TÔI LO LẮNG NHƯNG TÔI KHÔNG CÔ ĐƠN
Bước ra khỏi trạm tàu điện ngầm, tôi gặp những con người xa lạ. Khu đất bị bao phủ bởi thứ có vẻ như là bồ hóng. Và khi chen lấn qua đám đông tôi thấy tâm trí mình bị lấn át bởi tiếng ồn, âm thanh từ những người bán hàng rong, những người khách đang trả giá và giao thông hỗn loạn.
Tôi cố gắng tìm một ngõ hẻm để lấy lại nhịp thở. Tôi đang thở gấp và hoảng sợ bởi những hoạt động hỗn loạn đang diễn ra quanh mình. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy một con đường ít nhộn nhịp hơn nhưng nhanh chóng nhìn thấy chất lỏng chảy từ các tòa nhà ở cả hai bên con đường chật hẹp này. Những giọt nước này có thể là do các thiết bị điều hòa không khí, đem theo hàng triệu vi khuẩn, chúng khiến tôi càng hoảng loạn hơn nữa.
Đó là cách một trong nhiều nỗi lo sợ bắt đầu tấn công tôi.
Cuộc tranh chiến của tôi với chứng lo âu
Khi chuyển đến Hồng Kông hồi đầu năm 2017, tôi rất vui mừng và phấn khích vì cuối cùng có thể hoàn thành sự kêu gọi mình nhận được từ khi còn bé. Sinh trưởng trong gia đình Cơ Đốc ở Mê-xi-cô, Chúa đã đặt để trong tôi sự cưu mang cho khu vực Đông Á từ khi còn nhỏ và thời gian trôi qua, tôi nảy sinh ao ước dùng kỹ năng đa phương tiện của mình cho một hội thánh để giúp nhiều người được biết đến Đấng Christ và Phúc Âm của Ngài hơn.
Bất cứ khi nào Thành thật mà nói, mỗi ngày kể từ khi chuyển đến đây là một trận chiến vô hạn với các nỗi sợ: thiếu trật tự ở nơi công cộng, bị bao vây bởi đám đông và những nỗi sợ khác trong giao tiếp xã hội. Tôi đã vật lộn với chứng lo âu kể từ năm 2014, nhưng điều này trở nên nghiêm trọng hơn khi tôi rời thị trấn nhỏ với 2.000 dân của mình ở Mê-xi-cô để đến đô thị với 7 triệu dân ở Hồng Kông.
Chứng lo âu có thể khiến tôi tê liệt. Hầu như ngày nào tôi cũng không muốn ra khỏi giường để đối diện với người khác và với trách nhiệm mục vụ của mình. Vào những ngày tôi ra khỏi nhà, có những lúc do lượng người hiện diện đông đúc, tôi bắt đầu thở gấp trong buổi nhóm tại nhà thờ và chỉ muốn thoát khỏi nơi tôn nghiêm đó tới khi nào tôi bình tĩnh lại hoặc buổi nhóm kết thúc. Ở tàu điện ngầm, nếu lượng người quá đông tôi sẽ xuống tàu ở trạm tiếp theo và để cho những chuyến tàu tiếp theo chạy qua cho đến khi số người chen lấn ít hơn.
Nhưng cảm tạ Chúa, quyết tâm thực hiện các trách nhiệm hội thánh giao cho tôi thường lớn hơn mong muốn tránh né đám đông của tôi. Nhưng điều đã giúp ích cho tôi đó là nhớ rằng Chúa luôn hiện diện với tôi trong quá khứ và cách Ngài đã giúp đỡ tôi vượt qua những ngày tồi tệ. Chính những điều đó mới tạo động lực cho tôi tiếp tục bước về phía trước và trung tín trong công tác phục vụ.
Chúa ở cùng tôi
Lớn lên trong một gia đình Cơ Đốc, tôi dần quen thuộc với câu “Ngài không từ bỏ anh đâu” (Phục Truyền 31:8), “Đức Giê-hô-va là Đấng gìn giữ ngươi” (Thi Thiên 121:5), hay “Chúa là sự bình an của ngươi trong cơn bão” (Giăng 14:27). Dù vậy, tôi chưa bao giờ thật sự hiểu được những chân lý này đến khi tôi bắt đầu kinh nghiệm nỗi đau của chính mình. Sự bình an từ những lời hứa này trở nên cần thiết cho sự tăng trưởng và kiên nhẫn của tôi trong cuộc sống.
Những lúc cảm thấy bị đè nén cảm xúc hay khi cảm thấy hoảng loạn ở nơi công cộng, Chúa khiến lòng tôi bình an vì Ngài giúp tôi nhớ đến một bài hát ngợi khen hay một câu Kinh Thánh nào đó mà tôi đọc gần đây. Khi tôi tham gia chương trình truyền giảng hàng tuần ở phố đèn đỏ hay khi học cách lãnh đạo trong ban thanh niên của hội thánh mỗi tối thứ sáu, Chúa cho tôi sự mạnh dạn và tình yêu thương đối với người khác ngay đúng lúc tôi cần sự giúp đỡ của Ngài.
Chúa Jêsus phán với các môn đồ: “Ta đã bảo các con những điều nầy, để các con có sự bình an trong Ta. Các con sẽ có hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33). Câu Kinh Thánh này rất ý nghĩa với tôi, nhắc tôi rằng tôi không thể kinh nghiệm sự bình an trong cơn hoạn nạn nếu tôi không ở trong Chúa Jêsus, nếu tôi không yên nghỉ trong Ngài. Sự tin cậy nơi Chúa Jêsus, đức tin này – là mối tương giao mật thiết chân thật với Chúa. Và chúng ta có thể kinh nghiệm sự an toàn của mối tương giao mật thiết này trong những nan đề và xung đột của chính mình.
Chúa biết sự bắt đầu và kết thúc mỗi ngày của tôi. Ngài biết các sự việc sẽ diễn ra như thế nào và Ngài chăm sóc tôi vì Ngài biết tôi “vốn từ cát bụi” (Thi Thiên 103:14). Điều đó đúng với tất cả chúng ta. Trên hết, việc kinh nghiệm những khó khăn trong lúc vâng phục ý muốn của Chúa có thể giúp chúng ta mạnh mẽ hơn trong niềm tin và kinh nghiệm ân điển của Chúa ở mức độ sâu hơn – những điều chúng ta tưởng như không thể.
Hội thánh ở bên tôi
Một điều mà tôi thấy rất thực tế trong cuộc sống đó là Chúa dùng sự sẵn lòng cởi mở của tôi với mọi người để đem lại sự chữa lành và khích lệ. Khi tin tưởng mọi người trong hội thánh hơn, tôi cũng bắt đầu chia sẻ những tranh chiến của mình với họ. Và kết quả là tôi cảm nhận sâu sắc rằng mình được quan tâm hơn lúc nào hết. Mỗi lần họ cảm thấy tôi đang phải đối diện với chứng lo âu, họ sẽ đến ôm tôi, cầu nguyện cho tôi hoặc nhắn tin hỏi thăm tôi. Điều này đã tiếp thêm sự an ủi và bình an mà tôi không diễn tả được và cho tôi kinh nghiệm sự chăm lo cho nhau của các chi thể trong thân thể Đấng Christ.
Dù có thể khó để bạn bè và những người lãnh đạo hiểu rõ chứng lo âu của tôi nhưng tôi vẫn được chấp nhận và đối xử như con cái của Chúa. Tôi được phước thông qua mối thông công với những người cùng niềm tin khác kể cả trong những thuận cảnh hay nghịch cảnh.
Cuối cùng, những nan đề hiện tại của chúng ta không là gì khi so sánh với sự vinh quang dành cho chúng ta. Tương lai chúng ta dẫn đến một điều đó là được ở với Đấng Christ đời đời. Toàn bộ thời gian trên đất giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa của việc nương dựa nơi Chúa và vui hưởng mối tương giao mật thiết với Ngài. Điều này giúp chúng ta vượt qua những thử thách, đau đớn và những cơn bão trong cuộc đời. Ngài muốn dùng chúng ta để đem người khác vào gia đình của Ngài và Ngài cũng sử dụng những thách thức và sự yếu đuối của chúng ta, vì trong những điều đó, danh Ngài được chiếu rạng trước mặt mọi người để họ thấy Chúa nhiều hơn thấy chúng ta.
Tôi không nói rằng cuộc chiến của tôi với chứng lo âu là dễ dàng hơn hay đã được giải quyết. Thực tế, tôi vẫn trải qua những ngày tốt đẹp và những ngày tồi tệ mỗi tuần. Nhưng tôi vẫn ở đây. Và Chúa vẫn chu cấp cho tôi. Ngài vẫn đem đến những người khác trong cuộc sống để giúp tôi cứ tiến về phía trước. Chúa luôn thành tín dù tôi thất tín. Và Ngài vẫn là mọi điều tôi luôn cần.
“Vậy nên, chúng tôi không nản lòng, dù con người bên ngoài bị suy mòn dần nhưng con người bên trong ngày càng đổi mới hơn. Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sẽ đem lại cho chúng ta vinh quang cao trọng và vĩnh cửu, bởi chúng ta không chú tâm đến những điều thấy được, nhưng chú tâm đến những điều không thấy được. Vì những điều thấy được chỉ là tạm thời, còn những điều không thấy được là vĩnh cửu”(II Cô-rinh-tô 4:16-18).
Chuyển ngữ: Thiên Ái
Biên tập: ODB Việt Nam
Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/