HÃY SỐNG NHƯ NHỮNG LỮ KHÁCH TRÊN ĐẤT

Dự luật bãi bỏ sổ hộ khẩu được đề xuất trong thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người đang cảm thấy khổ sở với những thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Không chỉ thế, sổ hộ khẩu từ lâu đã gắn liền với rất nhiều đặc quyền công dân nên không ít người bị hạn chế tiếp cận với nhiều quyền lợi chỉ vì không có sổ hộ khẩu thường trú ở một nơi nào đó. Trong bối cảnh người dân đổ xô vào các thành phố lớn để lập nghiệp, thì nỗ lực để có được hộ khẩu thành phố với nhiều quyền lợi về giáo dục, việc làm, cơ hội phát triển… đã trở thành áp lực vô hình đối với rất nhiều người xuất thân từ các tỉnh.

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cũng không nằm ngoài dòng chảy của xã hội. Trong khi an cư lạc nghiệp là ước mơ phải lẽ của mọi người thì việc theo đuổi ước mơ có một căn nhà thành phố có thể trở thành cám dỗ khiến chúng ta quên mất ngôi nhà thật sự của mình ở trên trời.


Của cải ở đâu thì lòng ở đó

Có câu nói rằng: “Nhà là nơi trái tim thuộc về”. Còn Chúa Giê-xu phán: Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó (Ma-thi-ơ 6:21). Chúng ta thường nghĩ về cuộc sống theo hai phần: đời sống thuộc linh và đời sống thuộc thể, nhưng Chúa Giê-xu cho thấy thái độ của chúng ta đối với của cải phản ánh tình trạng thuộc linh của chúng ta. Ngài cảnh báo những người theo Ngài về lòng tham của cải vật chất. Nếu chúng ta đầu tư vào của cải trần gian thì lòng chúng ta cũng gắn chặt ở đó.

Trong Lu-ca 12, Chúa Giê-xu đã kể câu chuyện về người giàu dại dột để cảnh báo những người theo Ngài về lòng tham của cải. Ngài chỉ ra sự tạm bợ của của cải đời này. Ngài phán: “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy của cải ngươi đã dự trữ sẽ thuộc về ai?” Và Ngài kết thúc câu chuyện bằng lời phán: “Ai thu trữ của cải cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy” (Lu-ca 12:20-21).

Không có gì sai khi sở hữu của cải trên đất này, nhưng khi chúng ta để của cải cai trị mình, chi phối tâm trí và tấm lòng của mình thì chúng ta đang đi theo con đường dẫn đến sự mê tham của cải vật chất, là con đường khiến chúng ta xa cách Chúa.

Hãy đầu tư vào cõi đời đời. Hãy sử dụng những gì Chúa ban để tôn cao Chúa và đem đến ích lợi cho vương quốc Ngài. Đừng nắm chặt lại. Hãy mở rộng bàn tay để giúp đỡ những người khó khăn.


Nhận biết mình chỉ là lữ khách trên đất

Mục sư Billy Graham từng nói: “Nhà tôi ở trên thiên đàng. Tôi chỉ đi ngang qua thế giới này”. Câu nói đó phản ánh thái độ cần có của Cơ Đốc nhân. Nhận thức mình chỉ là lữ khách trên đất rất quan trọng bởi vì nhận thức đó sẽ chi phối hành động của chúng ta. Hê-bơ-rơ 11 ghi lại danh sách những anh hùng đức tin và kết luận rằng: “Tất cả những người ấy đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều đã hứa cho mình; chỉ trông thấy và chào mừng những điều ấy từ đằng xa, xưng mình là kiều dân và lữ khách trên đất” (Hê-bơ-rơ 11:13).

Các tổ phụ đức tin đã thật sự kinh nghiệm cuộc đời của những lữ khách trên đất. Họ là dân du mục, sống trong những chiếc lều, rày đây mai đó. Hê-bơ-rơ 11:8 nói về Áp-ra-ham, tổ phụ đức tin rằng: “Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp; ông đi mà không biết mình đi đâu”. Việc Áp-ra-ham đáp ứng theo tiếng gọi của Chúa đã khởi đầu cho hành trình lữ khách trên đất của gia đình ông. Dù gặp rất nhiều khó khăn và bị người đời khinh dể nhưng họ không hề thối lui, không hề mong muốn quay trở lại. Họ có thể tiếp tục tiến bước giữa bao nguy khó bởi vì họ không hề đánh mất niềm hy vọng về một “quê hương tốt hơn” mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho họ.

Chúng ta vẫn sống và làm những công việc của trần gian nhưng luôn nhớ rằng chúng ta không tìm kiếm “hộ khẩu thường trú” trên đất này. Là con dân Chúa, chúng ta sống như người tạm trú, luôn chuẩn bị sẵn sàng để ra đi bất cứ khi nào Chúa gọi, cũng giống như gia đình Áp-ra-ham. Đừng để những giàu sang, danh vọng, địa vị đời này níu chân bạn trong hành trình đi về thiên quốc. Hãy xin Chúa ban cho bạn đôi mắt đức tin, nhìn vượt trên cuộc sống tạm bợ này để thấy những điều “từ đằng xa” mà Chúa đang dành sẵn cho bạn.


Sống với địa vị công dân trên trời

Sống trên đất nhưng đừng quên “chúng ta là công dân trên trời” (Phi-líp 3:20), đó là điều sứ đồ Phao-lô muốn nhắc các tín hữu tại thành Phi-líp. Họ chắc chắn hiểu điều ông muốn nói bởi vì thành phố Phi-líp ngày xưa là thuộc địa của đế quốc La-Mã và người dân Phi-líp được cai trị theo luật La Mã và được hưởng những đặc quyền như công dân La Mã. Cũng vậy, Cơ Đốc nhân ở trong thế gian nhưng sống theo luật Thiên Quốc và được hưởng những đặc quyền của Thiên Quốc.

Điều đáng buồn là có những người tự xưng là Cơ Đốc nhân nhưng đời sống họ lại không thể hiện điều đó. Phao-lô nói rằng: “Có nhiều người đã sống như kẻ thù của thập tự giá Đấng Christ… lấy bụng mình làm chúa mình… chỉ nghĩ đến những việc thế gian” (Phi-líp 3:18-19). Đó là những người sống theo xác thịt, làm thỏa mãn xác thịt mình. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng nhắc nhở chúng ta: “Anh em như người khách lạ, kẻ tha hương; tôi khuyên nài anh em phải cữ kiêng những dục vọng xác thịt, là điều chống nghịch với linh hồn” (I Phi-e-rơ 2:11-12). Là công dân trên trời, chúng ta hãy để luật pháp của Chúa làm thước đo và tiêu chuẩn cho đời sống mình trên đất.

Và hãy “chú tâm vào những điều ở trên trời, đừng chú tâm đến những điều ở dưới đất” (Cô-lô-se 3:2) như điều Phao-lô khuyên các tín hữu trong một bức thư khác. Điều đó không có nghĩa là chúng ta mặc kệ cuộc sống trên đất này. Hoàn toàn không phải như vậy. Nhưng địa vị công dân trên trời phải khiến chúng ta sống cuộc đời trên đất tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta sống với lòng trông đợi về ngày gặp Chúa thì chúng ta sẽ luôn sống cho Ngài và sống đẹp lòng Ngài.

Là lữ khách trên đất, hãy để mỗi nơi có dấu chân bạn đi qua là một hành trình đẹp. Vì bạn là công dân thiên quốc, tỏa hương thơm của Đấng Christ khắp nơi.

Tác giả: Sarang Mai

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/