ĐÂU LÀ MÔ HÌNH ĐỜI SỐNG THUỘC LINH CỦA BẠN?

Covid-19 cùng với những biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đang gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều ngành nghề phải ngừng hoạt động và đối diện với sự thua lỗ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Các chuyên gia kinh tế bắt đầu tính toán các kịch bản cho nền kinh tế thế giới. Người ta dùng các chữ cái La Mã để thể hiện khả năng hồi phục. Mô hình chữ V hàm ý sự phục hồi nhanh. Mô hình chữ U tượng trưng cho sự phục hồi chậm hơn. Mô hình chữ L nói lên khả năng suy thoái kéo dài. Còn mô hình chữ W hàm ý tiếp tục suy thoái sau khi hồi phục.

Ở một phương diện khác, nhiều người cho rằng đại dịch Covid-19 là một sự thức tỉnh cho tất cả mọi người, đặc biệt là Cơ Đốc nhân. Trong bối cảnh những sinh hoạt thuộc linh cũng bị ảnh hưởng, hội thánh phải tạm ngưng nhóm lại tại nhà thờ, chúng ta chợt nhận ra đâu là điều thật sự quan trọng. Hơn bao giờ hết, chúng ta có cơ hội để sống chậm lại và có những giây phút yên tĩnh hầu suy ngẫm về cuộc đời mình. Tôi đang ở đâu trong hành trình theo Chúa? Mô hình nào biểu hiện cho đời sống thuộc linh của tôi?


Mô hình chữ W – Trồi sụt thất thường

pic 1

Bạn nói mình theo Chúa, bạn tuyên bố mình là Cơ Đốc nhân nhưng đời sống tâm linh trồi sụt thất thường, chưa kinh nghiệm sự sống sung mãn trong Ngài. Có lẽ bạn vẫn đi nhà thờ và thực hành những lễ nghi tôn giáo, nhưng sâu thẳm trong tấm lòng bạn, bạn tự cho mình là công chính. Bạn ở trong tình trạng hâm hẩm, chưa để Chúa làm chủ đời sống mình. Có lúc bạn dường như mạnh mẽ, nhưng có lúc lại trở nên yếu đuối vì thỏa hiệp với những giá trị của thế gian. Bạn chưa kinh nghiệm đời sống đắc thắng bởi năng lực của Ngài.

Chúa đã từng quở trách hội thánh Lao-đi-xê về tình trạng hâm hẩm của họ (Khải. 3:15-16). Hâm hẩm nghĩa là bạn nói bạn theo Chúa, nhưng đời sống bạn không bày tỏ điều đó. Bạn tự mãn về đời sống mình và sống bởi sức riêng, bạn sống như thể mình không cần Chúa. Đó là tình trạng thuộc linh nguy hiểm. Nó nguy hiểm bởi vì bạn nghĩ rằng bạn ổn nhưng Chúa sẽ “nhả” bạn ra. Một đời sống như thế không bày tỏ rằng bạn đã kinh nghiệm ơn cứu rỗi thật sự. Bạn chưa thật sự có Chúa trong đời sống mình. Đó là lý do vì sao Chúa một lần nữa đưa ra lời mời gọi với hội thánh Lao-đi-xê: “Nầy ta đứng ngoài cửa mà gõ” (Khải. 3:20). Ngài đang đứng ngoài cửa lòng bạn, chờ đợi bạn mở cửa mời Ngài bước vào, để Ngài biến đổi bạn, làm chủ cuộc đời bạn và để bạn kinh nghiệm đời sống đắc thắng trong Ngài.


Mô hình chữ L – Trượt dài và ngụp lặn trong tội lỗi

pic 1

Bạn sa sút, trượt dài trong sự yếu đuối, vấp ngã và phạm tội suốt thời gian dài. Bạn thỏa hiệp với tội lỗi, sống trong tội lỗi mà không hề cảm thấy bị cáo trách. Bạn vẫn chưa thức tỉnh, ăn năn trở lại với Ngài. Bạn vẫn đang ngụp lặn trong vũng bùn của tội lỗi.

Là một người được Chúa chọn để trở nên vị vua đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên, Sau-lơ đã không nhận biết đặc ân của mình. Thời gian trị vì của ông được đánh dấu bằng những thất bại, ganh ghét và giết người. Ông đã cố ý không vâng lời Chúa (I Sa. 15:1-35) và vi phạm luật pháp của Chúa khi dâng của lễ mà chỉ thầy tế lễ mới được làm (I Sa. 13:1-14). Sau-lơ đã mở cửa để ma quỷ bước vào tấm lòng mình, ông nhiều lần bị ác thần quấy rối (I Sa. 16:14; 18:10; 19:9). Ông dành nhiều thời gian để lập mưu giết Đa-vít và nhiều người vô tội khác. Ông đã đi cầu đồng bóng và bảo bà gọi hồn của Sa-mu-ên lên, điều này vi phạm luật pháp của Chúa (I Sa. 28:1-20). Sau-lơ đã kết thúc cuộc đời mình bằng việc tự tử (I Sa. 31:4). Dù là người được Chúa chọn để sử dụng cho vai trò hết sức đặc biệt, Sau-lơ đã sa sút và cứ trượt dài trong tội lỗi và cuối cùng đánh mất tất cả, thậm chí mạng sống của mình.


Mô hình chữ U – Sa sút và trượt dài nhưng cuối cùng ăn năn

pic 1

Bạn sa sút trong đời sống thuộc linh và trượt dài trong sự yếu đuối. Nhưng bởi ơn thương xót của Chúa, Ngài tha thứ bạn, phục hồi bạn, đỡ bạn đứng dậy từ chỗ vấp ngã để bạn tiếp tục sống cho Ngài bởi sức của Ngài. Sau vấp ngã đó, bạn càng yêu mến Chúa hơn. Bạn không sống bằng sức riêng, nhưng nương cậy nơi sức Chúa để cứ tăng trưởng mỗi ngày trên con đường nên thánh, mỗi ngày càng giống Chúa hơn.

Một nhân vật trong Kinh Thánh có thể minh họa cho mô hình này là Đa-vít. Là một vị vua vĩ đại của đất nước Y-sơ-ra-ên, Đa-vít cũng là người kính sợ Chúa. Nhưng ông đã bị cám dỗ và đã phạm tội với Chúa trong sự yếu đuối của mình. Ông đã sa sút và trượt dài trong tội lỗi. Ông tham muốn Bát-sê-ba, vợ U-ri (II Sa. 11:2-3), phạm tội tà dâm với bà (II Sa. 11:4), cướp lấy bà khỏi U-ri (II Sa. 12:9), lừa dối U-ri (II Sa. 11:12-13) và cuối cùng dùng mưu giết U-ri (II Sa. 12:9). Nhưng khi Chúa sai tiên tri Na-than đến để quở trách ông, ông đã nhận ra tội lỗi gớm ghiếc của mình và đã ăn năn với Chúa. Thi Thiên 51 là bài ca ăn năn bày tỏ tấm lòng đau thương thống hối của ông. Chúa đã phục hồi ông và tiếp tục sử dụng ông cách đặc biệt.


Mô hình chữ V – Sa sút nhưng nhanh chóng ăn năn

pic 1

Bạn vấp ngã, thất bại nhưng ngay khi Chúa cảnh tỉnh, bạn ăn năn trở lại với Ngài. Bạn nhận biết sự yếu đuối của mình khi sống bằng sức riêng. Vì vậy, bạn quyết tâm nhờ cậy nơi sức Chúa để sống mỗi ngày. Khi đã kinh nghiệm ơn tha thứ và cứu chuộc của Chúa, bạn sống một cuộc đời được biến đổi từng ngày, tiếp tục phục vụ Chúa trong năng quyền của Ngài.

Phi-e-rơ đã là một người như thế. Là môn đồ can đảm và luôn luôn nóng cháy trong mọi việc, Phi-e-rơ đã thể hiện sự sốt sắng với Chúa và yêu mến Ngài cách nhiệt thành. Ông được trải nghiệm những điều đặc biệt mà không một môn đồ nào khác có được. Ông đã bước đi trên mặt nước đến với Chúa Jêsus (Mat. 14:28-29), ông là người đầu tiên xưng nhận Chúa Jêsus là Đấng Christ (Mat. 16:16). Khi Chúa báo trước rằng ông sẽ chối bỏ Ngài, ông đã mạnh mẽ khẳng định: “cho dù phải chết với Thầy đi nữa, con sẽ chẳng chối Thầy đâu” (Mat. 26:34-35). Nhưng điều đó đã xảy ra, vào đêm Chúa Jêsus bị bắt, trong sân của dinh thầy tế lễ thượng phẩm, Phi-e-rơ đã chối Chúa ba lần. Sau đó, khi nghe tiếng gà gáy, ông nhận ra điều mình đã làm, lòng ông tan vỡ và ông đã đi ra ngoài, khóc lóc cách đắng cay (Mác 14:66-72). Phi-e-rơ ăn năn với Chúa và Chúa đã tha thứ cho ông. Ngài đã phục hồi ông trong khoảnh khắc đầy cảm động ở bờ biển Ti-bê-ri-át (Gi. 21:15-17). Về sau, ông trở thành một lãnh đạo đầy kết quả của hội thánh đầu tiên và phục vụ Chúa trọn cuộc đời mình.

pic 1

Bạn thân mến! Dù bạn nghĩ đời sống thuộc linh của mình theo mô hình nào thì điều quan trọng là hãy hạ mình trước Chúa để Ngài bày tỏ cho bạn biết điều Ngài thật sự nhìn thấy ở bạn. Hãy học nương cậy nơi sức Ngài vì chúng ta cần Ngài mỗi giây phút trong đời mình. Như sứ đồ Phao-lô đã từng nói: “Nhưng nhờ ân điển của Đức Chúa Trời mà tôi được như ngày nay, và ân điển của Ngài ban cho tôi không phải là vô ích” (I Côr. 15:10). Ước mong đó cũng là điều người khác thấy ở cuộc đời chúng ta – một cuộc đời sống bởi ơn Chúa và sống vì ơn Chúa.

Tác giả: Sarang Mai

Minh họa: SaraNg

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/