TIN CHÚA, NHƯNG KHÔNG CẦN HỘI THÁNH?

“Tôi yêu Chúa Jêsus, chứ không phải hội thánh.”

Gần đây có người đã nói với tôi như vậy. Điều đó khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều.

“Tôi chỉ muốn nghe giảng trực tuyến tại nhà thôi. Tôi không bao giờ bỏ Chúa Jêsus, nhưng tôi đã từ bỏ hội thánh rồi” – người đó nói thêm.

Liệu chúng ta có thể tin Chúa Jêsus mà không cần đến hội thánh không? Vai trò của hội thánh địa phương trong việc biến đổi đời sống cá nhân là gì? Một người có thể tăng trưởng thuộc linh mà không cần thông công với hội thánh địa phương không?

Khi nói về vấn đề này, tôi cảm thấy lúng túng về mặt giáo lý, nhất là khi vấn đề lại liên quan đến bản chất và vai trò của hội thánh. Chúng ta hãy cùng nhau xem lại Kinh Thánh nói gì về hội thánh.

1. Chúng ta ở trong hội thánh vì chính bản thân mình

Đức Chúa Trời là Ba ngôi hiện diện giữa hội thánh. Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Linh cùng hiện diện trong mối thông công hiệp nhất tuyệt vời. Vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 1:27), chúng ta cũng được gọi để sống trong cộng đồng hiệp nhất. Hội thánh là một cộng đồng được Chúa gây dựng để dành riêng cho chúng ta.

Hội thánh được xem là một cộng đồng những người tin Chúa, nhưng không đơn thuần là một hệ thống do con người dựng nên. Chúa Jêsus đã hứa: “Ta sẽ xây dựng Hội Thánh Ta” (Ma-thi-ơ 16:18), và Ngài xây dựng hội thánh bằng cách gọi con dân Ngài đến với chính Ngài. Trước giả Lu-ca cũng cho biết hội thánh phát triển không chỉ do nỗ lực của con người, nhưng còn là công việc Chúa làm mỗi ngày (Công vụ 2:47). Ngày nay, Chúa vẫn đang tiếp tục xây dựng hội thánh vì ích lợi của chúng ta, và vì danh vinh hiển của Ngài.

Hội thánh của tôi từng trải qua giai đoạn khó khăn. Trong hội thánh lúc đó có sự chia rẽ trầm trọng, và mọi người cứ cáo buộc lẫn nhau. Thời điểm đó, chúng tôi tưởng rằng mình sẽ phải tách thành nhiều hội thánh nhỏ. Nhưng Chúa đã can thiệp, và khi chúng tôi cùng nhau kiêng ăn cầu nguyện, hội thánh đã một lần nữa phát triển trong tinh thần hiệp một và phát triển. Danh Chúa thật đáng tôn ngợi thay, vì chính Ngài đã khiến hội thánh chúng tôi tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn đó.

Chúa chúng ta là Đức Chúa Trời của sự hiệp một. Trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký, chúng ta thấy Đức Chúa Trời mong muốn nhóm hiệp dân sự Ngài lại và khiến họ trở nên dân thuộc riêng về Ngài, dầu cho họ đã bị trừng phạt phải lưu lạc khắp nơi vì sự bất tuân của mình (Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:1-8; 28:64). Một trong những mục đích của hội thánh là giúp con cái Chúa nhóm nhau lại và thờ phượng Ngài. Trong Cô-lô-se 3:16, Phao-lô khuyên chúng ta “hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau, dùng thi thiên, thánh ca, linh khúc để hát cho Đức Chúa Trời với lòng biết ơn”. Trong Ê-phê-sô, Phao-lô cũng nói rằng chúng ta được Chúa lựa chọn để “ca ngợi vinh quang của Ngài” (Ê-phê-sô 1:12).

Kinh Thánh cho biết Chúa sẽ uốn nắn chúng ta khi chúng ta nhóm lại thờ phượng Ngài. Về cơ bản, thờ phượng là bày tỏ tấm lòng. Chúng ta chỉ có thể thờ phượng Chúa khi nhận biết rằng mình là những người kém cỏi trước sự hiện diện của Đấng vĩ đại tuyệt vời. Chúng ta là những tội nhân đáng nhận lấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời ngay thẳng và thánh khiết. Chỉ bởi ân điển của Đấng Christ và lòng nhân từ của Đức Chúa Trời mà chúng ta được tha thứ và được trang bị sẵn sàng cho Thiên quốc. Vì thế với lòng kính sợ run rẩy, cùng tình yêu và lòng biết ơn, chúng ta quỳ gối xuống và thờ phượng Vua của chúng ta. Khi dùng tư tưởng này mà nhóm lại với nhau, tấm lòng chúng ta được ví như mảnh đất màu mỡ để thực hiện công việc phục hưng của Đức Chúa Trời. Có thể không phải tuần nào chúng ta cũng cảm thấy sốt sắng, nhưng hãy nhớ rằng Chúa đang vận hành qua những buổi nhóm thường lệ của chúng ta.

Khi hướng dẫn Ti-mô-thê lãnh đạo hội thánh, Phao-lô khuyên vị mục sư trẻ hãy luôn siêng năng, phải suy xét bản thân và sự giảng dạy của mình một cách cặn kẽ, để giữa cơn bắt bớ “thì [con] và những người nghe [con] đều được cứu” (I Ti-mô-thê 4:13-16). Tương tự, chúng ta cũng được Chúa biến đổi khi kiên trì suy xét chính mình một cách cẩn thận – khi chúng ta cùng thờ phượng Chúa, cùng học lời Chúa, cùng dự Tiệc Thánh, và phục vụ nhau.

Bỏ qua sự nhóm họp lại là đánh mất phương cách mà Chúa đã thiết lập để giúp chúng ta tăng trưởng thuộc linh.

2. Chúng ta ở trong hội thánh vì anh chị em cùng đức tin

Trước khi chịu thương khó, Chúa Jêsus phán dặn những người theo Ngài phải “yêu thương nhau” (Giăng 13:34). Và cách để chúng ta vâng theo mạng lệnh này là trở nên một phần của hội thánh địa phương.

Là một hội thánh, chúng ta có nghĩa vụ phải quan tâm đến những người cùng niềm tin và giúp đỡ nhau lớn lên trong đức tin (Cô-lô-se 1:28). Để làm điều này, Đấng Christ đã đặt các sứ đồ làm nền móng của hội thánh (Ê-phê-sô 2:20), và Ngài xây dựng hội thánh gồm những nhà tiên tri, giáo sư, mục sư, và những nhà truyền giảng Tin Lành (Ê-phê-sô 4:11-13). Trước giả sách Hê-bơ-rơ thúc giục chúng ta: “Hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và thuận phục họ, bởi họ canh giữ linh hồn anh em như người sẽ phải khai trình. Hãy giúp họ vui vẻ làm xong nhiệm vụ mà không phàn nàn, vì điều đó không ích lợi gì cho anh em” (Hê-bơ-rơ 13:17). Đây là những nhà lãnh đạo mà Chúa sử dụng để giúp chúng ta trở nên những tín đồ giàu trách nhiệm và tăng trưởng thuộc linh.

Với mỗi người giữ một nhiệm vụ được đề cập trong Kinh Thánh, tất cả chúng ta đều hiệp một vì Đại Mạng Lệnh rao giảng Tin Lành. Tuy chúng ta không phải ai cũng là mục sự hoặc giáo sư, nhưng tất cả chúng ta đều ở trong Đấng Christ, và đan kết với nhau bởi một mối liên hệ gia đình thiêng liêng (Ê-phê-sô 2:19). Sách Công Vụ Các Sứ Đồ vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp về hội thánh, khi mà mọi người chuyên tâm giữ lời dạy của các sứ đồ. Tất cả mọi người hiệp lại với nhau, cùng dùng bữa và cầu nguyện. Tất cả mọi người lấy tài vật của mình làm của chung, bao gồm tài sản và những đồ cần dùng cho anh chị em (Công vụ 2:42).

Đây cũng chính là cách sống mà chúng ta nên theo đuổi. Chúng ta không thể đọc phân đoạn Kinh Thánh này rồi lại quay đi và cho rằng: Cơ Đốc giáo là một tôn giáo “chỉ có tôi và Chúa Jêsus”. Thay vào đó, gánh nặng của bạn là gánh nặng của tôi, niềm vui của bạn là niềm vui của tôi, và cuộc đời của bạn cũng là cuộc đời của tôi. Đức Chúa Trời dùng tất cả chúng ta để ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, nhằm tiếp tục công việc của Đấng Christ nhờ vào năng quyền Thánh Linh.

Người bạn mà tôi đề cập ở trên đã không đến hội thánh nữa. Nhưng hội thánh vẫn quan tâm anh ấy – viếng thăm và cầu nguyện – khi anh trải qua giai đoạn khó khăn vì bệnh tật và khủng hoảng trong gia đình. Dần dần, anh bắt đầu nhận ra rằng thật không đúng khi bỏ hội thánh, bỏ cộng đồng anh chị em cùng niềm tin, và anh đã quay về với hội thánh.

Sự cứu rỗi không phải là chuyện cá nhân hay riêng tư. Sự cứu rỗi kết nối chúng ta với Chúa và con dân Ngài. Kinh Thánh đã cho chúng ta một mô hình chuẩn mực về cộng đồng hội thánh để chúng ta tiếp tục vươn đến sự trưởng thành trọn vẹn trong Đấng Christ.

3. Chúng ta ở trong hội thánh vì những người chưa tin

Khi cam kết gắn bó với hội thánh địa phương, là một phần thân thể Đấng Christ, chúng ta cũng công bố cho thế giới biết điều quan trọng nhất đối với mình. Những người xung quanh sẽ thấy chúng ta dành thời gian và sức lực của mình cho điều gì. Hãy thử nghĩ xem, chúng ta sẽ nói gì với người khác nếu cứ chọn ở nhà ngủ nướng, đi chơi, hoặc làm việc nhà thay vì đi nhóm! Ắt hẳn chúng ta đều biết rõ, có những người lấy cớ “Cơ Đốc nhân cũng chẳng tốt lành gì” để từ chối tin nhận Chúa. Có những người mỉa mai, cho rằng chúng ta thật rồ dại khi dâng 1/10. Nhưng sứ điệp của thập tự giá chính là quyền năng của Đức Chúa Trời dành cho những người được cứu (I Cô-rinh-tô 1:18).

Chúa Jêsus phán: “Nếu các con yêu thương nhau, thì bởi đó, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đồ Ta” (Giăng 13:35). Tình yêu thương chúng ta dành cho anh chị em trong Đấng Christ là một hình ảnh đẹp về Chúa cho cả thế giới đều thấy.

Chẳng hạn như tôi. Tôi lớn lên trong một gia đình đổ vỡ, và năm 12 tuổi, tôi giao du với những băng nhóm giang hồ và sống trong tội lỗi. Tôi thật sự giận giữ và tuyệt vọng. Trên tất cả, tôi ghét Chúa, và với tôi, những người tin Chúa là những kẻ lúc nào cũng tự cho mình là đúng, đạo đức giả và hay đoán xét.

Thế nhưng, năm 15 tuổi, tôi đã gặp một vị mục sư, và nhận thấy ông có phần khác biệt với suy nghĩ của mình. Tôi thấy hội thánh yêu mến và tôn trọng ông, và ông cũng đối đãi với hội thánh giống như vậy, nên tôi hỏi ông: “Mục sư có bí quyết gì không?” Và đó là lần đầu tiên ông chia sẻ Phúc m cho tôi. Một năm sau đó, tôi quyết định dâng cuộc đời mình cho Đấng Christ.

Tất nhiên, tất cả chúng ta không ai hoàn hảo cả. Trong hội thánh sẽ luôn có những rạn nứt và những việc không nên xảy ra. Suy cho cùng, hội thánh được hình thành từ những con người tan vỡ! Nhưng dù thế nào, Chúa vẫn sử dụng chúng ta để ảnh hưởng tích cực lẫn nhau.

Nhờ ân điển Chúa, tình yêu chúng ta dành cho người khác và tinh thần hỗ trợ lẫn nhau sẽ chiếu sáng trên thế giới này. Tất cả chúng ta, dầu là người tin Chúa hay không, đều được tạo dựng theo hình ảnh Chúa. Tất cả chúng ta, tận sâu thẳm, đều khao khát một mối thông công chân thật với người khác, và với Ba ngôi Đức Chúa Trời. Bởi ân điển Chúa, tình yêu chúng ta bày tỏ qua hội thánh sẽ cho thế gian thấy được phép màu. Chúa đã lựa chọn hội thánh địa phương làm phương tiện bày tỏ vinh quang của Ngài cho mọi dân tộc.

Hội thánh không phải là một tùy chọn “có hoặc không”

Hội thánh không chỉ đơn giản là chỗ để gặp gỡ hay một tòa nhà để tụ họp. Vai trò chúng ta đang có ở hội thánh địa phương định hình phần lớn giá trị của chúng ta nơi Đấng Christ, và giá trị này định hình cả cuộc đời chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta thấy Chúa đặt ra những khuôn mẫu nhất định nằm giúp chúng ta tăng trưởng, và qua đó chúng ta yêu mến lẫn nhau. Khi trở thành một phần của hội thánh, chúng ta cũng tuyên bố quyền công dân của mình trong Vương quốc Đấng Christ!

“Chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành. Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê-bơ-rơ 10:24-25).

Nội dung: YMI X Jonathan Hayashi

Chuyển ngữ và biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2018/04/can-we-have-jesus-but-not-the-church/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/