VI-RÚT VŨ HÁN: CUỘC SỐNG SỢ HÃI TRONG “THÀNH PHỐ MA”

Tác giả: Kim Cheung, Trung Quốc

Nguồn: https://ymi.today/2020/01/wuhan-virus-what-its-like-living-in-a-ghost-town-in-fear/

Biên dịch và biên tập: Mục vụ Lời Sống Hằng Ngày

Ghi chú của người biên tập: Virus Corona (2019-nCoV), một loại virus truyền nhiễm gây bệnh ở đường hô hấp bùng phát vào ngày 31 tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và từ đó lan đến các quốc gia khác do việc đi lại. Đến nay, virus đã khiến trên 400 người chết, với hơn 24.000 trường hợp nghi nhiễm trên toàn cầu.

Thời gian trôi thật chậm trong những ngày vừa qua.

Khi tôi viết những dòng này tại nhà mình ở tỉnh Giang Tô, hôm nay đã là ngày thứ ba của Tết Nguyên Đán (27/01/2020) – là thời điểm chúng tôi thường bận rộn đi thăm chúc tết gia đình và bạn bè. Nhưng thay vì vậy, chúng tôi ngồi ở nhà, liên tục kiểm tra tin tức được cập nhật trên mạng xã hội về tình trạng phát tán của virus Corona. Ngay cả việc đi mua đồ ăn vặt cũng trở nên vô cùng căng thẳng.

Đã tám ngày trôi qua kể từ khi truyền thông đưa tin chính thức về sự phát tán của loại virus này. Lần đầu tiên tôi đọc tin tức này là vào ngày 20/01, tôi đã nghĩ sẽ không quá nghiêm trọng. Thật vậy, tôi đã hẹn gặp hai người bạn mới trở về từ Châu Âu vào dịp Tết Nguyên Đán. Nhưng hôm nay, tôi phải hủy tất cả cuộc hẹn. Và tôi đã sẵn sàng không rời khỏi nhà hoặc thăm viếng ai trong hai tuần tới.

Loại virus này phát tán nhanh hơn nhiều so với tưởng tượng. Chỉ sau một đêm, người ta xác nhận rằng virus có thể lây nhiễm từ người sang người. Khẩu trang cháy hàng. Thành phố Vũ Hán hoàn toàn bị cô lập. Các siêu thị trở nên trống rỗng… Những tin đồn lan nhanh trên mạng xã hội khiến mọi người càng sợ hãi. Lướt qua các trang mạng xã hội, tin tức được cập nhật liên tục. Cùng với đó là sự nghi ngờ về các con số chính thức, với nhiều con số được cung cấp bởi những kẻ đầu cơ. Có bao nhiêu người thực sự bị nhiễm virus? Có bao nhiêu người đã chết? Không ai biết chính xác cả.

Chỉ vài ngày trước, tôi vẫn còn thấy nhiều người xuống phố. Nhưng hôm nay, những con đường hoàn toàn vắng vẻ, giống như một thành phố ma. Hầu hết mọi người đều hoảng loạn, và thậm chí những người già cũng bắt đầu thảo luận về mức độ đáng sợ của loại virus này.

Chúng ta không thực sự biết rõ về mức độ nguy hiểm của virus Corona. Một số chuyên gia ở Hồng Kông đã suy đoán rằng tác động của loại virus này có thể gấp 10 lần SARS, trong khi một số chuyên gia khác nói rằng dịch bệnh này không nguy hiểm bằng. Hiện tại, nguồn gốc của loại virus này cũng chưa được xác nhận. Trên hết tất cả các suy đoán là thời gian ủ bệnh của virus có thể kéo dài tới 14 ngày và có thể lây lan ngay cả trong thời gian ủ bệnh, tất cả những điều này làm tăng thêm nỗi sợ hãi và hoảng loạn.

Hai ngày trước, bạn tôi chia sẻ về tình hình thực tế tại các bệnh viện ở Vũ Hán, và tôi đã cảm thấy rất nặng lòng. Các bệnh viện chật cứng người bệnh mà họ không được trang bị đủ để chăm sóc. Bác sĩ và y tá không có đủ thiết bị bảo vệ cần thiết hay mặt nạ, và không thể ngừng tay để ăn uống trong suốt cả ngày. Ngay cả việc cung cấp lương thực cũng bị thiếu hụt. Các nhân viên y tế kiệt sức vì khối lượng công việc và chỉ có thể ăn một bữa mỗi ngày – toàn là mì ăn liền. Và các y tá bật khóc.

Lòng tôi tan nát. Tôi không thể tiếp tục xem tin tức trên TV. Làm sao không tuyệt vọng cho được khi đối diện với hoàn cảnh như vậy? Và tuy vậy, ngoài việc cầu nguyện, tôi không thể nghĩ ra việc gì khác.

Trưa hôm nay, tôi biết được có hai người bạn Cơ Đốc ở Vũ Hán bị sốt, và họ có thể đã nhiễm virus. Tôi càng cảm thấy nặng lòng hơn. Tương lai sẽ ra sao? Liệu dịch bệnh này có trở thành thảm họa toàn cầu? Và ngày cuối cùng thực sự đã đến sao? Những câu hỏi này khiến tôi cảm thấy lo lắng và bất lực hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, giờ đây, điều thế giới cần nhất chính là niềm hy vọng. Khi lòng chúng ta trông chờ về một loại thuốc đặc trị, như thể chúng ta chỉ có thể có niềm hy vọng khi tìm ra phương pháp kiểm soát và điều trị bênh dịch– là con cái Chúa, liệu chúng ta có đang rơi vào trạng thái tuyệt vọng như thế? Nếu niềm hy vọng của chúng ta chỉ dựa vào phương thuốc chữa bệnh thì chúng ta cũng đáng thương như những người không tin sao (Rô-ma 8:24)?

Khi chúng ta bị bủa vây bởi hoảng loạn và tuyệt vọng, chúng ta càng phải nắm chặt lấy Chúa và Lời của Ngài. Chúa là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta. Mong rằng những chân lý này sẽ khiến chúng ta vững lòng.

Chúa Vẫn Đang Tể Trị

Mặc dù hoàn cảnh trở nên tồi tệ nhưng vẫn có một điều chắc chắn, đó là: Đức Chúa Trời của chúng ta vẫn đang tể trị. Dù ma quỷ muốn cướp bóc, giết chóc và hủy diệt loài người, Đức Chúa Trời vẫn luôn tể trị mọi điều. Không có sự cho phép của Ngài thì không có điều gì có thể xảy ra. Nếu Ngài không cho phép thì ngay cả sợi tóc trên đầu chúng ta cũng không rụng được (Lu-ca 12:6-7). Khi tôi nắm lấy chân lý này, lòng tôi được an ủi.

Chúa Không Bao Giờ Lìa Bỏ Chúng Ta

Chúa hứa rằng Ngài sẽ không bao giờ lìa bỏ chúng ta. Ngay cả khi ở giữa thử thách và bệnh tật, Ngài luôn ở cùng chúng ta. Và Ngài sẽ giải cứu chúng ta (Giăng 6:37).

Vì biết Chúa ở cùng nên chúng ta không cần phải lo lắng hay sợ hãi (Ma-thi-ơ 10:28). Mặc dù chủng virus này thật đáng sợ, nhưng Đấng tạo dựng trời và đất ở cùng chúng ta, và chúng ta luôn được bình an.

Chúa Sẽ Mở Lối Thoát

Những thử thách đến với anh em, chẳng có điều nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, Ngài không để anh em bị thử thách quá sức mình đâu! Nhưng trong thử thách, Ngài sẽ mở đường cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được. (I Cô-rinh-tô 10:13).

Đây là lời Chúa hứa với chúng ta. Khi cảm thấy sợ hãi hay hoang mang trước những tin tức chúng ta thấy, hãy suy ngẫm lại phân đoạn Kinh Thánh này. Chúa sẽ không để chúng ta phải chịu đựng những điều chúng ta không thể. Ngài biết trước mọi điều, và Ngài sẽ mở lối thoát để chúng ta có thể kiên trì.

Khi nắm lấy những chân lý này, chúng ta hãy hết lòng cầu nguyện. Mặc dù nhiều hội thánh đã tạm ngừng việc nhóm lại để đảm bảo an toàn nhưng chúng ta có thể nhóm lại trong gia đình và cầu nguyện với nhau. Khi tôi suy ngẫm Lu-ca 4:17-22, một lần nữa tôi suy ngẫm về bản chất thật sự của Phúc Âm.

Phúc Âm mà Chúa Jêsus rao giảng nói về sự cứu rỗi cho linh hồn của chúng ta. Nhưng là tội nhân, chúng ta có khuynh hướng quan tâm đến thể xác hơn. Tôi nhận ra điều này khi tin tức về đại dịch lan rộng, tôi bắt đầu chú ý đến những thông báo trên điện thoại, liên tục cập nhật tin tức khắp nơi. Rất nhiều bài viết tôi nghĩ là thật nhưng hóa ra lại là tin đồn, và không giúp ích gì ngoài việc khiến tôi thêm sợ hãi. Tại sao tôi lại không dùng thời gian đó để cầu nguyện và suy ngẫm lời Chúa?

Cuối cùng, chúng ta cần cầu nguyện cho những linh hồn ở Vũ Hán và những linh hồn lầm lạc ở Trung Hoa. Tìm ra phương thuốc chữa trị là điều lý tưởng, nhưng nó chỉ giải quyết nan đề thuộc thể. Chẳng phải chúng ta cũng nên quan tâm và cầu nguyện cho những người chưa biết Phúc Âm để họ có được sự sống đích thực và thoát khỏi đau khổ đời đời sao?

Nguyện Chúa giúp chúng vững lòng để sử dụng những ngày bị buộc phải ở nhà để học biết Chúa nhiều hơn, cầu nguyện nhiều hơn cho những linh hồn chưa nhận biết Chúa.

Chúa vẫn đang tể trị. Chúa sẽ làm thành lời hứa của Ngài. Ý Cha được nên.

[Anh em] là những người nhờ đức tin được gìn giữ bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, để nhận sự cứu rỗi là điều sẵn sàng bày tỏ ra trong thời kỳ cuối cùng! (I Phi-e-rơ 1:5)

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/