ĐỪNG LÃNG PHÍ THỜI GIAN PHONG TỎA

Hầu hết chúng ta đang ở trong giai đoạn phong tỏa một phần hoặc diện rộng. Chúng ta cảm thấy bị cô lập ở nhà; một số người thậm chí cảm thấy như bị ở tù và nghẹt thở. Như nhà triết học, toán học Blaise Pascal đã từng nói: “Nguyên nhân duy nhất khiến con người không hạnh phúc là vì con người không thể ở yên tĩnh lặng trong căn phòng của chính mình.”

Chúng ta làm gì trong lúc bị mắc kẹt ở nhà cả ngày? Nhiều người phải làm việc tại nhà; khi sự mới mẻ ban đầu dần phai nhạt, họ bắt đầu thấy nhớ trải nghiệm được đi làm, gặp ở đồng nghiệp ở văn phòng rồi về nhà nghỉ ngơi. Làm việc tại nhà có khuynh hướng xóa nhòa ranh giới giữa công việc và gia đình, và trở thành thách thức đối với những người gặp khó khăn với vấn đề kỷ luật bản thân.

Ở nhà với người thân có nghĩa là chúng ta có nhiều thời gian để tương tác với họ. Đối với một số người, điều này có thể là một kinh nghiệm gây nản lòng. Chúng ta nói chuyện gì với nhau đây? Nếu không quen với những giờ thảo luận của gia đình, có lẽ chúng ta sẽ sợ đặt ra những chủ đề và sự im lặng theo sau đó.

Nhiều người tìm cách để làm cho mình bận rộn, qua việc giải trí và chia sẻ tin tức (cả tin thật và tin giả) đến bạn bè. Một số trở thành “người truyền tin” trọn thời gian cho các kênh tin tức và giải trí. Để giúp mọi người thấy thời gian trôi qua nhanh hơn, nhiều chương trình đã xuất hiện, bao gồm những sự kiện miễn phí mà bình thường phải bỏ tiền ra để xem. Những câu chuyện đùa được truyền nhau. Bằng cách nào đó, mọi người đang cố gắng làm cho mình vui vẻ để những ngày này trôi qua mau.

Nhưng, mượn tựa sách của tác giả Neil Postman, có lẽ chúng ta cảm thấy áy náy với việc “vui thú để đi vào chỗ chết”. Có lẽ chúng ta đang lãng phí cơ hội để tăng trưởng nhiều hơn trong mối quan hệ với Chúa và chia sẻ tình yêu của Ngài cách rộng rãi hơn.

Đâu là những cơ hội thuộc linh mà chúng ta có được trong giai đoạn phong tỏa?

Thứ nhất, chúng ta có thể dành thời gian Chúa ban để đến gần Ngài hơn.

Giữa lúc mệt nhọc của chức vụ, Chúa Jêsus đã mời gọi môn đồ Ngài rằng: “Các con hãy đi tẽ vào nơi thanh vắng, nghỉ ngơi một lúc” (Mác 6:31). Thật là cơ hội tuyệt vời Chúa ban cho các môn đồ để có thời gian chất lượng với Ngài, để tránh xa khỏi đám đông, tiếng ồn, những âm thanh để có thể chú ý lắng nghe tiếng Ngài.

Một ngày bình thường của Cơ Đốc nhân bận rộn thường đi kèm với rất nhiều sự xao nhãng, nhiều mối bận tâm và lo lắng. Tấm lòng trở nên hỗn loạn, tâm trí rối bời, cơ thể kiệt sức và tâm hồn héo hon. Chúa Jêsus biết điều chúng ta cần: chúng ta cần tách ra khỏi cuộc sống thường ngày và cần nghỉ ngơi để linh hồn được tưới mát và tấm lòng được nuôi dưỡng bởi Lời Ngài và tiếng phán của Ngài. Rồi chúng ta sẽ chú ý tới tình trạng thật của tấm lòng mình.

Liệu việc phong tỏa, đang lấy đi những hoạt động và sự theo đuổi thường ngày, có đang cho chúng ta cơ hội để theo đuổi Đấng Christ không? Liệu chúng ta có thể dừng lại những hoạt động kích thích giác quan và tương tác xã hội để nhận lấy phước hạnh thuộc linh đổ xuống từ trời khi chúng ta tập chú vào Chúa nhiều hơn không?

Khi sai các môn đồ đi công bố và bày tỏ quyền năng của Tin lành về Đấng Christ, Chúa chỉ dẫn họ rằng: “Cho nên những gì Ta nói với các con trong bóng tối, hãy nói ra ngoài ánh sáng; những gì các con nghe thì thầm bên tai, hãy công bố trên mái nhà” (Ma-thi-ơ 10:27). Có hai cụm từ liên quan ở đây. Ai là người thì thầm bên tai? Câu trả lời nằm ở cụm từ đầu tiên: “Những gì Ta nói với các con”. Chính là Chúa Jêsus, Đấng phán với chúng ta trong bóng tối và thì thầm vào tai chúng ta.

Ý tưởng này nói về thói quen của các ra-bi và thầy dạy đạo có người phiên dịch riêng. Họ sẽ thì thầm vào tai của người phiên dịch bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Sau đó, người phiên dịch sẽ nói ra điều họ đã nghe, bằng ngôn ngữ mà người ta có thể hiểu được.

Chẳng phải tình hình dịch bệnh hiện tại và sự lo lắng, cô lập mà chúng ta cảm thấy dường như là một giai đoạn đen tối sao? Hãy nghĩ về tai vạ bóng tối dày đặc ở Ê-díp-tô, khi “trong ba ngày đó, người ta không nhìn thấy nhau, không ai rời khỏi chỗ mình được” (Xuất Ê-díp-tô ký 10:23). Chúng tôi cầu nguyện rằng ánh sáng sẽ hé lộ và bóng tối sẽ chấm dứt.

Nhưng ngay cả trong lúc đen tối, và đặc biệt giai đoạn đáng sợ này, Chúa vẫn phán với chúng ta cách rõ ràng. Ngài thì thầm vào tai của chúng ta. Trong cuộc sống bận rộn và hối hả thường ngày, tấm lòng và tâm trí của chúng ta quá ồn nào và phân tâm đến nỗi không thể nghe được “tiếng êm dịu nhỏ nhẹ” của Chúa (I Các vua 19:12). Trong thời gian phong tỏa, lỗ tai của chúng ta sẽ nhạy bén hơn với tiếng của Chúa.

Chúa có thể thì thầm gì với chúng ta? Phải chăng Ngài nói đến những điều chưa đúng đắn trong đời sống của chúng ta, những lĩnh vực quan trọng đang bị làm ngơ, những tội lỗi phải từ bỏ? Hay phải chăng Ngài đang nhắc nhở chúng ta về lẽ thật và lời hứa của Ngài, cũng như ý muốn của Ngài dành cho chúng ta?

Dù Ngài đang thì thầm bất cứ điều gì vào tai chúng ta, chúng ta có thể công bố nó khi thời kỳ đen tối kết thúc và chúng ta ở trong những hoàn cảnh “trên mái nhà” được gặp gỡ nhiều người. Có lẽ Chúa đang chuẩn bị tấm lòng của hội thánh và phán sứ điệp của Ngài với họ để họ công bố trong những ngày sắp tới.

Thứ hai, chúng ta phải giữ những thói quen và kỷ luật thuộc linh và hãy cẩn thận với những thói quen xấu.

Tiên tri Đa-ni-ên đã đối diện với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi những kẻ thù của ông lừa gạt để vua Đa-ri-út lập ra một sắc lệnh rằng trong 30 ngày, không ai được cầu với bất kỳ thần nào khác ngoài vua (Đa-ni-ên 6). Đa-ni-ên có thể có lý do bào chữa để không duy trì thói quen cầu nguyện – xét cho cùng thì sắc lệnh đó chỉ kéo dài 30 ngày. Nhưng ông vẫn tiếp tục cầu nguyện với Chúa mỗi ngày ba lần.

Trong quyển Longing for God (tạm dịch: Khao Khát Chúa), tác giả cũng là nhà thần học Richard Foster nhắc đến một nghiên cứu cho rằng 30 ngày là thời gian cần thiết để thay đổi hoặc thiết lập những thói quen mới. Nếu bạn muốn phát triển một thói quen mới, bạn sẽ phải thực hiện điều đó ít nhất 30 ngày. Nếu bạn muốn thay thế một thói quen với ai đó, bạn cần lặp lại tối thiểu 30 ngày.

Nếu điều này đúng, hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi một người ngừng cầu nguyện thường xuyên. Người đó sẽ phát triển một thói quen mới là không cầu nguyện. Sa-tan thật tinh vi trong cách phá vỡ những kỷ luật thuộc linh của chúng ta và hủy hoại đời sống tâm linh của chúng ta.

Trong thời gian này, tất cả những buổi nhóm của hội thánh chuyển sang hình thức trực tuyến và các tín hữu nhóm lại tại nhà. Điều này là cách tốt nhất chúng ta có thể làm để duy trì thói quen nhóm lại như là thân thể Đấng Christ, dù chúng ta đang bị cách ly. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta có thể đến nhà thờ lại? Liệu sẽ có ai đó đã quen với việc xem chương trình nhóm và nghe bài giảng ở nhà cách thoải mái đến nỗi không muốn đến nhà thờ nữa?

Tác giả sách Hê-bơ-rơ khích lệ độc giả: “Chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành. Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê-bơ-rơ 10:24-25). Một số Cơ Đốc nhân trong thời đó đã hình thành thói quen bỏ qua kỷ luật nhóm lại với hội thánh; hy vọng điều đó không xảy ra với chúng ta sau thời gian dịch bệnh.

Cũng có thể là ngay cả khi chúng ta dự nhóm trực tuyến, chúng ta đã phát triển những thói quen xấu như ăn mặc xuề xòa hay xem nhẹ giờ thờ phượng Chúa và lắng nghe Lời Ngài đến nỗi chúng ta vừa xem chương trình nhóm, vừa ăn hoặc nằm dài trên ghế. Những thái độ này sẽ trở thành thói quen xấu mà có thể tiếp tục mang theo vào nhà thờ khi hội thánh được nhóm trở lại.

Về mặt tích cực, thời gian phong tỏa cho chúng ta cơ hội tuyệt vời để luyện tập cho cơ bắp thuộc linh qua việc thực hành những kỷ luật thuộc linh tốt. Chúng ta nên giữ thời gian tĩnh nguyện thường xuyên để kết nối với Chúa. Chúng ta có thể có thời gian thong thả để đọc và suy ngẫm Kinh Thánh, nghe tiếng Chúa thì thầm với chúng ta.

Chúng ta cũng có thể tập cầu nguyện dốc đổ hơn, kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa và trò chuyện với Ngài. Chúng ta có thể cầu nguyện cho người khác mà mình quen biết và những người mà chúng ta biết qua tin tức, và tập thói quen trình dâng mọi người lên cho Chúa là Đấng công bình và đầy nhân từ.

Đây có lẽ là những thói quen mới sẽ theo chúng ta cho đến cuối cuộc đời; thời điểm phong tỏa là cơ hội để làm điều đó.

Thứ ba, chúng ta có thể sử dụng thời gian phong tỏa để vươn ra giúp đỡ người khác.

Trong lúc những giới hạn nghiêm ngặt làm chúng ta bị hạn chế trong sự tương tác với người khác, chúng ta vẫn có thể vươn ra giúp đỡ những người khó khăn. Có lẽ bạn biết những người bị nhiễm Covid-19; những người đang gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng này; những người mất việc, công việc kinh doanh và đời sống kinh tế bị đe dọa; những người cha, người mẹ đơn thân không thể đương đầu nổi với những trách nhiệm; những người lớn tuổi đang cô đơn, không thể ra ngoài hay sử dụng công nghệ; hoặc những người có bệnh mãn tính hay bệnh nan y đang phải điều trị.

Bạn có thể gọi điện thoại cho họ. Bạn có thể cầu nguyện và gởi cho họ tin nhắn khích lệ – không chỉ chuyển tiến những tin nhắn tin tức, mà những tin nhắn cá nhân do chính bạn viết sẽ ý nghĩa với họ.

Một số hội thánh đang nhận ra nhu cầu của những người lân cận – những người vô gia cư, công nhân nhập cư, người nghèo và những người bên lề xã hội. Họ tìm nhiều cách tuyệt vời để mở cửa hội thánh cho người vô gia cư trú ngụ, đem thực phẩm đến cho người nghèo, chào đón những người gặp khó khăn qua các đường dây nóng có tình nguyện viên trực. Các tín hữu cũng tình nguyện giúp chăm sóc bệnh nhân và những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.

Đây là những cơ hội để chúng ta bày tỏ lẽ thật và tình yêu của Đấng Christ. Khi chúng ta làm như vậy, đó có thể là thói quen lâu dài sẽ làm cho cuộc đời chúng ta sâm đậm thêm và đem lại vinh quang cho Chúa.

Nếu Chúa cho phép đại dịch và sự phong tỏa xảy ra, thì chúng ta hãy vững lòng tin chắc rằng Ngài vẫn tể trị mọi sự. Mục đích của Ngài không thay đổi, sự hiện diện và lời hứa của Ngài vẫn tươi mới mỗi ngày. Thời gian phong tỏa cho chúng ta có cơ hội để sống chậm lại và nghe tiếng Chúa rõ ràng hơn, đào sâu Lời Chúa nhiều hơn và có mối liên hệ thật sự với những người ở gần hoặc ở xa chúng ta.

Đừng lãng phí thời gian phong tỏa.

Về tác giả: Giám mục Emeritus Robert M. Solomon là Giám mục tại Hội Thánh Giám Lý ở Singapore từ năm 2000 đến năm 2012. Ông cũng có cơ hội đi nhiều nơi để giảng dạy tại Singapore và các nước khác. Ông có văn bằng về y khoa, thần học, nghiên cứu các nền văn hóa và bằng tiến sĩ về thần học mục vụ. Ông cũng là tác giả của hơn 40 quyển sách về nhiều đề tài, bao gồm Faithful to the End, Finding Rest for The Soul and Jesus Our Jubilee. Ông cũng đã viết nhiều tài liệu cho mục vụ Our Daily Bread, bao gồm loạt Hành Trình Qua Sách và Khám Phá Các Chủ Đề. Giám mục Emeritus Solomon có vợ là bà Malar và họ có 3 người con đã trưởng thành cùng 4 cháu nội ngoại.

Nguồn: https://odb-covid.org/dont-waste-the-lockdown/. Sử dụng với sự cho phép của Our Daily Bread Ministries Singapore.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/