THOÁT KHỎI NHỮNG THÓI QUEN “BÌNH THƯỜNG MỚI” KHÔNG MONG MUỐN

Khi thế giới dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới” thì tôi cũng giật mình nhận ra rằng đại dịch COVID-19 đang hình thành trong tôi một kiểu “bình thường mới” khác – một tình trạng mà tôi nghĩ mình không nên tiếp tục gắn bó.

Trong khi hầu hết những người xung quanh tôi dành vài tháng vừa qua để giảm cân và hình thành những thói quen tích cực mới, thì tôi lại vô thức tích lũy những thói quen mà trước đại dịch COVID-19 tôi chưa từng có.

Cũng như mọi người khác, tôi quyết định đương đầu với thách thức bị phong tỏa bằng cách cố gắng tận hưởng khoảng thời gian này, nhưng sự quyết tâm của tôi mau chóng sụp đổ trong vài tuần đầu làm việc ở nhà. Tôi thấy nản chí và uể oải vì thiếu không gian và động lực, tôi cũng hay khó chịu khi bị quấy rầy bởi sự rung lắc của công trình khoan đường được thi công ở khu vực gần nhà, bởi tiếng chén dĩa kêu trong nhà bếp hay tiếng máy giặt chạy khi tôi bắt đầu cuộc gọi video.

Khi cần một sự động viên nhỏ cho bản thân trong những lúc như vậy, tôi lại chuyển sang dùng mạng xã hội để kéo mình khỏi sự nhàm chán và uể oải đó. Dần dần, tôi dành thời gian nhiều hơn để xem hình ảnh và video về các món hàng trên mạng. Tôi bắt đầu chụp màn hình những thứ tôi chưa từng biết đến sự tồn tại của chúng trước đây nhưng lại chắc rằng bản thân cần chúng ngay để được thoải mái hơn khi làm việc tại nhà.

Ban đầu tôi cảm thấy rất thỏa mãn khi bỏ vào giỏ hàng online những thứ này và háo hức chờ đến ngày nhận hàng (tôi chăm chú vào điện thoại để kiểm tra cập nhật!). Nhưng khi những giây phút thỏa mãn ngắn ngủi này chóng qua đi thì sự bất mãn và thèm muốn lại bắt đầu nổi lên trong tôi – khiến tôi mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn là muốn mua nhiều hơn nữa.

Và khi tôi nhìn lại những gì mình đã mua suốt vài tháng qua – bao gồm ba chiếc ly uống cà phê chỉ để dự bị cho chiếc cốc yêu thích của tôi đã bị người bạn ở chung nhà vô tình làm vỡ, nhiều tách trà và mấy bịch bánh Famous Amos, vài dụng cụ lau dọn đa năng, dụng cụ tập thể dục ít khi dùng – tôi bắt đầu tự hỏi tại sao mình lại muốn mua những thứ này.

Ngoài thói quen mua sắm vô độ, tôi còn dễ giận dữ và chán nản. Với những thay đổi đến từ đại dịch COVID-19 và làm việc tại nhà khiến tôi dành 24/7 trong một không gian chật hẹp gò bó, thật dễ để đổ thừa những tức giận của tôi là do những những hạn chế mà tôi đang đối diện – hơn là đối diện với những gì đang thật sự ở bên trong tấm lòng.

Dần dần, những gì tôi nghĩ chỉ là những xao nhãng nhỏ hay tình trạng tranh chiến tạm thời này lại trở thành những thói quen ăn sâu và tôi bắt đầu thấy gốc rễ của vấn đề thật sự là: cảm giác an ninh và sự ổn định của tôi không đến từ Chúa – mà phụ thuộc vào những gì bên ngoài đang kiểm soát trên những kế hoạch, không gian và sự sáng suốt của bản thân.

Xem xét lại đời sống thuộc linh

Sau nhiều đêm tôi cứ lặp đi lặp lại những suy nghĩ tiêu cực trong đầu và tự hỏi tại sao tôi không giữ môi miệng mình thêm chút nữa hay thể hiện sự kiên nhẫn và lòng tốt với người khác, hay giảm bớt mua sắm lại, tôi quyết định rằng những gì tôi cần không chỉ là việc mua những món đồ thuận tiện để tôi có thể làm việc ở nhà thoải mái hơn mà là xem xét lại đời sống bên trong mình.

Và điều đó bắt đầu với:

1. Nhận biết Chúa là Chủ cuộc đời mình

Khi tôi nghĩ về quá trình hình thành thói quen “bình thường mới” của mình, tôi nhận ra mình đã chú tâm vào sự thay đổi của cảm xúc hơn là những điều Chúa đang hành động trong tấm lòng tôi ở hoàn cảnh này. Thay vì vững lòng trong tay Chúa, Đấng có quyền trên gió và sóng biển, thì tôi lại giống như “sóng biển bị gió dập dồi và cuốn đi đây đó” (Gia-cơ 1:6) – bởi những thông báo mới về giãn cách xã hội hoặc việc thay đổi hoàn cảnh của mình.

Vì vậy, thay đổi đầu tiên tôi cần chính là nhận biết Chúa Jêsus là Chúa, là Chủ cuộc đời mình và bắt đầu giao phó từng giây phút trong ngày cho Ngài – cám dỗ ngủ thêm 10 phút nữa, sự thôi thúc cầm điện thoại và bắt đầu một ngày bằng cách dạo qua các mạng xã hội thay vì hướng lòng về lời Chúa (Thi Thiên 119:36), những sự xao nhãng làm giảm hiệu suất làm việc của tôi và thậm chí là mỗi lựa chọn giải trí sau giờ làm việc.

Nhưng chẳng dễ dàng khi thay đổi thói quen trong một sớm một chiều – chưa kể sự thất bại mỗi ngày là lời nhắc rằng tôi không thể chiến thắng những dao động của cảm xúc hay thói quen bằng sức của chính mình. Tôi cần sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh để tiếp tục bước với Ngài, để học cách đối phó với những thay đổi và sự phân tâm xung quanh tôi một cách đúng đắn và để “đóng đinh xác thịt cùng với các đam mê dục vọng mình trên thập tự giá” (Ga-la-ti 5:24), qua đó tôi có thể thay đổi và cố gắng lần nữa

2. Luôn hướng về Chúa trong mọi thử thách và khó khăn

Trong thời gian này, tôi được khích lệ rất nhiều qua gương đời sống sứ đồ Phao-lô. Dù có thể ông không sống trong thời kỳ dịch bệnh, nhưng lại không xa lạ gì với việc chịu khổ và bị giam hãm trong một không gian vật lý (Công Vụ 16:25-31), đối diện thử thách nối tiếp thử thách “quá sức chịu đựng đến nỗi không còn hi vọng sống” (II Cô-rinh-tô 1:8).

Mặc cho những điều sứ đồ Phao-lô và các bạn đồng hành của ông trải qua, họ đã không đi lệch khỏi sứ mệnh của mình mà vẫn tiếp tục vững lòng vì thấy được mục đích rõ ràng đằng sau những hoạn nạn.

“Chúng tôi cảm thấy như mình đã phải nhận án tử hình; nhưng điều này đã khiến chúng tôi không còn nhờ cậy vào chính mình nữa, mà tin cậy nơi Đức Chúa Trời, Đấng khiến kẻ chết sống lại. Chính Ngài đã giải cứu chúng tôi khỏi cái chết khủng khiếp như thế; Ngài đang giải cứu chúng tôi, và chúng tôi hi vọng Ngài sẽ tiếp tục giải cứu chúng tôi” (II Cô-rinh-tô 1:9-10).

Hiện tại tôi vẫn chưa ở trong những thử thách đến mức tuyệt vọng nhưng tôi biết rằng mỗi thử thách và khó khăn tôi đang kinh nghiệm trong thời điểm này là một cơ hội để thoát khỏi cơ chế đối phó của bản thân để chuyển sự tập trung và sự tin cậy của tôi đến Đấng Christ.

Mỗi khi bị cám dỗ để bào chữa cho việc nổi nóng, chán nản hoặc khi để sự ghen tị và bất mãn nảy sinh trong lòng – tôi bắt đầu học cách ngừng lại và cầu nguyện (mình có thực sự cần món đồ mới đó hay chỉ vì tôi đang muốn nó vì người khác cũng có nó?), bày tỏ những cảm nhận của mình trước Chúa và tôi nhanh chóng đáp ứng trong sự vâng lời Ngài, trong sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.

Khi tôi dành ít thời gian hơn cho điện thoại để thoát khỏi thực tại và dành nhiều thời gian hơn để suy ngẫm điều gì chân thật, thanh sạch, đáng yêu đáng chuộng trong Kinh Thánh (Phi-líp 4:8) hoặc nhìn lại những vui buồn trong ngày của mình qua trang nhật ký, tôi nhận thấy mình dễ dàng kết nối với những lĩnh vực trong đời sống mà Chúa muốn hành động trong tôi. Tuy chỉ mới bắt đầu mà thôi, nhưng tôi hy vọng khi nhìn lại khoảng thời gian này trong tương lai, tôi sẽ loại bỏ được không chỉ là cân nặng và tình trạng bừa bộn (cho đến giờ nó vẫn là một mục tiêu đáng theo đuổi!) – mà còn là gánh nặng của sự ganh đua, bất mãn, giải trí vô bổ và những mảnh vỡ trong đời sống thuộc linh – những thứ cản trở tôi không đặt hy vọng của mình trong Đấng Christ.

Thay vào đó tôi muốn dành chỗ cho Chúa để Ngài định hình và rèn luyện năng lực thuộc linh của tôi để tôi biết nhẫn nại, hy sinh vì người khác như Phao-lô, để tôi cũng có thể nói như ông rằng tôi đã học được bí quyết của sự thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ (Phi-líp 4:11) và có thể cam chịu mọi hoàn cảnh, dịch bệnh, hay cả những thử thách lớn trong cuộc sống nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi (Phi-líp 4:13).

Nguồn: https://ymi.today/2020/10/how-to-get-rid-of-your-unwanted-new-normal-habits/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/

Chuyển ngữ: Thiên Ái

Biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày