TÔI 70 TUỔI… VÀ TÔI VẪN ĐANG HỌC ĐỂ HIỂU THẾ NÀO LÀ PHỤC VỤ

Bạn thân mến,

Tôi đang không biết phải bắt đầu thế nào. Có lẽ bởi vì tôi vẫn cần phải học rất nhiều để biết cách chia sẻ một điều gì đó với người khác, huống hồ chi đó là một điều thật sự quan trọng. Tôi sẽ bắt đầu bằng một câu chuyện.

Trong số những tranh biếm họa khiến tôi bật cười, có một bức tranh mà tôi nhớ rất rõ. Bức tranh đó nói về một người đang có buổi ăn tối hẹn hò và anh ta đang cố gắng để tạo ấn tượng tốt. Khi bữa ăn kết thúc, anh lấy thẻ tín dụng ra để trả tiền. Cảm thấy buổi tối hôm đó rất tuyệt, anh hít một hơi thật sâu và nói: “Anh đã nói nhiều về anh rồi. Bây giờ nói về em đi. Em nghĩ gì về anh?”

Tại sao tôi nhớ rõ câu đó ư? Có lẽ bởi vì tôi đã nhiều lần kể lại câu chuyện cười đó cho người khác. Cũng có lẽ bởi vì tôi đang cố gắng để đối diện với khuynh hướng của chính mình là quá quan tâm đến bản thân mà ít quan tâm đến người khác.

Tôi không còn trẻ nữa khi viết bài này. Trong hơn 70 năm của cuộc đời, tôi đã ngồi ở nhiều bàn họp và nhìn nhiều cặp mắt. Ở giai đoạn sau này, tôi vẫn thấy chính mình dễ quên mất mục đích sống của mình ở đây và điều gì khiến cuộc đời Chúa ban cho chúng ta trở nên đáng sống.

Bởi vì điều này, tôi biết ơn những người vẽ tranh biếm hóa, các tác giả và những nhà lãnh đạo cộng đồng, cùng với gia đình, bạn bè và những người thầy, đã giúp tôi nhận ra rằng cuộc đời đẹp đẽ không phải là cuộc đời sống vì bản thân, mà là sống vì người khác. Tôi đã có rất nhiều cơ hội để nhìn thấy sự kỳ diệu của một hành động đơn giản xuất phát từ lòng nhân hậu, ngay cả khi lòng nhân hậu đó được bày tỏ với một cái cây đang héo, một con vật đang hoảng sợ hay một người đang nghi ngờ.

Điều quan trọng nhất là tôi đã được biết đến câu chuyện của Chúa Jêsus, Đấng vô cùng kiên nhẫn với chúng ta là những người cứ mãi vấp ngã. Trong rất nhiều cách, Ngài đã cho chúng ta lý do để tin rằng khi Ngài kêu gọi những người như chúng ta theo Ngài, và ngay cả khi Ngài hỏi người ta nghĩ gì về Ngài, thì Ngài cũng không nghĩ về chính mình.

Đó là lý do tại sao tôi hy vọng rằng bạn sẽ không ngừng học hỏi từ Ngài và học một ít từ những sai lầm của những người đã già như tôi.

Người lãnh đạo phục vụ chúng ta

Vào đêm Chúa Jêsus bị phản bội và chịu thương khó, các môn đồ đã ngồi lại và tranh biện với nhau (Lu-ca 22:24). Họ nghĩ Đấng Mết-si-a mà họ chờ đợi từ lâu sắp cai trị thế giới và một số người trong vòng họ thích hợp hơn để giúp Ngài loại trừ Sê-sa và cùng cai trị với Ngài.

Họ không mong đợi để nghe Ngài nói những lời này:

“Các vua dân ngoại lấy quyền mà cai trị, các bậc cầm quyền được gọi là người ban ơn thí phước. Về phần các con thì đừng như vậy, nhưng ai lớn nhất trong các con phải trở nên như kẻ nhỏ nhất, và ai là người lãnh đạo phải như người phục vụ. Vì giữa người ngồi ăn với người phục vụ, ai là người lớn hơn? Có phải là người ngồi ăn không? Nhưng Ta ở giữa các con như người phục vụ vậy. (Lu-ca 22:25-27)

Hãy tưởng tượng đâu là khung cảnh nên xảy ra tại chiếc bàn đêm hôm ấy. Trước đó, chúng ta đã thấy Chúa Jêsus quỳ xuống rửa chân cho các môn đồ, như một người đầy tớ (Giăng 13:1-17). Chúng ta đã nghe Ngài nói rằng, là bạn hữu của Ngài, một điều quan trọng là phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu chúng ta (15:12-15).

Dù không biết chắc, nhưng tôi nghĩ tôi có thể hiểu được phần nào lý do các môn đồ, cũng là những lãnh đạo đang được huấn luyện này bị bối rối. Gia đình và lịch sử quốc gia của họ đầy những người lãnh đạo mạnh mẽ. Một số lãnh đạo thì vô cùng tàn bạo. Một số thì nhân từ. Nhưng tất cả đều lãnh đạo ở phía trước, ở phía trên, và từ những vị trí kiểm soát và ra lệnh. Chẳng có gì ngạc nhiên khi họ thấy khó chấp nhận với những phương cách trái ngược của Chúa Jêsus.

Người lãnh đạo nêu gương và ban năng lực cho chúng ta

Chúa Jêsus không chỉ tạo danh tiếng của Ngài bằng cách đặt nhu cầu của chúng ta lên trước nhu cầu của Ngài, mà Ngài còn đi một bước xa hơn là mời gọi các môn đồ và nhóm lãnh đạo cùng Ngài bày tỏ con đường đến với Đức Chúa Trời bằng những cách mà họ chưa từng nghĩ đến.

Chỉ khi nhìn lại chúng ta mới có thể thấy rằng mọi điều xảy ra vào đêm lễ Vượt Qua đó, và trong những phép lạ của ngày lễ Ngũ Tuần năm tuần sau đó, là nhằm kéo chúng ta vào chỗ hành động. Bằng cách chịu chết để bày tỏ tình yêu lớn lao của Ngài dành cho chúng ta, Ngài đã dẫn đường. Bằng cách ban Thánh Linh Ngài cho chúng ta, Ngài ban năng lực để chúng ta bước theo Ngài trong sự yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ (Ga-la-ti 5:22-25). Điều này có thể là cuộc cách mạng nhân từ hơn, mềm mại hơn mà Chúa Jêsus hướng đến trong tuyên bố của Ngài về Nước Trời (Ma-thi-ơ 5:1-12).

Qua rất nhiều năm, tôi đã được khích lệ bởi câu chuyện của những người đã liều mình để bước theo dấu chân của Chúa Jêsus trong cách họ lãnh đạo – không phải bằng sự đe dọa hay cưỡng ép, mà bằng sự quan tâm lẫn nhau.

Có lẽ đó là lý do tôi nhớ về người thầy đã dành thời gian để hỏi tôi về cuộc sống của tôi khi lớn lên; vị mục sư đã kiên nhẫn lắng nghe trong lúc đen tối của cuộc đời tôi; và một lãnh đạo Cơ Đốc lớn tuổi hơn đã mở lòng để chia sẻ với tôi rằng ông cũng gặp trở ngại với những phần giải nghĩa Kinh Thánh mà dường như không phản ánh tấm lòng của Cha Từ Ái.

Những hành động hy sinh bản thân đã giúp tôi hiểu phần nào về những người trong thời Chúa Jêsus khi họ nhìn chính mình qua đôi mắt của Ngài. Và tôi linh cảm rằng có những người trong thế giới của bạn mà sẽ nhận được ích lợi khi họ thấy bạn như một anh em cùng đức tin và người lãnh đạo đầy tớ chịu ảnh hưởng bởi sự kiên nhẫn và nhân từ của Ngài.

Bước theo Thánh Linh của Chúa Jêsus

Vâng, tôi tin chắc rằng đây là nụ cười mà bạn phải trao đi. Nhưng xin đừng nghĩ tôi đang nói rằng nếu bạn “nhận nó”, hãy “bày tỏ nó”. Tôi đã rút ra được bài học cay đắng rằng sự quyết tâm cá nhân để gạt bỏ lợi riêng vì lợi ích của người khác thường không tồn tại lâu lắm.

Tôi vẫn đang học rằng kiểu lãnh đạo đầy tớ mà Chúa Jêsus nói đến không bắt đầu với quyết định bước theo Ngài bằng những hành động can đảm để hy sinh bản thân. Đó không chỉ là vấn đề học để đưa ra lựa chọn đúng đắn. Học để lãnh đạo theo gương Ngài cần một điều sâu sắc hơn nhiều. Như Chúa Jêsus tin rằng Ngài được Cha yêu thương và dẫn dắt, chúng ta cũng cần tin lời bảo đảm của Ngài rằng chúng ta được yêu, và chúng ta cũng được Thánh Linh dẫn dắt để quan tâm đến người khác.

Bản chất tự nhiên của chúng ta sẽ luôn chăm lợi riêng của mình. Khuynh hướng thông thường của chúng ta sẽ luôn nghĩ rằng chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mình đặt tâm trí vào. Nhưng điều Chúa Jêsus dạy các môn đồ và cũng là điều Ngài đang dạy chúng ta, là chúng ta không thể theo Ngài hay ảnh hưởng cho Ngài trong thế giới cho đến khi chúng ta nhận ra điều mình không thể làm hay thay đổi được.

Có lẽ đó là lý do Chúa Jêsus để Phi-e-rơ và các môn đồ còn lại bỏ rơi Ngài lúc Ngài bị bắt. Có lẽ đó là lý do, sau khi Ngài sống lại, Ngài đã hỏi những lãnh đạo đang được huấn luyện đó chờ đợi Thánh Linh Ngài trước khi cố gắng dẫn đưa người khác đến với Ngài (Công Vụ 1:1-9).

Tôi vẫn kinh ngạc về điều xảy ra khi tôi nhớ nắm lấy lời đảm bảo của Chúa Jêsus rằng Cha Ngài (và cũng là Cha chúng ta) sẽ ban Thánh Linh Ngài cho những ai cầu xin. Tôi không bao giờ quên được niềm vui khi nhìn thấy và cảm nhận điều mà chỉ Ngài có thể làm để khiến tôi nhận ra rằng tôi không phải là lý do của cuộc sống tuyệt vời này.

Chúng ta bắt đầu với một bức tranh biếm họa chế giễu kiểu người mà không ai trong chúng ta muốn trở thành. Có lẽ chúng ta có thể kết thúc bằng một nụ cười khác. Điều gì sẽ cần để chúng ta kinh nghiệm niềm vui của việc từ bỏ “quyền lợi” của mình để trở thành kiểu môn đồ, người bạn và người ảnh hưởng giống Chúa Jêsus mà chúng ta khao khát trở thành? Hãy thực hiện bước kế tiếp để theo Chúa và lãnh đạo cùng nhau!

Tác giả: Mart DeHaan

Về tác giả

Mart DeHaan nguyên là chủ tịch của mục vụ Our Daily Bread Ministries, ông đã phục vụ trong 45 năm. Ông thường xuyên là diễn giả của chương trình radio Discover the Word, là tác giả của nhiều sách ngắn trong loạt Khám Phá Các Chủ Đề, và ông cũng viết về các vấn đề thời sự cho chuyên mục “Been Thinking About”. Ông và vợ là Diane có hai con. Mart thích dành thời gian cho những hoạt động ngoài trời, đặc biệt là câu cá.

Chuyển ngữ & Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2019/01/im-70-and-still-learning-what-it-means-to-serve/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/