CƠ ĐỐC NHÂN NÊN ĐỐI DIỆN VỚI ĐẠI DỊCH NHƯ THẾ NÀO?

Đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng rất nhiều đến cộng đồng con dân Chúa tại Việt Nam, gây ra nhiều hoang mang và lo lắng. Chúng ta chưa bao giờ trải qua một đại dịch mang tính toàn cầu như thế và cách đối diện với cuộc khủng hoảng sức khỏe này vẫn còn là vấn đề để lại nhiều bối rối. Chỉ trong vòng hơn một tháng, kể từ khi làn sóng dịch thứ tư tấn công vào ngày 27/4, dịch bệnh đã nhanh chóng lây ra hơn 30 tỉnh thành trong diễn biến vô cùng phức tạp với gần 4.500 ca mắc mới. Riêng ngày 25/5 đã ghi nhận số ca nhiễm trong ngày ở mức kỷ lục với 444 bệnh nhân. Khi mọi sinh hoạt của cuộc sống thường ngày lại bị đảo lộn vì dịch bệnh, một lần nữa câu hỏi lại được đặt ra cho mỗi một Cơ Đốc nhân: Chúng ta nên đối diện với đại dịch này như thế nào?

Nhìn lại lịch sử hội thánh, chúng ta có thể thấy rằng các Cơ Đốc nhân hội thánh ban đầu cũng đã trải qua hai trận đại dịch khủng khiếp. Vào năm 165, trong triều đại của Marcus Aurelius, một cơn đại dịch đã quét qua Đế quốc La Mã. Trong suốt 15 năm của đại dịch, một phần ba dân số của đế quốc này đã bị chết. Một thế kỷ sau đó, đế quốc La Mã lại đối diện với trận dịch lớn khác, khiến hàng loạt người chết. Đại dịch kinh khiếp đến nỗi bác sĩ Galen, vị bác sĩ người Hy Lạp nổi tiếng của Đế quốc La Mã không biết làm thế nào để chữa trị cho người bệnh, và thay vì ở lại để chăm sóc bệnh nhân, ông đã chạy khỏi La Mã để tránh bị nhiễm bệnh. Một sử gia đã ghi lại rằng “có quá nhiều người chết đến nỗi các thành và các làng ở Italy và các tỉnh khác đều bị bỏ hoang và lụi tàn”. Trong một bức thư được viết giữa trận dịch thứ hai, Giám mục Dionysius đã mô tả những gì diễn ra ở Alexandria: “Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, người ta xua đuổi những người mắc bệnh và bỏ người thân của mình để chạy trốn, người bệnh bị ném ra ngoài đường trước khi chết và bị đối xử như xác chết dơ bẩn, không được chôn cất, với hy vọng ngăn chặn sự lan rộng và tránh bị nhiễm căn bệnh chết người; nhưng dù vậy, họ vẫn thấy khó để thoát khỏi sự tấn công của dịch bệnh.”

Trong hai trận đại dịch đó, Cơ Đốc nhân chỉ là nhóm người thiểu số, nhưng họ đã để lại ảnh hưởng to lớn lên xã hội qua cách đối diện khác biệt của mình. Dù ở trong hoàn cảnh đầy thử thách, hội thánh đã chiếu sáng và phát triển mạnh mẽ. Điều gì đã khiến hội thánh để lại ảnh hưởng tích cực trên cộng đồng?

Họ đã sống cuộc đời hy sinh và phục vụ

Các sử gia đã ghi lại rằng trong khi nhiều người tháo chạy và xua đuổi những người bị nhiễm bệnh hoặc ném người bệnh ra ngoài đường để họ một mình chờ chết, thì Cơ Đốc nhân thời đó đã bày tỏ lòng thương xót khi họ không bỏ rơi mà an ủi, chăm sóc người bệnh, nhờ đó đã cứu được vô số mạng sống. Trong hoàn cảnh đen tối đó, Cơ Đốc nhân đã tỏa sáng qua hành động hy sinh phục vụ của họ để bày tỏ tình yêu thương với những người xung quanh.

Họ đã sống bởi đức tin

Cơ Đốc nhân chắc chắn không được miễn trừ khỏi bệnh tật và các vấn đề sức khỏe. Các tín hữu thời đó cũng như vậy. Nhưng họ đã có cái nhìn đức tin vượt trên hoàn cảnh. Họ tin chắc rằng Chúa nắm giữ tương lai của họ và Ngài có chương trình tốt đẹp dành cho cuộc đời họ và cho hội thánh của Ngài. Vì vậy, họ đã không để nỗi sợ dịch bệnh khiến mình bị tê liệt, nhưng đức tin của họ đã thắng hơn sợ hãi. Chính bởi đức tin đó mà họ sẵn sàng hy sinh chính mình để giúp đỡ những người bệnh bị bỏ rơi.

Họ đã sống với niềm hy vọng

Khi cuộc sống đầy bấp bênh và mong manh thì niềm hy vọng nơi Chúa đã trở nên chiếc neo vững chắc cho các Cơ Đốc nhân ban đầu. Không chỉ dịch bệnh, họ còn đối diện với rất nhiều sự bắt bớ và khó khăn giữa một thế giới vô tín. Nhưng họ đã sống với niềm hy vọng đời đời. Niềm hy vọng đó đã giúp họ chiếu ra sự sáng của Chúa bằng những hành động phi thường giữa bóng đêm u ám của cơn đại dịch. Bởi sự trung tín của họ, Chúa đã khiến nhiều người biết đến Ngài và tin nhận Ngài trong hoàn cảnh khốn khó. Danh Chúa được tôn vinh và hội thánh Ngài phát triển mạnh mẽ.

Việt Nam đang đối diện với đợt bùng phát thứ tư của đại dịch Covid-19 với số ca nhiễm cộng đồng tăng nhanh. Nhiều con cái Chúa cũng bị nhiễm bệnh và đối diện với rất nhiều khó khăn. Là Cơ Đốc nhân, bạn phản ứng thế nào trong hoàn cảnh hiện tại? Giữa những hỗn độn và bối rối, nguyện chúng ta “chiếu rạng như ánh sáng trong thế gian” (Phi-líp 2:15).

Tác giả: Sarang Mai

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/