“THIÊN NGA ĐEN”

Bạn có biết về loài thiên nga màu đen? Thường khi nghĩ đến thiên nga, chúng ta sẽ nghĩ đến loài vật có bộ lông trắng tinh, đẹp đẽ. Thiên nga đen được cho là rất hiếm. Do đó, các nhà kinh tế dùng thuật ngữ “hiện tượng thiên nga đen” để chỉ sự kiện hiếm khi xảy ra nhưng khi xảy đến thì để lại hậu quả vô cùng kinh khiếp. Cũng như ý nghĩ thiên nga luôn là màu trắng, chúng ta mong đợi cuộc sống sẽ luôn dễ dàng, thuận lợi, tươi đẹp đến với mình, và không mong đợi sẽ gặp “thiên nga đen”. Nhưng dù hiếm gặp, thời kỳ “thiên nga đen” vẫn đến trên đất. Đó có thể là những sự kiện tồi tệ, dịch bệnh, sự bất ổn, hay khó khăn, mất mát mà chúng ta không mong đợi, và khi xảy ra, nó đem lại những hậu quả nặng nề.

Chúng ta nên làm gì trong thời kỳ đen tối như vậy? Trong Kinh Thánh, sách Ê-xơ-tê đã cho chúng ta biết về thời kỳ lưu đày của dân Y-sơ-ra-ên khi họ bị người Ba-by-lôn bắt làm phu tù. Thời điểm đen tối nhất là khi vị quan đầy quyền lực của vua A-suê-ru là Ha-man đã âm mưu tiêu diệt tất cả người Do Thái trong toàn vương quốc của A-suê-ru (Ê-xơ-tê 3:6). Chúng ta hãy cùng tìm hiểu phương cách mà Mạc-đô-chê, một người tin kính Chúa và hoàng hậu Ê-xơ-tê, con nuôi của ông đã vượt qua thời điểm khó khăn và đi đến chiến thắng như thế nào.

Nhận biết Đức Chúa Trời đang hành động

“Nếu con nín lặng trong lúc nầy thì dân Do Thái hẳn sẽ được trợ giúp và giải cứu bằng cách khác, song con và nhà cha của con sẽ bị diệt vong. Nhưng nào ai biết rằng vì cớ thời điểm như thế này mà con được ngôi hoàng hậu sao? (Ê-xơ-tê 4:14)

Ngay trong hoàn cảnh nguy hiểm nhất, Mạc-đô-chê nhận biết một điều rằng dân Do Thái sẽ được giải cứu. Khi Ha-man đã định ngày sẽ tiêu diệt tất cả người Do Thái, Mạc-đô-chê cho người thông báo với hoàng hậu Ê-xơ-tê. Trong lời thông báo đó, chúng ta biết rằng ông tin cậy Chúa sẽ giải cứu con dân Ngài bằng cách này hay cách khác.

Là người tin Chúa, chúng ta đã được Chúa Jêsus cảnh báo về thời kỳ cuối cùng khi mà khó khăn sẽ đến (Ma-thi-ơ 24). Chúng ta cũng nhận biết rằng khi thời kỳ đó đến, Đức Chúa Trời vẫn hành động để giải cứu con dân Ngài. Ngày nay, chúng ta biết Đức Chúa Trời ban sự giải cứu cho chúng ta qua Cứu Chúa Jêsus. Do đó, khi gặp nan đề, chúng ta học tập Mạc-đô-chê bám lấy lời hứa của Chúa, tin rằng Ngài sẽ trợ giúp và giải cứu con dân Ngài. Khi nhận biết điều này, chúng ta sẽ tiếp tục đặt đức tin nơi Chúa Jêsus và không thối lui trong hành trình theo Chúa, mà cứ kiên trì cầu nguyện với Chúa.

Kiên trì trong sự cầu nguyện

“Khi Mạc-đô-chê biết được mọi điều đã xảy ra thì xé áo, mặc quần áo vải sô và phủ tro lên đầu rồi đi ra giữa thành, lớn tiếng kêu khóc một cách đắng cay” (Ê-xơ-tê 4:1)

Cầu nguyện là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề trong đời sống tâm linh chúng ta. Chúng ta đến gần Chúa và cho Ngài biết sự bất lực của chúng ta trước những nan đề quá lớn trong đời sống. Khi cầu nguyện, chúng ta thừa nhận chỉ có Chúa mới cứu chúng ta thoát khỏi hoàn cảnh tăm tối hiện tại. Chúng ta ngợi khen Ngài vì Ngài không lìa khỏi và không từ bỏ chúng ta. Chúng ta cảm tạ Ngài vì tin vào sự thành tín của Chúa trên cuộc đời chúng ta.

Hiệp một với Hội thánh Chúa

“Xin triệu tập tất cả người Do Thái ở Su-sơ lại, rồi hãy vì con mà kiêng ăn trong ba ngày đêm, đừng ăn hay uống gì hết. Con và các nữ tỳ của con cũng sẽ kiêng ăn nữa.”Mạc-đô-chê đi ra và làm theo mọi điều bà Ê-xơ-tê đã yêu cầu.” (Ê-xơ-tê 4:16, 17)

Cảm tạ Chúa dù trong hoàn cảnh dịch bệnh không được gặp gỡ anh em trong Hội thánh thì chúng ta vẫn kết nối với nhau qua nhiều cách thức khác nhau. Qua Zoom, qua Facebook, qua điện thoại, chúng ta vẫn gặp gỡ và cầu thay cho nhau. Chúng ta khích lệ và nâng đỡ nhau trong thời kỳ khó khăn và cùng hướng về một ngày mai tươi sáng khi dịch bệnh kết thúc.

Can đảm hành động theo sự kêu gọi của Chúa

“Nhưng nếu phải chết thì con chết.” (Ê-xơ-tê 4:16b)

Khi đã được khích lệ bởi sự nhận biết quyền tể trị của Chúa, Ê-xơ-tê đã tiến tới quyết định can đảm hành động. Dù bà biết rằng đến gặp vua khi chưa được gọi là đối mặt với cái chết, bà đã đáp lại một cách xác quyết: “nếu con phải chết thì con chết”. Bà nhận ra rằng trong giờ phút quyết định này, hành động vâng lời Chúa là rất quan trọng. Bà làm theo điều mà Chúa kêu gọi trên cuộc đời mình, và bà hành động thật khôn ngoan khi mời vua đến bữa tiệc và tỏ cho vua biết tội ác của Ha-man. Qua sự vâng lời của bà, dân Do Thái đã được giải cứu và Ha-man đã phải trả giá xứng đáng cho tội lỗi của ông.

Chúng ta cũng được kêu gọi hầu việc Chúa trong thời kỳ khó khăn, như Phao-lô đã viết: “Hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (I Cô-rinh-tô 15:57). Chúa có sự kêu gọi riêng cho mỗi người chúng ta, đó có thể là chia sẻ về Chúa cho người chưa biết Ngài, có thể là khích lệ anh em cùng niềm tin, có thể là trung tín trong nơi chúng ta làm việc hay học tập. Qua đó, Đức Chúa Trời sẽ sử dụng những hành động can đảm bày tỏ đức tin của chúng ta để làm sáng danh Ngài.

Nguyện chúng ta luôn sẵn sàng cho những thời điểm khó khăn như Ê-xơ-tê, vâng theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời để bày tỏ sự giải cứu của Ngài cho nhiều người xung quanh. Nguyện chúng ta cũng tỉnh thức trong đời sống mình, và bước đi theo mục đích lớn lao của Chúa, dù lúc thuận cảnh hay nghịch cảnh thì sự vinh hiển của Chúa vẫn rạng ngời trên cuộc đời mỗi chúng ta.

Tác giả: Hồng Vinh

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/