TẠI SAO TÔI CẢM THẤY BỊ “MẮC KẸT” TRONG SỰ TĂNG TRƯỞNG?
“Tôi luôn dường như quay trở lại điểm xuất phát”.
Đó là điều tôi đã nói với người lãnh đạo của mình nhiều năm về trước, khi tôi còn là sinh viên và tham gia phục vụ tình nguyện cho mục vụ thanh niên. Những lần tham gia trại thanh niên, khi nghe các diễn giả hoặc những người lãnh đạo thanh niên thách thức chúng tôi về sự tăng trưởng trong Chúa, nước mắt tôi tuôn đổ.
Nhưng rồi sau vài tuần, dòng cảm xúc qua đi, công việc hằng ngày lại đến, những thông điệp và những thách thức dần trở thành ký ức mờ nhạt, những kỷ luật thuộc linh vừa mới hình thành trở nên khó để duy trì, và tôi ngay lập tức trở lại nơi tôi đã xuất phát.
Vòng luẩn quẩn của việc: cảm xúc dâng trào, quyết tâm thay đổi, kế hoạch thất bại khiến tôi mệt mỏi và chán nản. Sống một đời sống trong Chúa dường như là quá khó, huống hồ là trở nên Cơ Đốc Nhân trưởng thành. Thậm chí việc cơ bản nhất của một Cơ Đốc Nhân là đọc Kinh Thánh và cầu nguyện tôi cũng phải tranh chiến liên tục. Tôi có quá nhiều nhu cầu phải dành thời gian: lớp học, bài tập, gia đình, bạn bè, hoạt động ở trường, hoạt động tại hội thánh. Đến cuối ngày, tôi cảm thấy quá mệt mỏi để đọc Kinh Thánh hay cầu nguyện. Nhưng dù cho tôi có duy trì thói quen đọc Kinh Thánh mỗi ngày trong một thời gian dài, tôi cũng không nhìn thấy mình tăng trưởng trong việc hiểu biết Kinh Thánh cũng như trong đức tính Cơ Đốc. Và dường như, tôi lại quay trở về điểm xuất phát.
Liệu sự tăng trưởng của một Cơ Đốc nhân có phải là sự nỗ lực vô vọng? Điều này không đúng với lời của sứ đồ Phi-e-rơ trong II Phi-e-rơ 1:3-8. Thật vậy, khi tôi chú ý kỹ những điều Phi-e-rơ chép, phân đoạn này cho tôi sự đảm bảo chắc chắn rằng sự tăng trưởng của Cơ Đốc nhân không những khả thi mà còn là điều không thể tránh khỏi.
1. Chúa ban năng lực để tôi sống cuộc đời tin kính
“Quyền năng của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều liên quan đến sự sống và sự tin kính, qua sự nhận biết Ngài là Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân đức của Ngài” (II Phi-e-rơ 1:3)
Trong hành trình đấu tranh để tăng trưởng, có những lúc tôi nghĩ mình không thể thay đổi, nhất là khi tôi tranh chiến với một tội lỗi cứ lặp đi lặp lại. Nhưng lời của sứ đồ Phi-e-rơ đảm bảo với tôi rằng tôi có thể làm được, không phải nhờ sức tôi mà là nhờ sức của Ngài, Đấng đã gọi tôi bước vào mối quan hệ với Ngài. Ngài không ai khác chính là Cứu Chúa Jesus. Nếu tôi cứ đặt hy vọng ở bản thân mình cho sự tăng trưởng, thì tôi phải thú nhận rằng tôi không có sức lực để thay đổi. Nhưng sứ đồ Phi-e-rơ thôi thúc chúng ta nhìn lên năng quyền của Chúa Jêsus.
Sự tăng trưởng của Cơ Đốc nhân không những là điều khả thi, mà phân đoạn này còn nói rằng, đây là điều không thể tránh khỏi nếu chúng ta tiếp tục ở trong mối quan hệ với Chúa Jêsus. Không có lời bào chữa nào cho việc tôi không thể tăng trưởng. Quyền năng thiên thượng của Chúa Jêsus đã ban cho tôi mọi điều tôi cần để sống một cuộc đời tin kính. Ngài không bỏ sót bất cứ điều gì, mà còn ban cho chúng ta mọi điều cần thiết cho hành trình tăng trưởng của mình. Dù Phi-e-rơ không liệt kê những điều ấy là gì, chúng ta vẫn có thể nhận biết thông qua sách Ê-phê-sô 6:10-18. Trong phân đoạn này, sứ đồ Phao-lô bắt đầu bằng việc thôi thúc các tín hữu tại thành Ê-phê-sô “phải mạnh mẽ trong Chúa và nhờ sức toàn năng của Ngài” (Ê-phê-sô 6:10). Vậy Chúa đã trang bị gì cho Cơ Đốc nhân để khiến họ trở nên mạnh mẽ? Đó là khí giới của Đức Chúa Trời bao gồm: thắt lưng bằng chân lý, áo giáp công chính, Tin Lành bình an, thuẫn đức tin, mũ của sự cứu rỗi, lời Đức Chúa Trời và lời khẩn nguyện.
Nếu muốn trưởng thành, trước hết, tôi cần đặt niềm tin của mình vào Chúa Jêsus, không chỉ để được cứu rỗi, mà còn để được thánh hóa – tôi được trở nên thánh khiết. Tôi cần biết rằng sức mạnh để thay đổi của tôi đến từ Ngài chứ không phải từ tôi, và do đó tôi cần phải không ngừng trông cậy vào Ngài qua những lời cầu nguyện và Ngài ban năng lực cho tôi.
2. Chúa muốn tôi nỗ lực để sống cuộc đời tin kính
“Chính vì lý do đó mà anh em phải cố gắng hết sức để thêm cho đức tin mình lòng nhân đức…” (II Phi-e-rơ 1:5)
Tôi ước gì Chúa Jêsus sẽ đánh gục tôi và ban cho tôi sự tin kính ngay lập tức. Tôi muốn hiểu biết Ngài nhiều hơn nhưng tôi lại không sẵn sàng cố gắng dành hàng giờ học Kinh Thánh. Tôi muốn mình tiết chế, nhưng khi cám dỗ đến, tôi sa ngã ngay. Tôi muốn mình kiên nhẫn, nhưng tôi lại muốn thoát khỏi tình huống khó khăn càng sớm càng tốt. Tôi muốn bày tỏ tình yêu thương, nhưng tôi lại tránh mặt những người tôi ghét nhiều nhất có thể. Tôi muốn có sự tin kính mà không phải nỗ lực để trở nên tin kính.
Tôi đã từng nghĩ rằng, vì Chúa Jêsus ban năng quyền cho tôi nên tôi có thể buông tay và để Ngài làm mọi điều. Nhưng Phi-e-rơ lại nói khác. Chính bởi vì Chúa Jêsus ban cho tôi năng quyền và lời hứa của Ngài để tôi có thể sống một đời sống tin kính (II Phi-e-rơ 1:3-4), tôi càng phải nỗ lực để sống một đời sống tin kính hơn nữa.
Việc biết được rằng Chúa Jêsus ban cho tôi năng quyền trở thành động lực để tôi cố gắng, bởi vì sự cố gắng của tôi trong năng quyền của Ngài sẽ không vô ích, mà sẽ đem lại một đời sống tin kính. Tại sao tôi cảm thấy “mắc kẹt” trên hành trình trở nên Cơ Đốc nhân trưởng thành? Vì tôi muốn trưởng thành mà không cần đi qua quá trình tăng trưởng; Tôi muốn có kết quả mà không cần nỗ lực.
Nhưng quyền năng của Chúa Jêsus không vận hành theo cách đó. Khi Ngài ban năng lực cho tôi, tôi cố gắng nỗ lực để tăng trưởng. Thực tế là, năng quyền của Ngài đã bao gồm cả việc khiến tôi có thể cố gắng nỗ lực. Điều này vô cùng quan trọng cho hành trình tăng trưởng của tôi. Phi-líp 2:12-13 chép rằng “…hãy lấy lòng sợ sệt run rẩy mà hoàn tất sự cứu rỗi của chính mình, Vì Đức Chúa Trời là Đấng đang hành động trong anh em, để anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài”.
Tôi hiểu rằng khi tôi tin cậy lời Ngài và cầu xin sự giúp đỡ, Ngài sẽ cho tôi tấm lòng khao khát lời Ngài đến mức khiến tôi giữ kỷ luật đọc Kinh Thánh bất chấp mỏi mệt, sẵn sàng dành thời gian cho điều đó, cũng như gia tăng tình yêu thương với mọi người và sẵn lòng phục vụ bất chấp chính mình. Tôi cho rằng đó là công việc của Đức Thánh Linh, hay như trong phân đoạn Kinh Thánh ở trên, Đức Chúa Trời đang hành động trong tôi, để tôi vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.
3. Chúa đảm bảo rằng cuộc đời của tôi sẽ hiệu năng và kết quả
“Vì nếu anh em có những điều nầy và có dư dật, thì sẽ không sợ mình thiếu hiệu năng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ” (II Phi-e-rơ 1:8)
Tăng trưởng trong Chúa là một hành trình dài. Những phẩm chất như lòng nhân đức, sự tri thức, tính tiết chế, tính kiên nhẫn, lòng tin kính, tình huynh đệ và tình yêu thương cần được rèn luyện liên tục và theo như Phi-e-rơ là càng phải gia tăng hơn nữa. Quá trình này cần nhiều thời gian.
Gần đây, tôi đã gặp lại cô cháu gái ở xa, mà bảy năm rồi tôi chưa gặp. Tôi ngạc nhiên trước sự trưởng thành của cháu tôi, từ một cô gái nhỏ giờ đã trở thành một thiếu nữ. Khoảng thời gian bảy năm đã khiến cháu tôi trưởng thành rõ rệt. Người lãnh đạo mục vụ thanh niên, người mà tôi đã tâm sự trong nước mắt, đã nói với tôi rằng, trên hành trình tăng trưởng trong Chúa, tôi có thể đang tiến lên hoặc bước lùi – tiến ba bước và lùi hai bước – nhưng tôi sẽ không quay lại vạch xuất phát. Có thể tôi không thấy mình tăng trưởng rõ rệt trong vòng một năm cụ thể, vì đó chỉ là một bước tiến nhỏ. Nhưng hiện tại khi tôi trải qua thêm 25 năm, tôi đã thấy mình bước thêm 25 bước nữa.
Bây giờ, từ góc nhìn rộng hơn, tôi đã thấy sự tăng trưởng của mình rõ ràng hơn. Phi-e-rơ đảm bảo rằng miễn là chúng ta tiếp tục rèn luyện và thêm lên các phẩm chất này, chúng ta sẽ tăng trưởng và kết quả. Quá trình trưởng thành của chúng ta sẽ không dừng lại, cho tới khi chúng ta đi đến ngày cuối cùng.
Làm thế nào để gỡ “các nút thắt” trên hành trình tăng trưởng trong Chúa? Tôi tin rằng khi Chúa Jêsus nói Ngài đã ban cho tôi mọi điều tôi cần cho hành trình tăng trưởng của mình, thì chắc chắn là như vậy. Với lòng trông cậy này, tôi chăm chỉ rèn luyện các đức tính mà Ngài muốn tôi trở thành. Tôi sẽ phải tranh chiến nhiều lần, thất bại nhiều lần và có lúc dường như “mắc kẹt” ở điểm xuất phát. Nhưng tôi vẫn phải tiếp tục nỗ lực, để tôi có thể tiếp tục tăng trưởng.
Đời sống trong Chúa không phải là một cuộc chiến không có niềm vui và không kết quả. Có những giai đoạn chúng ta có thể không thấy rõ được sự tăng trưởng của mình, nhưng tôi biết rằng khi tôi nhìn lại những năm tháng đã qua, tôi sẽ nhận ra đời sống tôi đã trở nên có ích và kết quả. Vì chính Ngài đã hứa như vậy (II Phi-e-rơ 1:4).
Về tác giả: Tan Chew Suan
Chew Suan biết đến tổ chức Youth For Christ Singapore từ khi còn là thiếu niên và giờ cô phục vụ ở vai trò nhân sự trọn thời gian cho mục vụ giảng dạy. Cô coi việc dành thời gian cho việc học và dạy Lời Chúa, để trang bị cho những người truyền bá Phúc Âm, là một đặc ân to lớn.
Chuyển ngữ: Thu Hà
Biên tập: ODB Việt Nam
Nguồn: https://ymi.today/2018/05/why-am-i-so-stuck-in-my-growth-as-a-christian/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/