TRÔNG ĐỢI SỰ THÀNH TÍN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Hôm nay có lẽ là ngày đó. Chắc chắn có điều gì đó khác biệt về ngày hôm nay.

Si-mê-ôn ngồi ở sân ngoài đền thờ, khu vực dành cho phụ nữ, ông quan sát và chờ đợi. Ánh mắt ông lướt qua những người đang bước vào để dâng của lễ.

Hôm nay chắc hẳn là ngày đó. Nếu không thì sao Đức Thánh Linh lại cảm thúc ông đến đền thờ chứ? Ông biết đó là Đức Thánh Linh, ông đã cảm nhận được Ngài trước đó, không thể nhầm lẫn được. Ông đã biết được cách hành động của Đức Thánh Linh khi Ngài ban lời hứa mà sẽ quyết định phần còn lại của cuộc đời ông.

Ông sẽ tận mắt thấy Đấng Mê-si-a, Đấng được xức dầu để phục hồi Y-sơ-ra-ên và hoàn thành lời hứa của Đức Chúa Trời đối với dân Ngài. Đấng sẽ đem đến sự hòa bình và thịnh vượng và là Đấng công bố sự tha thứ và phục hồi. Si-mê-ôn sẽ thấy Ngài trước khi qua đời.

Trong những ngày sau lời hứa ấy, mọi người đều có thể là Đấng Mê-si-a. Si-mê-ôn quan sát, suy xét và phỏng đoán. Ông nhận biết rằng cái chết theo sau sự ứng nghiệm lời hứa là một đám mây đen xa xăm bị tiêu mất bởi ánh sáng của Đấng Mê-si-a sẽ đến. Điều đó chẳng có gì đáng sợ khi so với niềm vui của lời hứa ấy.

Trong những ngày ban đầu đó, ông đã tin chắc rằng lời hứa sắp xảy ra. Sự bày tỏ của Đức Thánh Linh trong tâm hồn ông có nghĩa rằng mắt ông sẽ sớm thấy sự cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã hứa ban từ rất lâu. Những năm tháng dân Y-sơ-ra-ên chờ đợi Đấng Mê-si-a sắp kết thúc và sự trông đợi của Si-mê-ôn sẽ đánh dấu kết thúc cho sự kiên nhẫn đã lâu của Y-sơ-ra-ên.

Tiếng kêu be be của chiên và dê được dẫn đến để làm sinh tế khiến ông nhớ lại. Rất đông người. Si-mê-ôn quan sát, chăm chú nhìn từng người, chờ đợi tiếng phán của Đức Thánh Linh.

Nhiều năm đã trôi qua vẫn không làm lu mờ đi đức tin và lòng trông đợi của ông. Si-mê-ôn vẫn dõi theo và chờ đợi, y như những gì ông đang làm. Mọi người cứ đến rồi đi. Si-mê-ôn vẫn cứ quan sát, như ông luôn làm, nhưng hôm nay thật khác biệt. Đã bao nhiêu lần trong suốt những năm tháng qua, ông đã ngồi ở đây chờ đợi để nhìn thấy Đấng được hứa ban? Ông đã ngồi ở “chỗ của mình” trong sân đền thờ, quan sát, chờ đợi và học hỏi. Những năm tháng đó đã dạy ông về Đấng mà ông đang tìm kiếm.

Còn có An-ne nữa. Bà đã ở tại đền thờ thậm chí còn lâu hơn cả Si-mê-ôn. Tình bạn của họ và những cuộc trò chuyện suốt nhiều năm tháng cứ xoay quanh một điều – những lời hứa của Đức Chúa Trời đối với Y-sơ-ra-ên. Mỗi ngày trôi qua đem họ lại gần hơn với cơ hội được nhìn thấy Đấng Mê-si-a và vương quốc Đức Chúa Trời.

Si-mê-ôn nhớ lại ngày mà ông đã nói với An-ne về lời hứa mà ông có được. Sự kinh ngạc xen lẫn niềm vui là điều mà Si-mê-ôn sẽ không bao giờ quên. An-ne hiểu rằng lời hứa đối với Si-mê-ôn là dấu hiệu cho thấy rằng những lời hứa lớn lao của Đức Chúa Trời đang trong tầm tay. Kể từ đó, họ thường xuyên trò chuyện với nhau về sự đến của Đấng Mê-si-a.

Việc đọc Kinh Thánh trở thành nguồn nuôi dưỡng tâm linh cho họ mỗi ngày, họ luôn kinh ngạc với sự mặc khải mới mà họ khám phá được về điều sẽ đến. Mỗi lần gặp nhau tại sân đền thờ, họ sẽ thảo luận về một điều gì đó mới mẻ về Đấng Mê-si-a.

Họ thảo luận về Đấng sẽ đem đến sự an ủi cho dân Y-sơ-ra-ên, Đấng sẽ xoa dịu danh phận bị tổn thương sau những năm tháng chịu khuất phục dưới những kẻ cai trị ngoại bang. Đã bao lâu kể từ khi vinh quang của Đức Chúa Trời rời khỏi đền thờ? Ngay cả đền thờ tráng lệ này, mà dân Y-sơ-ra-ên vô cùng tự hào, cũng được xây dựng thật nguy nga bởi một vị vua ngoại bang. Nhưng An-ne và Si-mê-ôn đồng ý rằng Đấng Mê-si-a sẽ đem lại vinh quang thật cho Y-sơ-ra-ên. Không bởi vì đền thờ, nhưng bởi vì Đức Chúa Trời sẽ lại ngự với dân sự Ngài – Em-ma-nu-ên.

Họ đã nói với sự tò mò về những lời của tiên tri Ê-sai khi ông mô tả Đấng Mê-si-a bị dẫn như con chiên đến hàng làm thịt. Họ kinh ngạc rằng bằng cách nào đó hình phạt mà Ngài sẽ mang lấy bởi những lằn roi và vết thương Ngài chịu sẽ mang đến sự hòa bình cho dân Y-sơ-ra-ên. Việc Ngài sẽ bị vết, bị thương có nghĩa gì? Những vết thương của Ngài sẽ đem đến sự chữa lành cho người khác ra sao? Đó là những cuộc trò chuyện lớn; luôn đưa họ quay về với Kinh Thánh và sự cầu nguyện.

Họ ngạc nhiên rằng Y-sơ-ra-ên sẽ sớm trở nên ánh sáng cho dân ngoại. Chẳng bao lâu nữa, các dân mọi nước sẽ đổ về Y-sơ-ra-ên để biết về Đức Chúa Trời và được dạy đường lối Ngài. Và Y-sơ-ra-ên sẽ như ngọn đèn hy vọng và bình an, kêu gọi mọi dân từ khắp bốn phương đến nghe lời của Chúa.

Chẳng bao lâu nữa, họ sẽ hoàn thành vai trò là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Đấng Mê-si-a sắp đến sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới cho Y-sơ-ra-ên. Một kỷ nguyên mà sẽ làm cho hòa bình dưới thời vua Sa-lô-môn hiện ra như sự hỗn loạn và các chiến thắng của vua Đa-vít là không cần thiết – gươm giáo sẽ trở nên nông cụ bởi vì hòa bình bao phủ trên khắp xứ và trên mọi người.

Si-mê-ôn nhớ lại những cuộc trò chuyện này khi ông ngồi tại đền thờ. Ông nhớ đến những lời hứa của Đức Chúa Trời. Và ông suy ngẫm về vương quốc sắp đến. Ông nhìn chăm từng gương mặt của những người đi ngang qua, mỗi người đều có thể là Đấng đó. Nhưng từng người đi ngang qua, Đức Thánh Linh vẫn yên lặng.

Ông đã học biết kiên nhẫn khi chờ đợi lời hứa của Ngài. Bài học mà Y-sơ-ra-ên đã học về thời điểm của Đức Chúa Trời là trong đường lối Ngài, nhiều ngày trở nên nhiều tuần, nhiều tuần trở nên nhiều năm. Sức lực thời thanh xuân của ông nhường chỗ cho sự khôn ngoan của tuổi già.

Giờ đây tại nơi này, có một cặp vợ chồng đến dâng con trẻ mới sinh, chỉ mới tám ngày tuổi. Một cặp vợ chồng nghèo, Si-mê-ôn có thể thấy cặp bồ câu mà họ mang tới để dâng của lễ. Tại sao tấm lòng ông rung động khi ông thoáng nhìn thấy. Phải chăng người đàn ông có con nhỏ này chính là Đấng đó? Ông nhìn lại. Nhưng Đức Thánh Linh hướng mắt ông đến con trẻ.

Con trẻ ư?

Đúng, con trẻ.

Si-mê-ôn vô cùng cảm động. Ông quên mất sự đi lại khó khăn vì tuổi già, tiến đến gần chỗ cặp vợ chồng có con trẻ. Tám ngày tuổi, nhưng đây chính là Ngài. Đây là Đấng Mê-si-a. Đức Thánh Linh đã bày tỏ rõ ràng.

Ông cười thầm khi đến gần hơn. Những năm tháng trông đợi một Đấng sẽ và có thể gánh lấy ngôi vua ngay lập tức đã khiến ông mong đợi một điều gì đó khác. Tuy vậy, tại đây ngay trong đứa trẻ này, sẽ làm ứng nghiệm mọi hy vọng của Y-sơ-ra-ên. Không ai, bao gồm chính ông nghĩ rằng đó sẽ là một con trẻ. Chắc chắn, Đấng được chọn sẽ phải là con trẻ ở một thời điểm nào đó, nhưng Si-mê-ôn mong đợi rằng ông sẽ nhìn thấy Đấng Mê-si-a ở giai đoạn đã sẵn sàng thực hiện lời hứa ấy, không phải là trẻ sơ sinh mà cần có thời gian để lớn lên.

Điều đó không quan trọng. Lời hứa của Đức Chúa Trời đối với Si-mê-ôn là thật và giờ đây được ứng nghiệm.

Ông đến gần cặp vợ chồng với ánh mắt kinh ngạc. Ông xin bồng ẵm đứa trẻ và cặp vợ chồng đã đồng ý với sự tò mò và thận trọng. Jêsus. Tên của con trẻ là Jêsus. Si-mê-ôn hiểu ý nghĩa của cái tên. Ông bồng ẵm con trẻ và nói:

Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho đầy tớ Chúa qua đời bình an,

Theo như lời Ngài;

Vì mắt con đã thấy sự cứu rỗi của Ngài,

Mà Ngài đã chuẩn bị trước mặt muôn dân,

Là ánh sáng soi đường cho các dân ngoại,

Và là vinh quang của Y-sơ-ra-ên, tức dân Ngài.”

Sự xuất hiện ngoài mong đợi của một con trẻ như là Đấng sẽ làm trọn những lời hứa của Đức Chúa Trời suốt nhiều thế kỷ đã nhắc nhở Si-mê-ôn rằng đường lối của Đức Chúa Trời khác với đường lối con người. Những mong đợi tốt nhất của chúng ta có thể dẫn chúng ta đến chỗ tìm kiếm điều sai trật. Ông đã mong đợi và tìm kiếm một người đàn ông, nhưng giờ đây trong vòng tay ông, một con trẻ thậm chí còn yếu đuối hơn sức lực đang hao mòn của ông, lại là Đấng sẽ chiến thắng và cai trị.

An-ne đã nhìn thấy Si-mê-ôn đứng dậy. Bà thấy ông đi đến chỗ đôi vợ chồng. Khi ông bồng ẵm đứa trẻ, bà cũng bắt đầu tiến đến chỗ họ. Đôi tai bà đã nghe và tâm linh bà nhảy lên vui sướng. Bà nối tiếp lời của Si-mê-ôn bằng lời ngợi khen và cảm tạ Đức Chúa Trời, rồi bắt đầu nói về con trẻ, một con trẻ dành cho mọi người đang chờ đợi sự cứu chuộc của dân Y-sơ-ra-ên.

Giống như Si-mê-ôn, chúng ta đang chờ đợi sự ứng nghiệm của một lời hứa. Chúng ta không chờ đợi sự đến của Đấng Mê-si-a nữa, mà chờ đợi sự tái lâm của Ngài. Chúng ta cũng phải kiên nhẫn chờ đợi lời hứa được ứng nghiệm. Nhưng chúng ta cũng có thể chờ đợi với lòng trông mong và trong lúc chờ đợi, hãy học biết thêm về những lời hứa của Đức Chúa Trời để chúng ta có thể sống xứng hợp trong vương quốc mà con trẻ đó đã đến để công bố cách đây rất lâu.

Si-mê-ôn đã cho chúng ta thấy rằng sự kiên nhẫn, trung tín và vâng lời là cách chúng ta đáp ứng với những lời hứa của Đức Chúa Trời. Chúng ta không chỉ ngồi đó chờ đợi, mà mong mỏi trông đợi sự trở lại của Đấng không được mong đợi. Giáng Sinh là lúc để kỷ niệm sự đến của con trẻ sẽ làm vua, nhưng cũng là lúc để trông đợi sự trở lại của Đấng được chọn, kiên nhẫn chờ đợi Đức Chúa Trời là Đấng không hề chậm trễ, nhưng muốn mọi người có cơ hội ăn năn.

Và tại đây, chúng ta học từ bà An-ne, công bố về vị vua và vương quốc của Ngài cho mọi người lắng nghe. Khi chúng ta làm điều đó, chúng ta trông đợi sự trở lại của Ngài để hoàn tất những lời hứa còn lại. Khi đó, liệu Ngài sẽ nói với chúng ta rằng: “Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm”?

Trở lại trang dự án Giáng Sinh Trông Đợi Lời Hứa Của Chúa để xem thêm nội dung khác.