? Việc rao giảng Lời Chúa có thể được thực hiện theo những cách khác ngoài việc truyền đạt một chiều không? Chúng ta có thể tiếp cận với sự giải nghĩa Kinh Thánh bằng cách nào khác hơn chỉ ngồi nghe không? Có cách nào khác để cầu nguyện và cầu thay cho nhau không? Có những cách nào mới để chúc phước và và nhận lãnh phước hạnh?
Chúng ta có thể thay đổi sinh hoạt của hội thánh thế nào để vẫn có thể nhóm nhau lại thờ phượng Chúa và phục vụ lẫn nhau, dù có được tiếp cận với những cách thức và phương tiện thờ phượng thông thường hay không – dù phải đối diện với sự bắt bớ hay cơn đại dịch?
Việc áp dụng điều này sẽ khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm của từng Hội Thánh địa phương cũng như bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị của mỗi quốc gia. Dù bằng cách nào đi chăng nữa, tôi tin rằng trọng tâm của Hội Thánh, trước hết và cuối cùng, là cùng nhau học cách yêu kính Chúa và yêu thương nhau, trong lúc tuân giữ những yếu tố cơ bản làm nên một Hội Thánh thật, như được mô tả trong Công Vụ 2:42-47.
Đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta rất nhiều cơ hội để suy xét lại về đời sống Hội Thánh. Chúng ta hãy suy xét về điều đó theo cách giúp tất cả chúng ta hiểu rõ hơn về tình yêu của Chúa thông qua tình yêu mà chúng ta bày tỏ với nhau; đến nỗi chúng ta có thể thu hút và mời gọi những người chưa tin đến để họ kinh nghiệm tình yêu đó qua cộng đồng đức tin của chúng ta!
Chuyển ngữ: Thanh Tuyền
Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày
Nguồn: https://ymi.today/2020/07/reimagining-church-amidst-covid-19-and-beyond/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/