TẠI SAO TÔI PHẢI CHỜ ĐỢI?

Chúng ta đang sống trong một xã hội của thông tin chớp nhoáng, của thức ăn nhanh và mọi thứ đều được tự động hóa. Không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải am hiểu về công nghệ, làm việc năng suất và hiệu quả cao. Nhược điểm của thế hệ ngày nay là chúng ta không thể chờ đợi, thậm chí là 5 phút.

Vì thế mà chúng ta tìm điều gì đó để làm trong khi chờ đợi. Chờ xe buýt? Xếp hàng trong giờ ăn trưa? Đó là thời gian để kiểm tra email và lướt xem bảng tin Facebook. Khi không có gì phân tán sự chú ý của chúng ta trong lúc chờ đợi thì việc chờ đợi giống như một cực hình.

Nhưng, không phải chúng ta vẫn luôn chờ đợi một điều gì đó hay sao? Người độc thân đang chờ đợi người bạn đời kính sợ Chúa. Một học sinh đang lo lắng chờ đợi kết quả thi đại học. Một chàng trai trẻ trong kỳ nghĩa vụ quân sự đang đợi đến ngày xuất ngũ để có thể quay về cuộc sống hàng ngày như người khác và chờ tóc mọc dài trở lại. Cặp vợ chồng mới cưới đang đón chờ đứa con đầu lòng.

Đã 16 năm kể từ lần đầu tôi được Chúa kêu gọi hầu việc Ngài trong lĩnh vực truyền giáo. Sự kêu gọi này được xác nhận bởi các lãnh đạo hội thánh, được dự báo trước bởi vị diễn giả trong kỳ trại của thanh niên và được củng cố trong khoảng thời gian riêng tư của tôi với Chúa. Ấy vậy mà bây giờ tôi lại đang ở đây, là một người nội trợ ở quê nhà, bên cạnh đứa con đang tuổi tập đi, kết hôn với người sắp trở thành mục sư và sẽ phải hoàn thành một kết ước 4 năm sau khi tốt nghiệp Thần học viện.

Thành thật mà nói, việc chờ đợi thật nản lòng. Mặc dù tôi biết rằng không ai trong gia đình tôi sẵn sàng cho sứ mệnh truyền giáo này, nhưng tôi vẫn nóng lòng muốn được sai đi. Hằng năm, hội thánh của chúng tôi có một chương trình gọi là “Tháng truyền giáo” và diễn giả luôn kêu gọi mọi người đáp ứng vào ngày Chúa nhật cuối cùng của tháng. Khi còn trẻ, tôi thường đáp ứng ngay với lời kêu gọi một cách nhiệt huyết. Trong những năm gần đây, tôi đã đáp ứng trong sự vâng phục lặng lẽ và luôn hỏi: “Chúa ơi, khi nào?

Năm nay, mọi việc trở nên rất khác. Tôi đã quyết định không đáp ứng lời kêu gọi nữa sau khi suy ngẫm về một vài bài học mà Chúa đã dạy tôi về sự chờ đợi:

1. Chờ đợi là điều là dành cho mọi Cơ Đốc nhân

Chúng ta đang trải qua cuộc sống trên đất này với tư cách là một người hành hương, chờ đợi để được tiếp rước về nơi ở đời đời mà Chúa Jêsus đã hứa ban. Nhưng thời gian chờ đợi này không phải là lúc nhàn rỗi. Thay vào đó, Chúa Jêsus ban cho chúng ta mạng lệnh phải môn đồ hóa người khác và đồng công cùng Đức Thánh Linh trong công việc của Đức Chúa Cha.

Tôi từng ở cùng một nhà truyền giáo độc thân trong một lần hầu việc Chúa tại Thái Lan và gần đây, cô ấy đã tổ chức sinh nhật lần thứ 60 của mình tại Singapore. Bất cứ khi nào có người hỏi cô ấy tại sao lại không kết hôn, cô ấy chỉ đơn giản trả lời rằng có lẽ Chúa vẫn đang trang bị cho cô để cô có thể trở thành một cô dâu tốt nhất – và nếu không phải trong đời này, thì cô sẽ ở cùng Chúa của mình đời đời tại Thiên đàng.

Nhưng thay vì chỉ ngồi yên một chỗ, cô ấy trở thành một ví dụ cho câu nói “không bao giờ lãng phí một khoảnh khắc độc thân nào”. Cô ấy thức dậy vào lúc 5 giờ mỗi buổi sáng để cầu nguyện và chuẩn bị bữa sáng trước khi đi lần lượt đi thăm hỏi người dân trong làng. Cô ấy bước đi cách trung tín trong công tác hầu việc Chúa: môn đồ hóa, cầu nguyện và phục vụ mọi người xung quanh.

Trong khi chờ đợi hoàn thành những mong ước của mình, tại sao chúng ta không nỗ lực theo đuổi những điều mà Cha Thiên thượng muốn?

Đối với nhiều người trong chúng ta, những người đã là tín hữu trong một khoảng thời gian, theo đuổi những gì mà Cha Thiên thượng muốn có nghĩa là đầu tư thời gian để hướng dẫn buổi học Kinh Thánh, tư vấn cho những tín hữu trẻ, hay thậm chí là hướng dẫn giới trẻ trong hội thánh.

2. Chờ đợi là điều đáng khen ngợi

Chờ đợi dưới chân Chúa khiến Ngài vui lòng. Đây là việc mà Ma-ri đã làm trong khi Ma-thê lại bận rộn chuyện bếp núc. Chúa Jêsus nói rằng Ma-ri đã chọn phần tốt, là phần sẽ không ai đoạt lấy được. Tôi tin rằng, theo lời của Chúa Jêsus, điều này nói đến chính Đức Chúa Trời.

Tất cả chúng ta đều chờ đợi Chúa theo những cách khác nhau. Trong khi một số người thích viết vội vào cuốn nhật ký bìa da của mình, số khác lại thích đeo tai nghe và nghe những phân đoạn Kinh thánh trong lúc di chuyển. Dù bạn thuộc kiểu người thích cầu nguyện trong một căn phòng yên tĩnh hay trong khi chuẩn bị bữa tối cho gia đình, thì điều quan trọng nhất vẫn là trông đợi Chúa. Lời Ngài mang đến sự sống và khi nhận lãnh được lời ấy, chúng ta sẽ trải nghiệm được thật nhiều niềm vui.

Khi quan sát các chị em tin kính Chúa chờ đợi trong vấn đề con cái, tôi cảm thấy tự hổ thẹn khi nhìn họ bày tỏ đức tin nơi Chúa. Thay vì chọn tức giận hoặc đổ lỗi cho Chúa, họ chọn cách phụ thuộc vào Ngài, xin Ngài ban năng lực để họ có thể chờ đợi. Tôi thấy được cách mà Chúa ban thưởng cho họ vì đã dành thời gian cho Ngài và cách mà chính Ngài an ủi khi họ rơi nước mắt, cũng như ban cho họ niềm vui vô tận thông qua Lời Ngài.

3. Chúa cũng chờ đợi

Chính Chúa cũng đang chờ đợi chúng ta ăn năn. II Phi-e-rơ 3:9 chép rằng: “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như một số người nghĩ đâu, nhưng Ngài kiên nhẫn đối với anh em, không muốn một người nào chết mất mà muốn mọi người đều ăn năn.”

Vì vậy, trong tháng này, thay vì hỏi Chúa “khi nào”, tôi đã học cách hỏi Chúa “tại sao” – tại sao tôi vẫn còn ở đây? Đó là lúc tôi nhận ra rằng ngay bây giờ, Chúa đặt tôi vào một vai trò, tại chính nơi tôi ở. Vẫn còn một đại gia đình mà tôi chưa tiếp cận: giới trẻ trong Hội thánh, những bà mẹ trẻ giống như tôi, những người nước ngoài trong Viện Thần học mà tôi cần chào đón và còn nhiều người nữa.

Đối với những người đang trông đợi bất cứ điều gì có thể xảy ra, tôi khích lệ bạn điều này: đừng chỉ chờ đợi, vì Chúa đã có sẵn công việc cho bạn ngay chính lúc này.

Chuyển ngữ: Ân Phước

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Nguồn: https://ymi.today/2017/09/why-must-i-wait/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/