NGƯỜI TRẺ NGHĨ GÌ VỀ LÒNG BIẾT ƠN?

Tác giả: Phương Quỳnh

Lòng biết ơn là điều mỗi chúng ta đều được dạy dỗ rất nhiều từ khi còn thơ bé. Biết ơn là ý thức mình nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Chúng ta cần phải cảm thấy biết ơn mới có thể nói lên lời cảm ơn. Tuy nhiên trên thực tế, điều này chỉ xảy ra khi chúng ta thực sự nhận được một điều gì đó hữu hình, cụ thể từ người khác, chẳng hạn như quà tặng. Vậy thì, còn những trường hợp như nhân viên trong quán ăn đã tận tình phục vụ bạn, bác tài xế xe buýt đã lái xe cẩn thận để đưa bạn đến nơi an toàn thì sao? Đã bao giờ bạn thực sự cảm thấy biết ơn sự giúp đỡ của họ?

Câu chuyện mười người phung được chép trong Lu-ca 17:11-19 cho chúng ta thấy trong số mười người được Chúa chữa lành chỉ có một người, là người Sa-ma-ri, quay lại cảm ơn Chúa. Khi người này đến quỳ trước mặt Chúa bày tỏ lòng biết ơn, Chúa Jêsus hỏi: “Không phải tất cả mười người đã được chữa lành sao? Còn chín người kia ở đâu?” Tất cả mười người đều được chữa lành cùng một căn bệnh nan y như nhau, nhưng chỉ có một người ý thức được ơn huệ Chúa ban cho mình. Chín người kia, có lẽ vì quá vui mừng đã đi luôn mà không quay lại nói một lời cảm ơn Chúa.

Thái độ thiếu lòng biết ơn Chúa của họ tiêu biểu cho một thực trạng đáng buồn rất phổ biến từ xưa đến nay. Điều gì khiến người Sa-ma-ri quay lại tạ ơn Chúa? Có người cho rằng người có lòng biết ơn nhiều nhất là người đã kinh nghiệm nhiều khổ đau nhất. Điều này dường như đúng trong trường hợp của người Sa-ma-ri. Dân tộc Sa-ma-ri là kết quả của việc người Do Thái kết hôn với các dân tộc ngoại bang từ hàng trăm năm trước. Người Do Thái thời đó khinh thường người Sa-ma-ri vì cho rằng họ không thuần chủng. Sự kỳ thị của người Do Thái đối với người Sa-ma-ri rất nặng nề. Phong tục thời đó cho biết người Do Thái không tiếp xúc với người Sa-ma-ri. Nếu chẳng may một người Do Thái khi đi đường mà bóng của người Sa-ma-ri chạm trên người Do Thái, người Do Thái đó phải trở về nhà tắm nhiều lần cho được tinh sạch. Người Do Thái xem cả dòng giống Sa-ma-ri là ô uế và liệt người Sa-ma-ri vào loại dân hạng hai trong xã hội Do Thái.

text

Chúng ta đều biết không ai có quyền chọn lựa cha mẹ hay dân tộc cho chính mình. Người Sa-ma-ri trong câu chuyện này chẳng may sinh ra là người Sa-ma-ri và do đó anh bị khinh rẻ. Bên cạnh việc bị kỳ thị, người Sa-ma-ri trong câu chuyện này gặp một chuyện đáng buồn hơn, đó là anh bị bệnh phung. Vì lý do y tế, tất cả người phung phải bị cách ly. Vào thời đó, xã hội Do Thái không có bệnh viện cho người bị phung nên họ bị đuổi ra khỏi làng mạc, họ phải sống trong các nghĩa địa hay nhà mồ. Khi nào có việc phải vào thành phố, họ phải vừa đi vừa la lớn: “Ô-uế! Ô-uế!” để người khác biết và tránh xa. Từ địa vị công dân hạng hai, bệnh phung đã đưa người Sa-ma-ri trong câu chuyện này xuống tận đáy xã hội. Cuộc đời anh thấm thía nỗi đau của một người bị người đời phân biệt và khinh miệt. Tuy nhiên, tại đáy của xã hội, thành kiến dân tộc bị phá vỡ, bệnh phung đã đem người Sa-ma-ri này đến với chín người Do Thái kia. Điều đáng buồn là khi được chữa lành, chín người kia trở về với cuộc sống bình thường của họ; người Sa-ma-ri trở lại với địa vị thứ dân của mình; bức tường thành kiến được xây trở lại; và anh không được tiếp xúc với những người bạn cũ nữa.

Tuy nhiên, những điều đó đối với anh không quan trọng. Giờ đây anh đã được chữa lành. Anh sẽ trở về với làng mạc, với gia đình, với những người thân yêu của mình. Dầu phải trở lại cuộc đời của một thứ dân, giờ đây anh không còn phải sống cuộc sống lay lắt giữa vòng những người đã chết nữa. Phước hạnh đó đối với anh quá lớn, anh không thể nào không cảm ơn người đã cứu giúp anh. Hơn thế nữa, suốt cả cuộc đời, anh bị công khai sỉ nhục quá nhiều lần. Giờ đây, chẳng có gì phải xấu hổ để anh làm một điều đúng, đó là công khai bày tỏ lòng tri ân của mình đối với Chúa. Đến với Chúa, anh khám phá ra một điều bất ngờ. Chúa không kỳ thị anh. Chúa tiếp nhận anh và Ngài nâng anh lên. Chúa phán với anh: Hãy đứng dậy! Đức tin của ngươi đã cứu ngươi (c.19).

Chúng ta có thể trách chín người không biết ơn Chúa, nhưng lắm khi chúng ta cũng giống như chín người kia. Nhiều khi chúng ta nhận được ơn của người khác, nhưng vì tự ái, vì kiêu ngạo, chúng ta muốn phủ nhận ơn của họ. Nhiều người cũng không biết ơn Chúa. Họ bảo rằng theo Chúa có thể có cơm ăn, áo mặc, nhà ở mà không cần làm việc phải không? Những người này không hiểu rằng: dầu chúng ta phải làm việc mới có cái ăn, cái mặc, nhưng tất cả những gì chúng ta thấy, chúng ta có đều bắt nguồn từ Chúa. Thân thể, sự khôn ngoan, sức khỏe, khả năng, gia đình, rồi đến của cải, môi trường sống, thiên nhiên, mưa, nắng đều bắt nguồn từ Chúa. Chúa không tạo dựng trái đất, không ban ơn gìn giữ thì chúng ta chẳng có gì cả Khi tạ ơn Chúa vì Ngài là Đấng bảo vệ, chúng ta sẽ nhớ phước hạnh Chúa ban trên cuộc đời chúng ta. Mỗi ngày thức dậy, chúng ta thấy mình còn sống thì hãy tạ ơn Chúa. Rô-ma 8:28 chép: “Vả chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời. Tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định”. Sự ban cho của Chúa chính là điều khiến chúng ta dâng lời cảm tạ Ngài. Và sự cảm tạ có thể được bày tỏ qua “đời sống tạ ơn” của chúng ta. Như lời bài Thánh Ca 678 Lời Tạ Ơn:

Lời tạ ơn con xin dâng lên, chung hòa tiếng ca vang Ha-lê-lu-gia
Với lòng biết ơn luôn Ha-lê-lu-gia, con thành tâm dâng Chúa
Lời ngợi khen vang trong không gian, suốt đời ngát hương luôn Ha-lê-lu-gia
Tôn thờ Danh Chúa suốt cuộc đời.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/tieu-diem/