TẠI SAO CHÚNG TA NÊN CẦU THAY CHO NGƯỜI KHÁC?

“Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn.”

Tôi tin rằng tất cả các Cơ Đốc nhân đều rất quen thuộc với câu nói này. Đây là câu trả lời mà chúng ta thường nhận được từ những anh chị em trong Chúa mỗi khi chia sẻ những khó khăn của mình.

Nhưng việc cầu thay có thật sự hiệu quả không? Tôi đã từng nghi ngờ về điều này. Nếu việc cầu thay thật sự có tác dụng, vậy tại sao những người thân chưa tin Chúa của tôi vẫn chối bỏ Ngài? Nếu việc cầu thay thật sự hiệu quả, tại sao những người bệnh vẫn chưa được hồi phục? Nếu việc cầu thay có năng quyền, tại sao những Cơ Đốc nhân trên thế giới vẫn còn bị bách hại?

Hơn thế nữa, chẳng phải Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri sao? Vậy thì ngay cả khi chúng ta không cầu thay cho người khác, Ngài vẫn sẽ biết những nhu cầu của họ, đúng không?

Cách đây không lâu, tôi đọc Kinh Thánh với mong muốn tìm ra lời giải đáp về vai trò và tầm quan trọng của việc cầu thay, hoặc đơn giản, lúc đó tôi chỉ muốn biết là Kinh Thánh nói gì về việc cầu nguyện cho người khác. Khi dành thời gian để đọc lời Chúa, tôi đã nhận ra năm bài học cho riêng mình. Những bài học này đã là nguồn khích lệ lớn cho tôi, thúc giục tôi tra xét lại những mối nghi ngờ của mình đối với việc cầu thay. Nếu bạn cũng đang có những nghi ngờ giống tôi, hy vọng những điều mà tôi chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn nhận ra tầm quan trọng của việc cầu thay cho người khác.

1. Cầu thay là điều làm vui lòng Chúa

Trong Ê-sai 59, Đức Chúa Trời lấy làm lạ và buồn lòng khi không một ai giúp đỡ hay cầu nguyện và cầu thay cho dân Y-sơ-ra-ên. Tiên tri Ê-sai viết trong Ê-sai 59:16 rằng:

“Ngài thấy không có người công chính nào cả, và ngạc nhiên vì không ai khẩn cầu. Ngài dùng chính cánh tay mình đem sự cứu rỗi đến; với sự công chính của Ngài hỗ trợ.”

Nếu chúng ta muốn làm vui lòng Chúa, chúng ta cần yêu thương người khác bằng cách cầu nguyện cho họ. Ví dụ như chúng ta có thể tham gia buổi hiệp nguyện hàng tuần tại nhà thờ để cầu nguyện cho những nhu cầu của hội thánh.

Đối với cá nhân tôi, tôi cảm thấy rất thất vọng về một số vấn đề của đất nước mình. Khi nhìn thấy thực trạng này, dễ lắm tôi từ bỏ việc cầu nguyện cho đất nước mình. Tuy nhiên, Chúa sử dụng câu Kinh Thánh trên để nhắc nhở tôi cứ kiên trì cầu nguyện bởi điều này khiến Chúa vui lòng và việc cầu nguyện cho người khác có sức mạnh rất lớn.

2. Chúa Jêsus và các môn đồ đã làm gương về sự cầu thay

Chúa Jêsus dạy chúng ta phải “thương yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con” (Ma-thi-ơ 5:44). Chính Chúa Jêsus đã làm gương khi Ngài cầu xin Đức Chúa Cha tha tội cho những kẻ bắt bớ Ngài. Thật dễ dàng để rủa sả những kẻ đóng đinh Ngài trên cây thập tự, nhưng Chúa Jêsus đã chọn cầu thay cho họ (Lu-ca 23:34). Chúa đã làm gương để chúng ta biết rằng mình cũng có thể làm điều tương tự như Ngài đã làm.

Chúng ta được an ủi khi biết rằng Chúa Jêsus quan tâm đến những ai cầu thay cho người khác. Trong ba năm chức vụ của Ngài trên đất, Chúa Jêsus đã đáp lại rất nhiều lời cầu thay. Điển hình như, thầy đội cầu xin sự chữa lành cho đầy tớ của mình (Ma-thi-ơ 8:5-13), người cai quản nhà hội cầu xin Ngài chữa lành cho đứa con gái bị đau nặng (Ma-thi-ơ 9:18-26), người cha cầu xin sự giải cứu cho đứa con trai bị quỷ ám (Mác 9:14-29), và nhiều lời cầu xin khác nữa. Vậy thì chúng ta có thể học theo những tấm gương này để cầu nguyện cho người mà chúng ta biết không?

Tôi có một danh sách những người mà mình phải cầu nguyện thường xuyên. Danh sách ấy bao gồm gia đình tôi vẫn chưa tin Chúa, những người bạn chưa trưởng thành trong đức tin, và những đứa trẻ mà tôi giúp đỡ qua tổ chức World Vision. Và điều khích lệ tôi trong sự cầu thay đó là nhìn thấy cách Chúa đáp lời cầu nguyện – một người bạn mắc bệnh trầm cảm đã bắt đầu trò chuyện với mọi người và cười nhiều hơn. Và tôi rất biết ơn Chúa về sự đáp lời của Ngài.

3. Cầu thay giúp chúng ta đến gần với tấm lòng của Chúa hơn

Chúa có kế hoạch trong mỗi quyết định của Ngài. Tội lỗi của thành Sô-đôm quá nghiêm trọng đến nỗi trong cơn giận, Chúa muốn tiêu diệt toàn thành phố này (Sáng Thế Ký 18).

Áp-ra-ham đã cầu xin cho dân Sô-đôm và thậm chí còn thương lượng với Chúa, ông cầu xin Chúa đừng hủy diệt thành này nếu như ở đó có mười người công chính. Chúa rất vui lòng với lời cầu xin của ông. Thực vậy, Chúa đã rất kiên nhẫn để trả lời ông.

Có lẽ Chúa vui lòng với lời cầu xin của Áp-ra-ham bởi vì điều đó chứng minh rằng ông yêu quý mạng sống của con người đến nhường nào. Tôi tin là Áp-ra-ham đã dần hiểu ra rằng Chúa yêu thương loài người hơn cả ông. Chỉ cần có một người công bình, Ngài sẽ tha tội cho thành đó.

Cuối cùng, Chúa đã sai thiên sứ đến giải cứu cháu của Áp-ra-ham, tức là Lót và gia đình trước khi thành Sô-đôm bị hủy diệt. Một lần nữa, Chúa đã bày tỏ sự nhân từ và tình yêu của Ngài. Do đó, khi chúng ta tiếp tục cầu thay cho người khác, chúng ta sẽ dần hiểu được tấm lòng của Ngài.

4. Cầu thay giúp chúng ta cảm thông với người khác hơn

Khi chúng ta cảm thấy bất lực và không đủ khả năng để giúp đỡ người khác vượt qua những khó khăn của họ, đừng quên rằng Cơ Đốc nhân có năng quyền của sự cầu nguyện. Chúng ta có thể không hiểu hết những gì mà một người đang trải qua, nhưng bởi sự cầu nguyện liên tục, chúng ta học cách đặt mình vào vị trí của người khác và cảm thông với họ.

Khi tôi cầu nguyện cho các nhà truyền giáo, tôi có thể hình dung được sự khó khăn khi họ phải sống xa nhà, một mình ở một đất nước khác.

Khi tôi cầu nguyện cho những anh chị em trong Chúa đang bị bắt bớ, tôi có thể hiểu được nỗi đau của họ.

Trên hết, những người đó sẽ được khích lệ để tiếp tục giữ vững đức tin khi họ biết rằng vẫn có ai đó đang cầu thay cho họ. Khi cảm thông với người khác, chúng ta đang bày tỏ tình yêu của Chúa và đem lại sự an ủi cho họ trong nghịch cảnh.

5. Cầu thay giúp chúng ta chia sẻ gánh nặng cho nhau

Nan đề sẽ không được giải quyết ngay lập tức sau khi chúng ta cầu nguyện cho người khác. Nhưng Đức Thánh Linh có thể an ủi và giúp họ vững lòng.

Khi tôi theo học thạc sĩ ở nước ngoài, tôi đã bị choáng ngợp trước khối lượng lớn bài tập phải hoàn thành. Tôi đã không muốn chia sẻ những áp lực của mình cho gia đình vì sợ họ phải lo lắng cho tôi. Nhưng vì sống một mình ở đất nước khác, tôi cũng không có bạn bè để tâm sự. Cho đến một lúc, tôi đã muốn từ bỏ và dự định trở về nước.

Mang trên vai mọi gánh nặng, tôi đến một buổi hiệp nguyện tại nhà thờ, nơi một nhóm chị em trong Chúa đã cầu nguyện cho tôi. Khi họ cầu nguyện, nước mắt tôi tự nhiên tuôn trào và tôi có thể cảm nhận được những gánh nặng ấy được trút bỏ dần.

Hiện tại, tôi đang theo học bằng tiến sĩ. Mặc dù khối lượng công việc vẫn rất lớn và đôi khi tôi cảm thấy muốn bỏ cuộc, nhưng tôi biết rằng vẫn có ai đó đang cầu thay cho mình. Nhờ đó tôi được phục hồi sức mới từ nơi Chúa.

Khi chúng ta cầu thay cho người khác, chúng ta chuyển từ chỗ tập trung vào bản thân sang tình yêu dành cho Chúa và mọi người.

“Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn” phải chăng là câu cửa miệng của chúng ta khi bạn bè chia sẻ những vấn đề họ gặp phải nhưng sau đó chúng ta không làm gì cả? Đó có phải là cách thuận lợi để gạt ai đó sang một bên không? Chúng ta phải nghiêm túc với những lời cầu nguyện của mình dành cho người khác. Thay vì nói “Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn”, chúng ta hãy nói: “Hãy để tôi cầu nguyện cho bạn ngay bây giờ”, và sau đó ngay lập tức cầu nguyện cùng với họ!

Có lẽ bạn đã cầu nguyện trong một thời gian dài mà mọi thứ vẫn không thay đổi. Nhưng đừng ngã lòng. Miễn là chúng ta sẵn sàng dành thời gian để cầu nguyện, điều này sẽ không vô ích. Mong rằng mỗi chúng ta học cách cầu nguyện như Chúa Jêsus đã làm trong Lu-ca 22:42, đó là cầu xin ý muốn của Đức Chúa Trời được thực hiện chứ không phải theo ý muốn của chúng ta. Nguyện chúng ta ghi nhớ lẽ thật này và sức mạnh của sự cầu thay.

Tác giả: M. Tiong, Malaysia

Nguồn: YMI https://ymi.today/2017/08/why-should-we-pray-for-others/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/

Biên dịch: Thanh Tuyền

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày