VÌ SAO CHÚA LẠI ĐỂ CHO MỘT SỐ NGƯỜI CHỊU ĐAU KHỔ NHIỀU HƠN NGƯỜI KHÁC?

Tại một hội nghị chính trị gần đây, tôi có cơ hội gặp gỡ những đại diện đến từ những quốc gia khác nhau trên thế giới, rất nhiều người trong số họ đang sống trong cảnh bất ổn về chính trị.

Khi nghe họ trải lòng về những khó khăn mà họ đã trải qua tại đất nước của họ, tôi thật sự quan tâm và muốn hiểu nhiều hơn. Một số người đã từng bị cầm tù trước đó. Một số phải sống lưu vong. Số khác thì bị chính phủ truy tố. Thậm chí nhiều người còn không được có cơ hội để học tập, làm việc, hay lập gia đình như những người bình thường khác.

Hoàn cảnh của một vài nhóm người khác cũng thu hút sự chú ý của tôi – đó là những người tị nạn Syria và Rohingya, và cả những nạn nhân của nạn buôn người. Những người đi trước buộc phải rời khỏi đất nước của họ và vượt biên bất hợp pháp để tìm con đường sống, trong khi đó những người đi sau thì bị bắt cóc, bị bắt làm gái mại dâm, và còn bị trao đổi buôn bán không khác gì những món đồ. Tôi cũng bị ám ảnh bởi lời kể của những người bị buộc phải sống trong điều kiện sống tồi tệ. Một số thậm chí còn bị sát hại, như sự việc gần đây người ta phát hiện ra những ngôi mộ tập thể ở gần biên giới giữa Malaysia và Thái Lan.

Khi suy nghĩ về những câu chuyện đầy bi thảm này, tôi đã tự hỏi: Tại sao một số người lại phải gánh chịu đau khổ nhiều hơn người khác? Và Kinh Thánh nói gì về điều này?

Đau khổ có ở khắp mọi nơi

Đau khổ có ở khắp mọi nơi và chúng ta không có cách nào tránh khỏi nó. Chẳng đâu xa, ngay cạnh nhà của chúng ta đây, chúng ta có thể bắt gặp cảnh những gia đình không có đủ tiền để mua dù chỉ là một bữa ăn trong ngày, học sinh hay sinh viên bị dồn đến bước đường cùng, công nhân bị mất việc, những người già bị con cháu bỏ rơi, và cả những người lao động nhập cư bị chủ bóc lột sức lao động.

Đau khổ cũng là một đề tài quan trọng trong Kinh Thánh, cho chúng ta biết nhiều trường hợp mà Chúa cho phép họ chịu khổ như: Chúa để Sa-tan làm hại đến Gióp (Gióp 1:8-12), khoảng thời gian đầy khó khăn của Giô-sép ở đất nước xa lạ Ai Cập (Sáng. 50:20), Chúa Jêsus chịu nhiều đau đớn trên thập tự giá (I Phi-e-rơ 2:24), và sự bắt bớ xảy ra với những Cơ Đốc nhân đầu tiên (II Cô-rinh-tô 1:6-7).

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, một số người chịu khổ bởi vì họ bị Chúa phạt, một số thì vì đức tin, còn một số gánh chịu khổ vì để cứu người khác.

Ngày nay, những điều đau khổ mà chúng ta gặp phải có thể xuất phát từ một trong những lý do trên. Tuy nhiên, có những nguyên nhân mà chúng ta không hề biết hoặc không thể hiểu thấu. Cũng giống như trong quá khứ, Chúa biết tường tận lý do tại sao Ngài cho phép một số người chịu nhiều đau khổ hơn những người khác, nhưng không phải lúc nào Ngài cũng tiết lộ lý do cho chúng ta biết.

Sự tốt lành và tình yêu của Chúa

Tuy nhiên, điều chúng ta biết chắc chắn là, Đức Chúa Trời chính là tình yêu thương và Ngài luôn tốt lành. Chúng ta có thể đứng vững với niềm hy vọng ở trong Ngài trong những lúc như vậy, thậm chí cả những khi chúng ta không tìm thấy câu trả lời cho những đau khổ mà bản thân mình đang trải qua.

Thật dễ lắm sẽ có những lúc chúng ta thấy tuyệt vọng khi mà xung quanh chúng ta có quá nhiều điều bất công và bị phân biệt đối xử. Nhưng chính tôi cảm thấy được khích lệ khi đọc lời của tác giả Thi thiên viết: “Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va, vì Ngài là thiện; sự nhân từ Ngài còn đến đời đời” (Thi Thiên 107:1).

Sự tốt lành và tình yêu của Đức Chúa Trời được thể hiện rõ ràng qua Chúa Cứu Thế Jêsus, Đấng mà Ngài đã sai đến để tìm và cứu chúng ta khỏi tội lỗi trong khi chúng ta vẫn còn thù địch với Đức Chúa Trời. “Đang khi chúng ta còn yếu đuối thì đúng kỳ hạn Đấng Christ chịu chết vì kẻ có tội. Thật khó có ai chịu chết thay cho một người công chính, họa hoằn lắm mới có người dám chết thay cho một người lương thiện. Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta” (Rô-ma 5:6-8).

Chúa Jêsus chịu sự đau khổ tột cùng khi Ngài chết thay cho tội nhân như bạn và tôi trên cây thập tự giá. Vì thế, trong những khoảnh khắc chúng ta bất lực vì phải mang lấy những đau khổ mà chẳng tìm ra lý do và cũng chẳng có cách nào để hiểu, thì khi đó, chỉ cần nhìn lên thập tự giá. Như một nhà thần học người Đức Jurgen Moltmann đã từng nói: “Chỉ vì Chúa Jêsus mà tôi tin vào Đức Chúa Trời”.

Và Chúa hứa rằng chúng ta sẽ không phải chịu đau khổ mãi mãi đâu. Ngài sẽ “lau ráo nước mắt” trong cõi đời đời hầu đến. “Sẽ không có sự chết, cũng không có tang chế, than khóc, hoặc đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi” (Khải Huyền 21:4).

Nhờ Chúa Cứu Thế, chúng ta có thể đặt trọn đức tin của mình nơi Đức Chúa Trời, là Đấng luôn tốt lành và đầy tình yêu thương, dẫu cho chẳng thể nào biết được lý do tại sao một số người phải chịu nhiều đau khổ hơn những người khác. Chỉ biết rằng, Chúa ở đó với họ – cũng như Ngài ở đây với chúng ta qua Chúa Cứu Thế Jesus.

Tác giả: Joshua Woo. Ông là một nhân viên đặc biệt của một thành viên Quốc hội Malaysia. Trước đây, ông từng là một mục sư thuộc Hội thánh Trưởng lão ở Singapore.

Chuyển ngữ: Bích Ngọc Phan

Biên tập: ODB Việt Nam

Nguồn: https://ymi.today/2016/07/why-does-god-allow-some-to-suffer-more-than-others/. YMI là mục vụ giới trẻ thuộc Our Daily Bread Ministries. Sử dụng với sự cho phép của YMI.

Đọc các bài viết khác tại: https://vietnamese-odb.org/ymi-viet-nam/